Vitamin là những chất cần có để các quá trình sinh học trong cơ thể diễn ra, giúp cơ thể phát triển và tăng trưởng. Khi vào cơ thể, vitamin sẽ tham gia vào quá trình sử dụng cacbohydrat, lipid và protein để tạo ra năng lượng. Vitamin là những yếu tố luôn sẵn trong thực phẩm (rau, quả, ngũ cốc, thịt, cá,…) nên nếu sử dụng thực phẩm đảm bảo chất lượng, không ăn kiêng, không rối loạn hấp thụ ở đường tiêu hóa thì trẻ em không thiếu, không cần bổ sung.
Khoáng chất là những thành phần chính có trong răng và xương. Một số khoáng chất cũng giúp cho quá trình vận chuyển Oxy đến tế bào và lấy đi CO2.
Trong một số trường hợp như trẻ sinh non, sinh đôi, trẻ không được bú sữa mẹ, trẻ lớn quá nhanh, chất lượng bữa ăn không đảm bảo, bị suy dinh dưỡng, tiêu chảy kéo dài, sau giai đoạn bị bệnh (sốt, nhiễm trùng, ho hen, …), rối loạn hấp thu, còi xương, thiếu máu, mắc các bệnh về gan, mật,… sẽ bị thiếu vitamin và khoáng chất nên việc cho trẻ uống bổ sung thêm là rất cần thiết.
Đối với trẻ béo phì, bác sỹ thường khuyên ăn chế độ ít chất béo nên thường không hấp thu đủ lượng vitamin tan trong dầu là vitamin A, D, E, K nên cũng chú ý để bổ sung các vitamin này.
Tuy nhiên, nếu chế độ ăn không cung cấp đủ thì ngay cả những trẻ khỏe mạnh cũng nên bổ sung vitamin. Bởi các vitamin vốn có trong thực phẩm sẽ bị mất đi hay giảm trầm trọng trong thực phẩm không đảm bảo như rau bị héo, trái cây không còn tươi hoặc bảo quản, chế biến thực phẩm không tốt (ăn gạo trắng xây xát kỹ có ít vitamin B1, thức ăn nấu quá kỹ sẽ không còn vitamin C,…).
Liều lượng bổ sung:
- Liều bổ sung bao giờ cũng phải thấp hơn nhu cầu hàng ngày, trừ trường hợp trẻ đang bị mắc bệnh do thiếu các vitamin và khoáng chất đó thì có thể phải dùng liều cao hơn, trường hợp này phải uống theo sự chỉ dẫn của bác sĩ nhi khoa.
- Các chế phẩm vitamin và vi chất dinh dưỡng đơn lẻ thường có hàm lượng rất cao, như Vitamin B12 loại 5.000-10.000mcg (cao gấp 800-1.600% nhu cầu hàng ngày), Vitamin C 1.000mg, nguyên tố kẽm 100mg (cao gấp 330-660% nhu cầu hằng ngày). Do đó khi sử dụng các thuốc bố mẹ nên tham khảo ý kiến của bác sỹ chuyên khoa.
Thừa vitamin cũng có thể gây nguy hiểm cho cơ thể trẻ như:
- Thừa vitamin A có thể gây ngộ độc làm tăng áp lực nội sọ, cũng có thể gây quái thai, vì vậy không nên dùng cho mẹ ngay trước thời kỳ mang thai và phụ nữ có thai trong 3 tháng đầu.
- Thừa vitamin B6 có thể dẫn tới viêm đa dây thần kinh, giảm trí nhớ, giảm tiết prolactin.
- Vitamin C nếu dùng liều cao theo đường uống có thể gây viêm loét dạ dày tá tràng, tiêu chảy. Dùng đường tiêm với liều cao có thể gây tan máu, đặc biệt ở những người thiếu men G6PD.
- Thừa vitamin K thường chỉ gặp khi dùng đường tiêm kéo dài có thể gây tan máu và vàng da.
- Thừa vitamin D có thể làm cho trẻ chán ăn, mệt mỏi, nôn, dày màng xương, có trường hợp có thể bị thiểu năng, kém trí tuệ; bổ sung quá nhiều có thể gây suy thận và tử vong rất nhanh.
- Thừa canxi dẫn đến gây mệt mỏi, chán ăn, sỏi thận, tăng huyết áp...xương cốt hoá sớm có thể bị thấp chiều cao.
- Thừa sắt dẫn đến gan nhiễm săt, tim nhiễm sắt dẫn đến suy tim.
- Thừa kẽm dẫn đến biếng ăn, nôn, rối loạn tiêu hoá…
Ngoài ra một số bậc phụ huynh có thói quen sử dụng tùy tiện các loại thuốc bổ cũng có thể vô tình làm cho trẻ bị thiếu vitamin và các vi chất dinh dưỡng do tương tác thuốc ví dụ như sulfamid, methotrexat... làm giảm hấp thụ các vitamin nhóm B; vitamin E liều cao làm cạn kiệt dự trữ vitamin A; vitamin C liều cao làm phá hủy vitamin B12; thừa kẽm làm cản trở hấp thu sắt...
Nên cho trẻ dùng dạng lỏng như dung dịch uống vì vừa dễ uống vừa dễ hấp thu.
Trước khi có ý định bổ sung bất cứ loại thuốc nào, bạn nên tham khảo ý kiến của các bác sĩ chuyên môn nhằm có những chỉ định phù hợp.
Nguồn tham khảo: Viện dinh dưỡng Quốc gia
Dược sỹ Lù Huyền Trinh – Khoa Dược – VTYT