Tắc tia sữa là trạng thái sữa tiết ra không lưu thông tốt, gây ứ đọng sữa tại một hoặc hai tuyến sữa trong bầu vú. Nếu tắc tia sữa không được xử trí kịp thời có thể gây ra viêm tuyến sữa, áp xe vú… gây ảnh hưởng đến sức khoẻ bà mẹ sau sinh. Tắc tia sữa cũng làm cho trẻ không nhận đủ sữa mẹ, không được bú mẹ, làm gián đoạn việc nuôi con bằng sữa mẹ.
Massage vú là phương pháp chủ yếu dùng lực ấn ngón tay và bàn tay để thay đổi lực tác dụng lên quầng vú, núm vú và bầu vú, có tác dụng làm mềm vú, thông các tia sữa bị tắc, kích thích vú tiết sữa nhiều hơn.
Mục đích của massage vú
Quy trình massage vú
Massage vú có thể được thực hiện bởi nhân viên y tế hoặc người nhà hoặc bản thân sản phụ sau khi đã được nhân viên y tế hướng dẫn.
Dụng cụ chuẩn bị cần có: 1 khăn bông khô, sạch, 2 khăn mềm, nước ấm, cốc hoặc bình sạch để hứng sữa.
Trước khi tiến hành massage vú cần tháo bỏ trang sức trên 2 bàn tay và rửa tay sạch bằng xà phòng và nước sạch.
Các bước tiến hành massage vú:
Bước 1: Vệ sinh đầu vú, quầng vú và núm vú bằng khăn mềm sạch, ấm và ẩm
Bước 2: Massage đầu vú: có tác dụng làm thông ống sữa, đầu vú mềm và dễ kéo giãn, giúp trẻ ngậm bắt vú dễ dàng
Dùng ngón cái, ngón trỏ và ngón giữa dựng kẹp núm vú theo phương thẳng đứng, ấn nhẹ rồi vuốt ra bằng ngón trỏ và ngón giữa, lực ấn do ngón cái và ngón trỏ tạo ra cần được tập trung tại một điểm bên dưới núm vú. Sau đó dùng ngón cái nhẹ nhàng massage theo đường xoáy ốc quanh quầng vú để lực ấn ảnh hưởng lan rộng theo vòng tròn quanh quầng vú.
Bước 3: Massage quầng vú: tác dụng kích hoạt các xoang sữa phía dưới quầng vú, làm thông tia sữa và kích thích sữa đổ về các xoang sớm hơn
Có thể dùng tay nâng cố định bầu sữa và dùng tay còn lại massage bằng một hoặc hai thao tác sau:
Thao tác 1: Dùng đốt 2 ngón trỏ làm trụ giữ núm vú, ngón cái vuốt ngang nhẹ từ bờ ngoài quầng vú đến núm vú và xoay quanh quầng vú. Chú ý dùng lực vuốt dồn vào đốt 2 của ngón cái.
Thao tác 2: Dùng ngón cái làm trụ, ngón trỏ và các ngón còn lại cong hình chữ C, dùng lực của đốt 2 ngón trỏ vuốt nhẹ từ bờ ngoài quầng vú đến núm vú và xoay quanh quầng vú.
Bước 4: Massage bầu vú: kích thích hoạt động của toàn bộ bầu vú
Cách 1: Tư thế nằm
Massage bầu vú bằng cả 2 tay. Dùng cả 2 bàn tay ôm lấy bầu vú, di chuyển bàn tay quanh bầu vú theo hình tròn hướng ra phía ngoài theo chiều kim đồng hồ. Chú ý quan sát xem có làm đau bà mẹ không để điều chỉnh lực ấn và góc độ di chuyển.
Cách 2: Tư thế ngồi
Đặt 1 tay lên phía trên bầu vú, bàn tay kia đặt ôm phía dưới và nâng bầu vú, 2 tay massage theo chiều ngược nhau giúp làm mềm vú và những phần vú bị rắn.
Lưu ý massage từng bầu vú và đổi bên. Khi massage thấy có phần di chuyển chưa tốt hoặc cứng, không dùng ngón tay mà dùng mặt trong lòng bàn tay để massage.
Bước 5: Vắt sữa
Một tay cố định bầu vú, tay còn lại sử dụng ngón cái và ngón trỏ vuốt và ấn nhẹ từ bờ ngoài quầng vú đến đỉnh núm vú để vắt sữa.
Sau khi vắt sữa cần lau sạch bầu sữa bằng khăn sạch, ẩm và ấm.
Bảo quản sữa trong ngăn mát tủ lạnh, có thể sử dụng trong vòng 3 ngày sau khi vắt. Nếu bảo quản ở nhiệt độ phòng chỉ sử dụng được trong vòng 4 giờ.
hững điểm cần lưu ý khi thực hiện massge vú
- Thực hiện đúng kỹ thuật để sản phụ không đau;
- Tạo cảm giác theo nhịp giống như khi trẻ bú;
- Tập trung vào đầu vú và quầng vú;
- Các thao tác massage vú cần được lặp đi lặp lại nhiều lần, thực hiện lần lượt từng bên vú. Thời gian massage thường 10-15 phút mỗi bên vú cho đến khi vú mềm, đàn hồi tốt và thấy tiết sữa qua đầu vú.
Biện pháp phòng chống tắc tia sữa sau sinh
- Cho trẻ bú sớm trong vòng 1 giờ đầu sau sinh;
- Cho trẻ bú đúng cách, bú theo nhu cầu và bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu;
- Trường hợp trẻ không bú được hoặc có chống chỉ định trẻ bú sữa mẹ, cần vắt sữa mẹ ra.
Khi có các tình trạng bất thường như sốt, vú có cục cứng, sưng to, đỏ, đau nhiều hoặc vắt sữa ra có màu lạ, lẫn máu, mủ, cần đến khám tại cơ sở y tế ngay để được thăm khám và điều trị kịp thời.
NHS Vũ Thị Hiếu – Khoa Sản