Trong thời kỳ nuôi con bằng sữa mẹ (NCBSM), nhất là trong 6 tháng đầu tiên sau khi sinh, bà mẹ phải ăn nhiều và ăn đa dạng các loại thực phẩm mới có đủ sữa và đảm bảo nguồn sữa chất lượng cho con đồng thời đảm bảo sức khỏe cho mẹ.
Thức ăn cho phụ nữ sau sinh cần đảm bảo dễ tiêu hóa, giàu chất dinh dưỡng, có thể chia làm nhiều bữa trong ngày, ăn nhiều rau xanh, trái cây, thực phẩm nhiều chất xơ để tránh táo bón, uống nhiều nước từ 2- 2,5 lít/ ngày. Ngoài ra mẹ cần có nhiều thời gian dành cho giấc ngủ, tránh căng thẳng và cho trẻ bú thường xuyên để kích thích tạo sữa.
Năng lượng:
Nhu cầu cụ thể tùy theo tình trạng dinh dưỡng của bà mẹ trước và trong thời kỳ mang thai, cụ thể:
- Nhóm các bà mẹ thời kỳ chưa mang thai và thời kỳ mang thai có chế độ dinh dưỡng tốt, có mức tăng cân từ 9- 12kg; cần ăn nhiều hơn để đảm bảo năng lượng tăng thêm 505 Kcal/ ngày (tương đương 3 bát cơm và thức ăn hợp lý) và đạt mức 2260Kcal/ ngày đối với người lao động nhẹ và 2620kcal/ ngày đối với người lao động mức trung bình.
- Nhóm các bà mẹ thời kỳ chưa mang thai và thời kỳ mang thai có chế độ dinh dưỡng không đầy đủ, có mức tăng cân ít hơn 9kg: Cần phải cố gắng ăn nhiều và đa dạng hơn các loại thực phẩm khác nhau, để đảm bảo năng lượng tăng thêm 675Kcal/ ngày và đạt mức 2430Kcal/ ngày đối với người lao động nhẹ và 2790Kcal/ ngày đối với người lao động trung bình.
Protein:
- Lượng chất đạm cần được cung cấp đầy đủ trong quá trình cho con bú theo khuyến cáo cho người Việt Nam: Thêm 28gram/ ngày so với nhu cầu bình thường, nâng tổng số lên 38gram/ ngày.
- Nên lựa chọn các thực phẩm có protein chất lương như (thịt, cá, trứng, sữa, đậu). Số lượng thực phẩm có thể ước tính là:
ü 100g thịt/ cá cung cấp khoảng 15-20g protein;
ü 100g đậu phụ cung cấp khoảng 10g protein;
ü 200ml sữa bột pha cung cấp khoảng 5- 7g protein.
- Nên ăn cá ít nhất 1- 2 lần/ tuần, uống sữa hoặc các chế phẩm từ sữa (sữa chua, pho mát).
Chất béo:
Lượng chất béo ăn vào cần cung cấp 30% năng lượng khẩu phần. Khuyến khích sử dụng các chất béo có nhiều các axit béo không no chuỗi dài đa nối đôi như ALA, EPA, DHA (có nhiều trong rau xanh, một số loại dầu thực vật, dầu cá, một số loại cá mỡ). Lượng chất béo này rất quan trọng cho sự phát triển tối ưu trí não và thị lực của bé.
Vitamin và khoáng chất:
Các vitamin và khoáng chất rất cần bổ sung cho người mẹ nuôi con bú. Ngoài việc bổ sung bằng các thực phẩm tự nhiên (trái cây, rau củ) trong bữa ăn hàng ngày, bà mẹ cho con bú cần được bổ sung 1 liều vitamin A 200.000 đơn vị trong vòng 1 tháng đầu sau sinh để đảm bảo cung cấp vitamin A cho trẻ qua sữa.
Những điểm cần tránh trong thời gian cho con bú
- Không nên ăn uống kiêng khem quá mức (ăn thịt kho tiêu, rất cay, rất mặn).
- Không ăn thức ăn dễ ôi thiu hoặc nghi ngờ ôi thiu vì dễ gây ngộ độc.
- Hạn chế các thức ăn có nhiều gia vị (hành, tỏi, ớt…), không uống rượu, cà phê và hút thuốc lá.
- Tránh lao động quá mức.
- Tránh lo lắng, buồn phiền, giận giữ.
- Khi cho con bú nếu cần phải dùng thuốc phải hỏi ý kiến thầy thuốc, không nên tự động dùng thuốc vì có thể nguy hại cho con và có thể làm cạn nguồn sữa mẹ.
- Các bà mẹ cho con bú sẽ giảm cân tốt hơn so với các bà mẹ không nuôi con bằng sữa mẹ do mỡ tích lũy trong thời gian mang thai sẽ được chuyển hóa thành sữa cho con bú. Do đó các bà mẹ không được chủ động ăn kiêng trong gian đoạn này vì người mẹ sẽ cần nhiều năng lượng hơn bình thường để duy trì mức năng lượng tiêu chuẩn và tạo thêm nhiều sữa cho con. Vào giai đoạn này, muốn giảm cân, bà mẹ chỉ cần có chế độ dinh dưỡng cân bằng và tập thể dục đều đặn mỗi ngày, đồng thời, giảm bớt lượng đường và ngừng uống các loại nước có ga./.
CNĐD: Nguyễn Đức Vỹ- Khoa Dinh Dưỡng