Sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng tốt
nhất cho sự phát triển thể chất lẫn trí tuệ của trẻ ngay sau khi chào đời
Trong sữa mẹ có
những gì mà mọi người bảo tốt vậy nhỉ?
- Calo:
trong sữa mẹ có chứa khoảng 600 – 700 kcal.
- Protein: lượng protein trong sữa mẹ có ít hơn trong sữa
bò nhưng protein trong sữa mẹ lại dễ tiêu hóa hơn protein trong sữa bò, còn
protein trong sữa bò vào dạ dày dễ kết tủa khiến trẻ dễ bị đầy bụng khó tiêu.
- Lipit: lipit trong sữa
mẹ nhiều hơn trong sữa bò, đồng thời sữa mẹ có chứa men lipase giúp trẻ tiêu
hóa dễ dàng hơn, hấp thu các dinh dưỡng tốt hơn.
- Lactose: sữa mẹ có
nhiều lactose hơn sữa bò, điều này giúp cung cấp thêm năng lượng cho trẻ, đồng
thời một số lactose khi vào ruột sẽ chuyển hóa thành axit lactic giúp cho sự hấp
thu calci và muối khoáng tốt hơn.
- Vitamin: trong sữa mẹ
chứa nhiều vitamin A, C và D hơn sữa bò, nhất là vitamin A, điều này giúp cho
trẻ tránh được bệnh khô mắt do thiếu vitamin A.
- Muối khoáng: Trong sữa
mẹ giàu sắt hơn sữa bò, giúp trẻ tránh được nguy cơ thiếu máu thiếu sắt, còn
calci trong sữa mẹ ít hơn trong sữa bò nhưng lại dễ tiêu hóa hấp thu tốt hơn.
- Sữa mẹ có chứa chất
kháng khuẩn và chống dị ứng. Sữa mẹ là nguồn thức ăn vô khuẩn, sạch sẽ, trẻ bú
mẹ trực tiếp nên đảm bảo vô khuẩn, vi khuẩn không có điều kiện phát triển, đồng
thời sữa mẹ có chứa các chất kháng khuẩn và chống dị ứng nên trẻ bú sữa mẹ ít bị
nhiễm khuẩn, dị ứng và tỉ lệ tử vong thấp hơn so với trẻ được nuôi nhân tạo.
Sữa non là gì?
- Sữa non được tiết ra từ những tháng cuối thai kỳ cho đến hết tuần đầu sau
khi sinh. Sữa non đặc sánh, màu vàng nhạt, rất
giàu chất đạm, kháng thể, bạch cầu, và vitamin A.
- Lượng đạm trong sữa non
nhiều gấp 10 lần trong sữa trưởng thành.
- Sữa non chứa rất nhiều
kháng thể (IgA, IgG, IgM, IgD), một số chất có tác dụng chống vi trùng như
interferon (chống siêu vi trùng), fibronectin (tăng cường lực lượng bạch cầu
như đại thực bào (macrophage). Có rất nhiều tế bào miễn nhiễm trong sữa non, nhiều
nhất (50% số bạch cầu) là bạch cầu trung tính (neutrophil), 40% đại thực bào,
10% lymphocyte (trong đó 20% là loại tế bào B và 80% loại tế bào T). Do vậy, nếu
được bú sớm sau sinh, bú đều đặn trong 6-9 tháng đầu, trẻ sẽ không bị mắc các bệnh
như sởi, ho gà; ít bị viêm đường hô hấp và tiêu chảy.
- Sữa non giàu
vitamin hơn sữa thật sự, đặc biệt là vitamin A. Vitamin A giúp trẻ ít bị các bệnh
nhiễm khuẩn nặng và phòng ngừa được bệnh khô mắt.
- Do có các yếu tố
phát triển nên sữa non cũng giúp cho bộ máy tiêu hóa của trẻ sớm trưởng thành.
- Sữa non có tác dụng
xổ nhẹ, giúp tống nhanh phân su ra khỏi đường tiêu hóa. Điều này sẽ hạn chế hiện
tượng vàng da sinh lý ở trẻ sơ sinh.
Nuôi con bằng sữa mẹ còn bảo vệ sức khỏe
cho bà mẹ
- Cho trẻ bú ngay sau sinh
giúp tử cung của bà mẹ co hồi tốt, giảm lượng máu mất sau sinh, từ đó giảm nguy
cơ thiếu máu.
- Nuôi con bằng sữa mẹ bảo
vệ cho bà mẹ ít bị mắc bệnh ung thư vú và ung thư buồng trứng.
- Cho con bú mẹ hoàn toàn
trong sáu tháng đầu sau sinh làm cho chậm có kinh nguyệt trở lại và vì thế hạn
chế khả năng thụ thai.
- Cơ thể sử dụng năng lượng
từ mỡ tích trữ trong thời kỳ mang thai để tạo sữa, nên bà mẹ giữ được vóc dáng
sau sanh, tránh béo phì .
Nuôi
con bằng sữa mẹ giúp gắn bó sợi dây tình cảm mẹ giữa mẹ và con
Cho bé bú bằng sữa mẹ là sợi
dây hoàn hảo gắn kết tình cảm mẹ con. Khi bú mẹ, nằm trong vòng tay của mẹ, trọn
tầm mắt của bé đều hướng về mẹ yêu. Hơn nữa, việc cho bú làm cơ thể mẹ sản sinh
ra hormone oxytocin, hormone tình yêu, thúc đẩy cảm giác hạnh phúc cho mẹ lẫn
con.
Tiết
kiệm tài chính, thời gian và tiền bạc khi nuôi con bằng sữa mẹ
Nuôi con bằng sữa mẹ cực kỳ
thuận tiện và tiết kiệm: bà mẹ không tốn tiền mua sữa, không tốn thời gian
và công sức để chuẩn bị đồ ăn cho trẻ bởi sữa mẹ rất đảm bảo vệ sinh và lúc nào
cũng sẵn có.
Bên
cạnh đó, nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ còn tạo cho xã hội những đứa trẻ thông
minh, khỏe mạnh; giảm tải các bệnh tiêu chảy, suy dinh dưỡng cho ngành y và giảm
tỉ lệ tử vong trẻ em.
Để nuôi con bằng sữa mẹ phát huy hiệu quả tối đa, các mẹ
cần lưu ý một số vấn đề sau:
Thời điểm cho trẻ bú
- Cho trẻ bú ngay sau khi sinh (tốt nhất trong vòng 30 phút - 1giờ đầu sau sinh).
- Cho trẻ bú theo nhu cầu (trung bình khỏang 8 – 10 bữa
bú/ ngày).
- Kích cỡ dạ dày của trẻ: thể tích dạ dày của trẻ mới
sinh như sau: 1-2 ngày: 5-7ml (quả nho); 3-4 ngày: 22-27ml (quả chanh) và 10
ngày: 60-80ml (quả trứng gà).
- Trong 6 tháng đầu, trẻ chỉ cần
bú mẹ, không cần ăn bất kỳ thức ăn hay đồ uống nào khác, tiếp tục cho trẻ bú đến
khi trẻ được 24 tháng.
Làm thế nào để nhận biết em bé đang đòi bú?
- Em bé xoay
xở, không nằm yên.
- Bé há miệng
và quay đầu sang hai bên.
- Đưa lưỡi
ra vào.
- Mút ngón
tay hoặc mút nắm tay.
Trẻ bú thế nào là đúng?
Tùy từng điều
kiện mà người mẹ có thể cho trẻ bú ở tư thế nằm hay ngồi nhưng phải đảm bảo bà
mẹ và trẻ đều ở tư thế thoải mái, thư giãn.
Các
nguyên tắc khi cho trẻ bú:
- Đầu và thân trẻ phải nằm trên
cùng một đường thẳng.
- Bụng trẻ áp sát vào bụng mẹ.
- Mặt trẻ quay vào vú mẹ và mũi
trẻ đối diện với núm vú
- Đỡ đầu và mông nếu là trẻ sơ
sinh.
Trẻ
ngậm vú đúng:
+ Quầng vú ở phía trên miệng trẻ còn lại nhiều hơn quầng vú ở phía
dưới.
+ Miệng trẻ mở rộng.
+ Môi dưới hướng ra ngoài.
+
Cằm trẻ chạm vào vú mẹ.
Chú
ý: Trẻ càng bú nhiều, mẹ càng
tiết nhiều sữa. Bú hết một bên vú rồi mới chuyển sang bên kia để đảm bảo trẻ được
bú cả sữa đầu và sữa cuối giàu dinh dưỡng.
Mỗi lần cho trẻ
bú kéo dài chừng nào trẻ còn muốn bú cho đến khi trẻ tự nhả vú ra. Nếu một lần
bú kéo dài hơn nửa tiếng hoặc các lần bú quá gần (các lần chỉ cách nhau 1-1,5
tiếng) là dấu hiệu trẻ không được ngậm bắt vú đúng và bú không có hiệu quả, cần
kiểm tra đánh giá lại.
Bạn
cần làm gì để có đủ sữa cho em bé?
1.
Chế độ nghỉ ngơi, lao động của bà mẹ cho con bú
Trong thời gian nuôi con bằng sữa mẹ, người mẹ
cần có thêm năng lượng để tạo sữa, có thời gian để nghỉ ngơi, lao động vừa phải.
bà mẹ cần được ăn, uống nhiều hơn bình thường, không kiêng khem quá mức. Nên hạn
chế ăn các thức ăn có nhiều gia vị, không uống rượu, cà phê, và hút thuốc lá.
2. Chế độ dinh dưỡng khi cho con bú
- Bà mẹ cần ăn uống đầy đủ, đủ chất sẽ có đủ sữa và chất lượng sữa tốt
cho con bú.
- Chú ý ăn thêm các loại thực
phẩm giàu dinh dưỡng như: tôm, cua, cá, trứng, sữa, thịt, đậu đỗ, lạc vừng, rau
xanh và quả chín.
- Nên ăn thành nhiều bữa và mỗi
bữa ăn nhiều hơn bình thường.
- Uống nhiều nước (từ 1.5L đến
2L/ngày) vì cơ thể cần nhiều nước cho sự tiết sữa.
- Chỉ dùng thuốc khi có sự hướng
dẫn của cán bộ y tế.
- Sau 6 tháng tránh thai tự
nhiên bằng cho con bú thì người mẹ có thể sử dụng một biện pháp tránh thai và
biện pháp tránh thai bạn nên tham vấn ý kiến của bác sĩ.
Vì những lợi ích trên,
các bà mẹ nên cho con bú mẹ ngay từ sau sinh đến 24 tháng tuổi vì “Sữa mẹ là thức ăn tốt nhất cho sức
khỏe và sự phát triển toàn diện của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ”.
Chúng tôi sẽ “đồng hành cùng bạn
vượt cạn an toàn”
Bs Trần Văn Tuyển - Khoa Sản