Thông tin mới nhất
Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 3
  • Hôm nay: 90
  • Trong tuần: 6 126
  • Tất cả: 1383738
Các câu hỏi thường gặp về nôn nghén ở phụ nữ có thai

 

1. Ốm nghén khi mang thai có bình thường không?

Nghén là tình trạng rất phổ biến trong thai kỳ với các triệu chứng như: buồn nôn, nôn ói, mệt mỏi, ăn uống kém ngon miệng,... Nghén có thể xảy ra bất cứ lúc nào trong ngày, thường xảy ra vào buổi sáng nên còn được gọi là “morning sickness”.

Ảnh minh họa: Internet

Tuy nhiên, cần phân biệt nghén do thai với buồn nôn và nôn do các nguyên nhân khác như: viêm dạ dày-tá tràng, ngộ độc thực phẩm, bệnh tuyến giáp, bệnh túi mật,…Nếu mẹ bị nôn, buồn nôn kèm một trong các triệu chứng đau bụng, sốt, đau đầu, bướu cổ…

2. Thời điếm xuất hiện nôn nghén?

Cảm giác buồn nôn và nôn khi mang thai thường bắt đầu trước khi thai được 9 tuần. Đối với hầu hết phụ nữ, nó sẽ biến mất trước tuần 12-14. Tuy nhiên, đối với một số phụ nữ, nghén có thể kéo dài qua vài tháng và có thể trong suốt thai kỳ.

3. Nghén ảnh hưởng như thế nào đến mẹ và bé?

Nôn nghén khi mang thai thường không gây hại cho thai nhi. Ngược lại nghén cho thấy thai đang phát triển tốt, bánh rau tăng tiết nột số nội tiết tố vào máu mẹ làm mẹ bị nghén. Tuy nhiên nghén có thể ảnh hưởng đến cuộc sống của mẹ, bao gồm cả khả năng làm việc hoặc sinh hoạt bình thường hàng ngày. Nếu mẹ bị nghén quá nhiều và bị sụt cân thì có thể làm bé nhẹ cân lúc sinh. Một sốt trường hợp mẹ đang nghén bỗng đột ngột hết nghén thì mẹ cần đi khám để kiểm tra tình trạng thai.

4. Có phương pháp nào để giảm tình trạng nôn nghén?

- Một số nghiên cứu cho thấy uống vitamin trước thụ thai 3 tháng có thể làm giảm tần suất và độ nặng của nghén.

- Chia nhỏ thành ăn nhiều bữa thay vì chỉ ăn 3 bữa chính, thêm các bữa như xế trưa, xế chiều và tối trước khi ngủ. Thử ăn vài cái bánh quy hoặc snack vào buổi sáng khi vừa ngủ dậy để trung hoà acid dạ dày sau một đêm ngủ dài.

- Tránh các loại mùi gây khó chịu gây cảm giác buồn nôn như mùi nước hoa, nước tẩy rửa, mùi tỏi… Đảm bảo phòng ở thông thoáng, tránh ở nơi ngột ngạt.

- Tránh thức ăn nhiều dầu mỡ, thức ăn quá ngọt, nhiều gia vị, nặng mùi.

- Ăn thức ăn đơn giản, dễ tiêu hoá như chuối, cơm, bánh mì, khoai tây, ngũ cốc…, các loại thực phẩm mát lạnh như salat, sữa chua, trái cây hoặc súp lạnh.

- Thử ngậm gừng tươi, mứt gừng, kẹp gừng, trà gừng…

- Uống nhiều nước, uống nước 30 phút trước và sau khi ăn thức ăn đặc để tránh làm dạ dày quá đầy sau ăn

5. Loại thuốc nào mẹ bầu có thể sử dụng để giảm tình trạng nôn nghén?

Nếu sau khi thay đổi sinh hoạt và chế độ ăn vẫn không cải thiện tình trạng và sau khi loại trừ nguyên nhân khác có thể gây buồn nôn, nôn thì bác sĩ có thể chỉ định một số loại thuốc giúp điều trị:

- Vitamin B6 và doxylamin: Vitamin B6 là thuốc an toàn, không cần kê đơn nhưng tác dụng giảm nôn khá yếu. Do đó loại viên phối hợp vitamin B6 và doxylamin thường được sử dụng cho điều trị nôn và buồn nôn trong thai kỳ.

- Thuốc chông nôn: nếu vitamin B6 và doxylamin không đủ cải thiện tình trạng thì mẹ nên đến các cơ sở y tế để được bác sĩ thăm khám và kê đơn thuốc chông nôn chứ không nên tự mua thuốc về nhà uống.

6. Nôn nghén có cần nhập viện điều trị?

Với những nôn nghén thông thường, mẹ không cần phải nhập viện mà chỉ cần sử dụng các phương pháp đã nêu trên để cải thiện. Tuy nhiên khoảng 0,3-3% thai kỳ bị tình trạng nghén nặng, mẹ nôn ói nhiều làm giảm trên 5% cân nặng và các biến chứng khác của tình trạng mất nước. Lúc này mẹ cần nhập viện để điều trị giảm nôn nghén, bồi hoàn nước và điện giải. Nếu nặng hơn nữa, bác sĩ cần cân nhắc giữa sức khoẻ của mẹ và duy trì thai kỳ.

NHS. Trịnh Thị Ngân – Khoa Phụ