Thông tin mới nhất
Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 4
  • Hôm nay: 662
  • Trong tuần: 6 712
  • Tất cả: 1383563
Thai chậm tăng trưởng trong tử cung

Thai chậm tăng trưởng (TCTT) là gì?

Thai chậm tăng trưởng trong tử cung (Fetal Growth Restriction- FGR/ Intrauterine Growth Restriction- IUGR) được định nghĩa là khi cân nặng của thai theo siêu âm dưới bách phân vị thứ 10, tức là thai nhi có cân nặng thấp hơn 90 % thai cùng tuổi. Hiểu một cách đơn giản là tình trạng thai nhỏ hơn so tuổi thai do sự phát triển của thai chậm hơn mức kỳ vọng, liên quan đến các bất thường bệnh lý về gen và các yếu tố bất lợi của môi trường trong tử cung và thường có kết cục chu sinh bất lợi. Đây là trong là một vấn đề thường gặp, ảnh hưởng đến 5-7 % thai kỳ

Ảnh minh họa.

Tuy nhiên, cần phân biệt thai chậm tăng trưởng và thai nhỏ hơn so với tuổi thai (Small Gestational Age - SGA). SGA là tình trạng thai nhỏ hơn bình thường do thể tạng (VD: tạng người châu Á nhỏ hơn so với tạng người châu Âu và châu Phi), mà không do những bất thường bệnh lý gây ra, và những thai sẽ phát triển và kết cục chu sinh hoàn toàn bình thường.

Nguyên nhân và các yếu tố nguy cơ:

- Về phía mẹ:

+ Mắc các bệnh lý mạn tính như: Tăng huyết áp hoặc bệnh lý về tim và mạch máu khác, đái tháo đường, thiếu máu và các bệnh về máu, bệnh lý phổi và thận mạn tính, ...

+ Các bệnh lý tự miễn dịch như Lupus ban đỏ.

+ Mẹ dinh dưỡng kém, cân nặng thấp hơn bình thường

+ Thừa cân, béo phì

+ Sử dụng rượu hoặc ma túy, hút thuốc lá

- Về phía thai nhi:

+ Là một trong những cặp sinh đôi hoặc sinh ba

+ Nhiễm trùng bào thai

+ Dị tật bẩm sinh, chẳng hạn như dị tật tim

+Vấn đề với gen hoặc nhiễm sắc thể

- Về phần phụ của thai:

+ Trọng lượng rau thai thấp (trọng lượng dưới 350 gam)

+ Mạch máu tử cung bất thường

+ Rối loạn chức năng nhau thai (PIH, tiền sản giật)

+ Dây rốn một động mạch

+ Rau bong non

+ U máu rau thai

+ Đa thai

Vai trò của siêu âm trong phát hiện sớm thai chậm tăng trưởng trong buồng tử cung

- Siêu âm :

Siêu âm là kỹ thuật dùng sóng siêu âm có tần số cao tạo ra hình ảnh y học về cấu trúc bên trong cơ thể con người. Đây là một phương pháp đơn giản, hiệu quả và tương đối an toàn cho thai nhi.

+ Ước tính trọng lượng thai nhi bằng siêu âm là cách tốt nhất để xác định thai chậm tăng trưởng. Dựa trên các thông số về kích thước của thai đo được trên siêu âm như đường kính lưỡng đỉnh, chu vi vòng bụng, chiều dài xương đùi để tính toán một cách tương đối cân nặng của thai nhi và so sánh với bảng cân nặng chuẩn để xác định thai có chậm tăng trưởng hay không.

+ Siêu âm giúp xác định được kích thước của thai và so sánh đối chiếu với kích thước chuẩn từ đó đánh giá thai chậm phát triển trong tử cung cân đối hay không cân đối.

+ Siêu âm Dopller có thể phát hiện nguyên nhân TCTT do bất thường của thai hay phần phụ của thai.

+ Là cơ sở để bác sĩ sản khoa đưa ra quyết định nên tiếp tục duy trì hay chấm dứt thai kì.

+Ngoài ra, siêu âm còn giúp phát hiện sớm nhiều bệnh lý và dị tật bẩm sinh khác của thai nhi

- Chẩn đoán TCTT trên siêu âm dựa trên các tiêu chuẩn sau:

+ Ước lượng cân nặng cân nặng ( Estiamated Fetal Weight- EFW)  nhỏ hơn bách phân vị thứ 10 tương ứng với tuổi thai

+ Chu vi vòng bụng (Abdominal Circumference – AC) nhỏ hơn bách phân vị thứ 5 tương ứng với tuổi thai

+ Tăng chu vi vòng bụng nhỏ hơn 14 mm sau 2 tuần

+ Chu vi vòng bụng nhỏ hơn bách phân vị thứ 10 kèm theo bất thường động mạch rốn

Chẩn đoán thai chậm tăng trưởng (TCTT) cần phải siêu âm đo đạc kích thước thai ít nhất 2 thời điểm, cách nhau ít nhất 3 tuần.

- Siêu âm Doppler mạch máu thai nhi:

Nếu nghi ngờ có những bất thường liên quan điến các mạch máu nuôi dưỡng thai hoặc số đo chu vi vòng bụng nhỏ hơn bách phân vị thứ 10, bác sĩ sẽ chỉ định làm siêu âm Doppler mạch máu thai nhi bao gồm : Doppler động mạch tử cung, Doppler động mạch rốn, Doppler động mạch não giữa, Doppler ống tĩnh mạch.

Trường hợp doppler động mạch rốn và động mạch tử cung bình thường, thai chậm phát triển trong tử cung có thể do bất thường nhiễm sắc thể và ở thời kỳ chu sinh cũng ít có nguy cơ biến chứng xảy ra. Trường hợp doppler động mạch tử cung bất thường, thai chậm phát triển trong tử cung do bệnh lý hệ tuần hoàn của người mẹ. Thai phụ có kết quả Doppler động mạch bất thường có nguy cơ cao bị tiền sản giật và rối loạn tăng huyết áp trong các tháng cuối, làm thai chậm phát triển trong tử cung và có khả năng chết lưu trong tử cung.

Hình ánh siêu âm Doppler động mạch rốn.

   Các mẹ nên làm gì để hạn chế thai chậm phát triển?

- Khám thai định kỳ theo lịch của bác sỹ: Điều này giúp bác sỹ theo dõi và phát hiện sớm các vấn đề tiềm ẩn và đưa ra kế hoạch quản lý thai nghén thích hợp.

- Hãy để ý đến những chuyển động của bé (thai máy): Việc theo dõi chuyển động của em bé trong thai kỳ là rất quan trọng. Hầu hết phụ nữ thường bắt đầu cảm thấy em bé chuyển động từ tuần thứ 16 đến 24 của thai kỳ. Nếu bạn nghĩ rằng chuyển động của em bé có bất thường so với thường ngày như ít hơn hoặc không có cần phải đi khám ngay

- Kiểm tra thuốc trước khi sử dụng khi mang thai: Đôi khi, một loại thuốc mà người mẹ đang dùng gây một vấn đề sức khỏe khác có thể ảnh hưởng thai nhi. Hãy tham khảo ý kiến bác sỹ trước khi sử dụng.

- Ăn uống lành mạnh: Thực phẩm lành mạnh và lượng calo dồi dào giúp con bạn được nuôi dưỡng tốt.

- Nghỉ ngơi nhiều: Nghỉ ngơi sẽ giúp bạn cảm thấy tốt hơn và thậm chí nó có thể giúp thai nhi phát triển. Cố gắng ngủ đủ 8 tiếng (hoặc hơn) mỗi đêm. Một hoặc hai giờ nghỉ ngơi vào buổi chiều cũng rất tốt cho bạn.

- Tập thói quen sống lành mạnh: Nếu bạn uống rượu, dùng ma túy, hoặc hút thuốc, hãy dừng lại vì sức khỏe của thai nhi.

Siêu âm và khám thai định kỳ là cách tốt nhất để phát hiện sớm thai chậm phát triển trong tử cung cũng như các bất thường bệnh lý khác của mẹ và thai nhi trong giai đoạn chu sinh. Bệnh viện Sản Nhi Lào Cai là cơ sở đáng tin cậy trong lĩnh vực sản phụ khoa với các bác sĩ chuyên khoa sâu, giàu kinh nghiệm và các kỹ thuật hiện đại trong quản lý thai nghén giúp thai phụ có thể trải qua một thai kỳ an toàn cho cả mẹ và bé.

BS. Trần Thị Thu Phương – K. Chẩn đoán hình ảnh

BS. Trần Thị Thu Phương – K. Chẩn đoán hình ảnh