Thông tin mới nhất
Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 12
  • Hôm nay: 127
  • Trong tuần: 6 163
  • Tất cả: 1383775
Chẩn đoán và điều trị phù thai

Phù thai là một tình trạng nghiêm trọng, đe dọa tính mạng thai nhi, trong đó thai nhi có sự tích tụ bất thường của chất lỏng ở các mô xung quanh tim, phổi, bụng và dưới da. Phù thai thường được nhận biết đầu tiên bằng cách siêu âm kiểm tra trong ba tháng đầu hoặc ba tháng cuối của thai kỳ.

1. Phù thai là gì?

Phù thai là tình trạng thai tích dịch từ 2 khoang cơ thể trở lên, bao gồm cổ trướng, tràn dịch màng phổi, tràn dịch màng ngoài tim và phù da. Phù thai có tỷ lệ mắc khá thấp, xảy ra ở 1/1000 ca sinh, song có tỷ lệ tử vong cao, phụ thuộc vào nguyên nhân nền.

2. Phân loại và nguyên nhân

Có hai loại phù rau thai: miễn dịch và không miễn dịch.

·        Phù thai miễn dịch (10%)

Phù thai miễn dịch xảy ra khi nhóm máu của mẹ và thai nhi không tương thích với nhau, chủ yếu là không tương thích về yếu tố Rh. Trong trường hợp mang thai mà mẹ có Rh âm tính và có em bé Rh dương, hệ thống miễn dịch của mẹ sẽ tạo ra kháng thể tấn công tế bào hồng cầu của thai gây tán huyết. Càng ở những thai kỳ sau, triệu chứng càng nặng hơn và sớm hơn.

                                    

 

Phù thai không miễn dịch (90%)

Hiện nay, phù thai không miễn dịch là loại thường gặp nhất, do thai nhi bị mắc một bệnh lý nghiêm trọng, bao gồm bất thường tim (cấu trúc/ rối loạn nhịp), nhiễm sắc thể/gen (bệnh Gaucher, Hội chứng Turner…), nhiễm trùng (nhiễm Parvovirus B19, CMV, Varicella, giang mai bẩm sinh…), huyết học (bệnh Hb Bart’s, thiếu hụt G6PD…), chuyển hóa và bất thường cấu trúc không do tim khác (u quái xương cùng, hội chứng truyền máu song thai)… gây ra tình trạng phù thai.

2. Dấu hiệu nhận biết hiện tượng phù thai

Cơ thể thai nhi và cơ thể người mẹ có mối liên hệ với nhau. Khi thai nhi có dấu hiệu bất thường thì cơ thể người mẹ cũng sẽ có một số biểu hiện không bình thường. Trong trường hợp thai nhi bị phù ở dạng nhẹ thì người mẹ sẽ có biểu hiện da, niêm mạc nhợt nhạt. Nếu thai nhi bị phù nặng có thể gây cho mẹ:

- Xuất hiện vết thâm bầm tím hay đỏ tía trên da, sờ vào không thấy đau.

- Gan to, vàng da toàn thân.

- Khó thở thường xuyên.

- Suy tim.

- Thiếu máu nặng.

- Phù toàn thân.

3. Chẩn đoán phù thai

Phù thai có thể được chẩn đoán và theo dõi bằng siêu âm khi khám thai định kỳ. Các xét nghiệm chẩn đoán khác có thể được thực hiện để giúp xác định mức độ nghiêm trọng hoặc nguyên nhân của tình trạng trên, bao gồm xét nghiệm máu thai nhi, chọc ối, sinh thiết rau thai.

 

4. Điều trị phù thai

Việc điều trị phụ thuộc vào nguyên nhân gây phù thai và giai đoạn của thai kỳ. Sau khi phát hiện phù thai, cần được chuyển đến trung tâm y tế chuyên khoa sản khu vực để đánh giá và theo dõi tích cực xuyên suốt thai kỳ.

Can thiệp tiền sản có thể thực hiện bao gồm truyền máu nội tử cung và các thủ thuật nội tử cung như chọc dịch màng phổi hoặc chọc dịch màng bụng.

Đối với những trường hợp phù thai miễn dịch, đã có liệu pháp ngăn ngừa và chữa trị bằng cách tiêm Globulin miễn dịch kháng D IgG (thuốc RhoGAM) cho các bà mẹ có Rh âm tính trong khi mang thai và / hoặc trong vòng 72 giờ sau khi sinh. 

Đa số các trường hợp thai nhi bị phù sẽ được bác sĩ chỉ định sinh sớm để đảm bảo an toàn cho mẹ và bé. Sau khi em bé được sinh ra sẽ được áp dụng các phương pháp điều trị hỗ trợ như dùng máy trợ thở, thuốc để kiểm soát suy tim… Ngoài ra trẻ sơ sinh cũng có thể được truyền trực tiếp tế bào hồng cầu phù hợp với nhóm máu của bé.

Phù thai là một trong các dị tật ở thai nhi chiếm tỷ lệ khá thấp song vẫn có thể xảy ra, nếu không thăm khám thai định kỳ sẽ không thể kịp thời can thiệp giúp đỡ bé và mẹ có thai kỳ an toàn. Vì thế điều quan trọng để phòng ngừa cũng như tăng khả năng sống sót cho thai nhi là mẹ nên đi khám thai định kỳ tại các cơ sở y tế uy tín, có chuyên môn cao theo lời khuyên của bác sĩ.

BS Ngô Ngọc Diệp – Khoa Phụ