Thông tin mới nhất
Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 3
  • Hôm nay: 140
  • Trong tuần: 6 176
  • Tất cả: 1383788
Chuẩn bị gì trước khi phẫu thuật?

 

Bài viết là những chia sẻ giúp cho người bệnh nắm rõ được các quy trình chi tiết trước và sau khi phẫu thuật để thực hiện một cuộc mổ thành công nhất.

1. Thời gian nhập viện

Khi có chỉ định nhập viện để phẫu thuật, người bệnh cần lưu ý:

- Có mặt trước ngày phẫu thuật theo hướng dẫn của điều dưỡng để chuẩn bị cho cuộc phẫu thuật.

- Người bệnh phải có mặt vào 7:00 sáng trước ngày diễn ra phẫu thuật đối với phẫu thuật theo chương trình.

- Người bệnh nhập viện cùng ngày phẫu thuật theo hướng dẫn của điều dưỡng nếu đăng ký phẫu thuật trong ngày.

Bác sĩ gây mê sẽ thăm khám cho người bệnh trước khi phẫu thuật.

Khám tiền mê

- Sau khi đã hoàn tất các xét nghiệm tại khoa lâm sàng, người bệnh sẽ được bác sĩ gây mê khám để quyết định phương pháp vô cảm phù hợp với bệnh nhân và cuộc phẫu thuật hoặc chỉ định thêm các xét nghiệm, chẩn đoán hỉnh ảnh khi cần thiết.

- Sau bước trên, người bệnh hoặc người nhà người bệnh sẽ ký cam kết chấp thuận cho bác sĩ thực hiện phẫu thuật điều trị theo kế hoạch.

Tùy vào tính chất phẫu thuật, người bệnh có thể được yêu cầu ký cam kết chấp thuận truyền máu (nếu có). Người bệnh dưới 17 tuổi phải có cha mẹ hoặc người giám hộ ký vào những bản cam kết chấp thuận nói trên.

Một số lưu ý trước khi phẫu thuật

- Tẩy trang và chùi sạch sơn móng tay, móng chân trước khi phẫu thuật;

- Chải và cột gọn tóc;

- Tháo kính áp tròng;

- Tháo răng giả tháo lắp;

- Tháo tất cả đồ trang sức, bao gồm các loại khuyên đeo trên người. Tất cả đồ trang sức, tài sản của người bệnh nhờ người nhà cất giữ, bệnh viện không chịu trách nhiệm bảo quản các vật dụng cá nhân này.

- Mặc quần áo do bệnh viện cung cấp, không mang vớ và mặc đồ lót. Mang giày dép thoải mái, không mang giày cao gót, xăng đan hay dép xỏ ngón;

- Đi tiểu trước khi vào phòng mổ;

- Bệnh nhân nhỏ tuổi cần có bố mẹ hoặc người giám hộ đi kèm;

- Trước khi phẫu thuật, nếu người bệnh có các triệu chứng bất thường như: cảm lạnh, đau họng, ho, đau bụng cồn cào, tiêu chảy hoặc sốt, người bệnh cần thông báo cho bác sĩ phẫu thuật, bác sĩ gây mê hoặc điều dưỡng tại khoa để kịp thời thăm khám tình trạng người bệnh. Bác sĩ có thể quyết định hoãn thực hiện phẫu thuật cho đến khi tình trạng người bệnh ổn định.

- Giữ gìn vệ sinh cơ thể giúp giảm thiểu nguy cơ nhiễm trùng sau mổ;

- Mặc quần áo sạch do bệnh viện cung cấp;

- Các điều dưỡng cần hướng dẫn người bệnh thực hiện vệ sinh bộ phận cơ thể chuẩn bị phẫu thuật (cạo lông, cắt tóc...) trước khi đưa người bệnh đến phòng mổ;

Chế độ ăn uống và sử dụng thuốc trước phẫu thuật

- Người bệnh cần kết thúc bữa ăn cuối trước khi lên phòng mổ khoảng 6 - 8 tiếng.

- Người bệnh có thể được uống một ít nước cho đến vài giờ trước khi được gây mê và phẫu thuật.

- Bác sĩ có thể cho người bệnh uống một số loại thuốc với một ngụm nước nhỏ trong suốt thời gian nhịn ăn uống. Bác sĩ sẽ thảo luận và hướng dẫn người bệnh về các loại thuốc người bệnh đang uống.

- Những loại thuốc có thể gây ra biến chứng chảy máu nhiều trong quá trình phẫu thuật như aspirin và một số thuốc làm loãng máu khác có thể được yêu cầu ngưng trước khi thực hiện thủ thuật, phẫu thuật khoảng 1 tuần.

- Một số vitamin và thảo dược như nhân sâm, tỏi, Ginkgo biloba..., có thể gây biến chứng trong quá trình phẫu thuật. Người bệnh cần phải trao đổi với bác sĩ về các loại sản phẩm bổ sung đang sử dụng.

- Thông thường, người bệnh sẽ được hướng dẫn ngưng uống thuốc điều trị đái tháo đường vào buổi sáng ngày phẫu thuật. Nếu người bệnh dùng insulin, bác sĩ có thể đề nghị giảm liều hoặc chỉnh liều theo lượng đường trong máu.

- Nếu người bệnh có bệnh lý ngưng thở khi ngủ, cần thông báo tình trạng này với bác sĩ để bác sĩ và điều dưỡng chủ động kế hoạch theo dõi hô hấp cho người bệnh trong và sau khi phẫu thuật.

Thời gian thực hiện phẫu thuật

- Điều dưỡng sẽ thông báo cho người bệnh thời gian dự tính của ca phẫu thuật. Để chuẩn bị tốt cho ca phẫu thuật, người bệnh sẽ được đưa đến phòng mổ từ 30 - 45 phút trước khi bắt đầu.

Tại phòng phẫu thuật

- Người bệnh sẽ được nhân viên đưa đến khu vực phòng phẫu thuật, điều dưỡng sẽ kiểm tra lại lần cuối các thông tin liên quan đến người bệnh và đi cùng người bệnh đến phòng mổ.

- Một người nhà được phép đi cùng người bệnh đến khoa phẫu thuật nhưng không được vào bên trong vì đây là khu vực vô trùng.

Hậu phẫu

- Người bệnh được đưa đến phòng hồi tỉnh để theo dõi và chăm sóc sau phẫu thuật. Tại đây, bác sĩ và điều dưỡng sẽ theo dõi cho đến khi người bệnh tỉnh lại hoàn toàn (nếu có gây mê) hoặc 2 chân cử động được (nếu gây tê tủy sống). Khi người bệnh ổn định, đủ điều kiện chuyển về khoa lâm sàng, nhân viên hồi sức sẽ chuyển người bệnh về phòng bệnh.

Chăm sóc người bệnh sau hồi tỉnh

- Sau khi rời phòng hồi tỉnh, người bệnh được đưa về phòng bệnh. Điều dưỡng sẽ theo dõi huyết áp, nhịp tim và nhiệt độ cho người bệnh, đánh giá mức độ đau và theo dõi các diễn tiến của người bệnh... để kịp thời thông báo cho bác sĩ khi có bất thường.

- Để tránh nguy cơ choáng dẫn tới ngã sau phẫu thuật, người bệnh không nên tự ý rời khỏi giường mà nên nhờ sự trợ giúp của người thân và hướng dẫn của điều dưỡng.

- Sau phẫu thuật, trên cơ thể người bệnh có thể còn các ống dẫn lưu, ống dẫn nước tiểu… Điều dưỡng sẽ giải thích cho người bệnh về vai trò của các ống này. Nhằm đảm bảo người bệnh được chăm sóc tốt nhất, điều dưỡng rất cần sự hợp tác của người bệnh và người nhà đối với các lưu ý về ống dẫn lưu.

- Bác sĩ phẫu thuật hoặc một thành viên của ê-kíp phẫu thuật sẽ kiểm tra sức khỏe của người bệnh mỗi ngày để đánh giá tiến độ hồi phục của vết mổ cho đến khi người bệnh được xuất viện.

Dự phòng đau

- Các bác sĩ sẽ cố gắng giảm nhẹ cơn đau sau thủ thuật, phẫu thuật đến mức thấp nhất cho người bệnh. Hãy báo ngay cho điều dưỡng hoặc bác sĩ điều trị tại khoa nếu người bệnh cảm thấy đau vượt ngưỡng chịu đựng sau phẫu thuật.

Chế độ ăn sau phẫu thuật

- Ngay sau phẫu thuật, người bệnh không được ăn hay uống trong một thời gian nhất định. Điều dưỡng tại khoa sẽ thông báo khi nào người bệnh được phép ăn uống bình thường trở lại.

- Khi đã được phép ăn uống, người bệnh cần ngồi dậy khi ăn và uống để tránh nguy cơ bị hít sặc./.

BSCKI Lê Minh Tuấn – KTV Nguyễn Huy Hoàng Long- K. GMHS