Thông tin mới nhất
Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 4
  • Hôm nay: 147
  • Trong tuần: 6 183
  • Tất cả: 1383795
Hội chứng Sheehan – một biến chứng sản khoa dễ bị bỏ sót

Làm mẹ là một thiên chức mà tạo hóa đã ban tặng đặc biệt cho người phụ nữ. Từ lúc thụ thai đến khi trẻ ra đời, mẹ bầu có thể phải đối mặt với vô vàn những biến chứng khi mang thai có nguy cơ xảy ra bất cứ lúc nào. Bên cạnh các tai biến sản khoa có thể thấy ngay như thuyên tắc ối, tiền sản giật, vỡ tử cung, băng huyết sau sinh…, cũng có những thương tổn âm thầm xuất hiện rất lâu sau cuộc sinh nở với hậu quả hết sức nặng nề. Đó là hội chứng Sheehan, hay còn được gọi là suy tuyến yên sau đẻ.

1. Hội chứng Sheehan là gì?

Hội chứng (HC) Sheehan là tình trạng suy thùy trước tuyến yên, xuất hiện ở một số phụ nữ sau đẻ do nguyên nhân tuyến yên bị hoại tử, được mô tả lần đầu năm 1937 bởi bác sỹ người Pháp H.L Sheehan. Bệnh là hậu quả của giảm thể tích tuần hoàn do mất máu nhiều trong và sau sinh.

Tỉ lệ gặp trên thế giới là 1/10.000 ca đẻ và không có sự liên quan giữa mức độ mất máu và triệu chứng lâm sàng.

2. Nguyên nhân gây HC Sheehan

Trong khi có thai, thùy trước tuyến yên tăng kích thước gấp đôi nên khi mất máu cấp trong cuộc đẻ, tuyến yên dễ bị hoại tử hơn những người mất máu không mang thai. Mặt khác, tuyến yên phì đại nhưng nằm trong hố yên nên bị chèn ép tương đối và đòi hỏi nhu cầu tưới máu nhiều hơn.

Khi sản phụ bị băng huyết sau sinh như đờ tử cung, vỡ tử cung, rau cài răng lược… dẫn đến tụt huyết áp, các mạch máu sẽ co lại để ưu tiên cấp máu cho não, tim, thận… và giảm cấp máu cho đa phần các cơ quan khác. Do đó, tuyến yên dễ bị hoại tử do thiếu máu nặng và kéo dài.

Ngoài mất máu trong và sau đẻ, HC Sheehan còn có thể gặp do co thắt mạch, huyết khối gây tắc mạch, chèn ép mạch máu nuôi dưỡng tuyến yên.

 

3. Đối tượng nguy cơ mắc HC Sheehan

Bất kỳ sản phụ nào có nguy cơ mắc phải các bệnh lý gây mất máu nặng sau sinh đều tăng khả năng phải đối diện với HC Sheehan. Các yếu tố nguy cơ có thể kể đến như:

- Đa thai, đa ối, thai to;

- Mang thai nhiều lần;

- Ngôi ngược;

- Chuyển dạ kéo dài;

- Vỡ tử cung;

- Chấn thương đường sinh dục;

- Sót rau sau sinh;

- Rau tiền đạo, rau bong non, rau cài răng lược;

- Rối loạn đông cầm máu…

 

4. Triệu chứng

Triệu chứng lâm sàng:

Khi tuyến yên bị phá hủy trên 80% mới có biểu hiện lâm sàng. Mức độ tổn thương tuyến yên quyết định sự xuất hiện nhanh hay chậm, sự nặng hay nhẹ của các triệu chứng suy tuyến yên.

Triệu chứng lâm sàng có thể xuất hiện từ vài ngày (cấp) đến nhiều năm sau biến cố chảy máu nặng và là tổng hợp các triệu chứng của suy tuyến giáp, suy thượng thận và suy sinh dục.

 

Mệt mỏi, yếu cơ, chán ăn; buồn nôn, nôn; HA thấp, hạ HA tư thế; mất sắc tố da ở vùng có sắc tố tự nhiên (quầng vú, bộ phận sinh dục)…

Suy giáp

Chậm chạp, nói khàn; rụng tóc, rụng lông mu, lông nách; da khô lạnh, mỏng mịn, nhợt nhạt; chuột rút, co cứng cơ, giảm cơ lực; gầy mòn; nhịp tim chậm; táo bón; thiếu máu

Suy sinh dục

Mất sữa sau sinh (dấu hiệu sớm gợi ý), teo vú; không có kinh nguyệt trở lại; giảm tình dục, vô sinh; teo bộ phận sinh dục ngoài.

Thiếu hormon tăng trưởng

Hạ đường huyết, teo cơ; rối loạn tâm thần, chậm chạp, thờ ơ, hay quên

 

Phần lớn những dấu hiệu trên không đặc hiệu, dễ nhầm với bệnh khác. Các triệu chứng nặng lên khi bệnh nhân gặp stress, nhiễm khuẩn, sốt, phẫu thuật… Nhiều người phải nhập viện trong tình trạng cấp cứu như hôn mê, suy giáp, hạ đường huyết, hạ natri máu…

Chụp MRI sọ não có thể thấy hình ảnh tuyến yên rỗng và loại trừ các nguyên nhân gây suy tuyến yên khác như u tuyến yên.

 

5. Các biến chứng:

-         Hôn mê do suy tuyến yên

-         Cơn suy thượng thận cấp

-         Hạ natri máu nặng, rối loạn ý thức

-         Hạ HA, trụy mạch

-         Hạ đường huyết

6. Cách điều trị

Tổn thương tuyến yên trong HC Sheehan là tổn thương không hồi phục. Nguyên tắc điều trị cho bệnh nhân bằng phương pháp thay thế hormon, dùng thuốc và theo dõi đều đặn suốt đời tại các cơ sở y tế chuyên khoa.

·        Corticosteroid thay thế cho hormon tuyến thượng thận;

·        Levothyroxin thay thế cho hormon tuyến giáp;

·        Estrogen đơn thuần hoặc phối hợp với progesterone thay thế cho hormon tuyến sinh dục, và thường nên điều trị cho đến thời kỳ mãn kinh tự nhiên của phụ nữ.

Việc điều trị cần được theo dõi thường xuyên bằng cách định lượng các hormon trong máu và điều chỉnh tùy theo tình trạng sức khỏe, cân nặng, và các stress trong cuộc sống của người bệnh.

7. Lời khuyên của bác sỹ:

- Cần phòng ngừa các tai biến sản khoa, gây mất máu sau sinh:

·        Phụ nữ có ý định mang thai cần đi khám sức khỏe và khám thai định kỳ đầy đủ;

·        Ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng cho thai kỳ; có chế độ thai sản, nghỉ ngơi hợp lý;

·        Nếu có bất kỳ yếu tố nguy cơ của tình trạng mất máu cấp, cần đến khám tại các cơ sở chuyên ngành sản phụ khoa để được tư vấn, theo dõi sát cho tới khi chuyển dạ sinh con.

- Cần theo dõi, sàng lọc suy tuyến yên ở những bệnh nhân có nguy cơ cao như có tiền sử mất máu sản khoa.

- Với bệnh nhân đã được chẩn đoán HC Sheehan, cần được tư vấn dùng thuốc suốt đời, hướng dẫn cách tăng liều thuốc trong các trường hợp cần thiết và theo dõi định kỳ tại các cơ sở chuyên khoa.

Người bị HC Sheehan thường có biểu hiện ban đầu không rõ rệt, diễn ra âm thầm, tiến triển từ từ nên dễ bị bỏ qua. Khi gặp stress, bệnh có thể nặng lên, đe dọa tính mạng nếu bệnh nhân không được cấp cứu kịp thời. Vì vậy, tất cả những phụ nữ mất máu nhiều sau khi sinh con đều cần được tư vấn về nguy cơ bị HC Sheehan và hướng dẫn cách phát hiện các biểu hiện bất thường để điều trị kịp thời./.

BS Ngô Ngọc Diệp – Khoa Sản