Chuẩn bị trước khi mang thai là việc làm cần thiết để con yêu sinh ra được phát triển toàn diện. Tuy nhiên, không phải cặp vợ chồng nào cũng có thể chuẩn bị tốt ở giai đoạn khởi đầu này. Bạn cần chuẩn bị về mọi mặt từ vật chất cho đến tinh thần và đặc biệt là sức khỏe. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp những điều quan trọng cần chuẩn bị trước khi mang thai.
Độ tuổi sinh con tốt nhất của người phụ nữ là sau tuổi 20 và trước tuổi 35
Sinh con trước tuổi 20 dễ dẫn đến những nguy cơ như: suy dinh dưỡng bào thai, đẻ non, đẻ khó do cơ thể người mẹ chưa phát triển đầy đủ.
Sinh con sau tuổi 35 sẽ có nguy cơ dị tật ở bào thai cao hơn.
Khoảng cách giữa các lần sinh không nên dưới 3 năm để cơ thể người mẹ có thời gian hồi phục sau lần đẻ trước
Để chuẩn bị cho việc mang thai, các cặp vợ chồng cần chú ý chuẩn bị tốt về thể chất và tinh thần.
Cả hai vợ chồng cần có chế độ làm việc, nghỉ ngơi, dinh dưỡng, luyện tập và giải trí phù hợp để tăng cường sức khỏe. Không uống rượu, bia, hút thuốc lá hay sử dụng các chất kích thích.
Tập thể dục thường xuyên nâng cao sức khỏe. Tập thể dục không chỉ sẽ giúp cơ thể khỏe mạnh, giảm căng thẳng mà còn giúp quá trình thụ thai diễn ra dễ dàng hơn. Tập thể dục cũng giúp bạn kiểm soát cân nặng tốt trước khi mang thai. Đây cũng là một lợi ích rất tốt: Bạn sẽ dễ dàng thụ thai hơn nếu có cân nặng phù hợp.
Ăn uống lành mạnh: Bỏ qua các đồ ăn nhanh thay bằng những thực phẩm giàu dưỡng chất.
Thời gian làm việc và nghỉ ngơi hợp lý: Vẫn biết lên kế hoạch có em bé bố mẹ cần phải làm việc nhiều hơn để chuẩn bị chào đón thành viên mới. Nhưng hãy sắp xếp thời gian làm việc và nghỉ ngơi hợp lý để đảm bảo sức khỏe nhé.
Bổ sung thêm vitamin tăng cường sức khỏe cho cả vợ cả chồng. Người chồng có thể bổ sung thêm thực phẩm giàu kẽm và vitamin E để tinh trùng khỏe mạnh. Người vợ có thể bổ sung sắt và acid folic trước khi mang thai 3 tháng giúp giảm nguy cơ dị tật ống thần kinh ở trẻ sơ sinh. Tham khảo ý kiến từ chuyên gia y tế để bổ sung cho phù hợp.
Tránh các hoá chất độc hại như thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ, chất phóng xạ…, vì các chất này có thể khiến người phụ nữ khó mang thai hoặc gây hại cho sức khỏe thai nhi.
Đảm bảo cân nặng người phụ nữ phù hợp trước khi mang thai.
Thừa cân có thể gây ra một số biến chứng khi mang thai và sinh nở, bao gồm huyết áp cao, tiền sản giật, đẻ non và tiểu đường thai kỳ, tăng nguy cơ dị tật bẩm sinh, đặc biệt là dị tật ở bộ phận sinh dục hoặc hệ tiêu hóa và thần kinh của thai nhi.
Thiếu cân cũng gây ra một số rủi ro khi mang thai. Nó làm tăng nguy cơ sinh con bị nhẹ cân hoặc sinh non. Những em bé này có nguy cơ gặp các vấn đề trong quá trình chuyển dạ và có thể bị ảnh hưởng tới sức khỏe và hành vi lâu dài trong suốt cuộc đời.
Người phụ nữ cần chú ý tiêm phòng vacxin trước khi mang thai để dự phòng các bệnh có thể gây dị tật bẩm sinh cho bào thai.
· Cúm: tiêm vacxin cúm khi mang thai tốt nhất nên thực hiện sớm trước khi vào mùa cúm (từ tháng 10 đến tháng 5 năm sau) nhưng hoàn toàn có thể tiêm ngừa cúm bất cứ lúc nào trong thai kỳ.
· Sởi, quai bị, rubella: mũi tiêm phòng 3 trong 1 này cần được tiêm trong 3-6 tháng trước khi có thai và muộn nhất là 1-3 tháng.
· Viêm gan B: có thể tiêm vào trước hoặc trong khi mang thai.
· Bạch hầu, ho gà, uốn ván: chỉ cần tiêm 1 liều duy nhất, có thể tiêm trước khi mang thai hoặc tốt nhất trong thời gian mang thai từ 27 đến 36 tuần.
· Thuỷ đậu: nên tiêm phòng trước khi mang thai ít nhất 1 tháng.
Đảm bảo sức khỏe trước khi mang thai
Khi chuẩn bị mang thai, cả vợ và chồng đều cần đi khám sức khoẻ toàn diện và sức khỏe sinh sản để tầm soát các yếu tố nguy cơ như bệnh toàn thân, bệnh di truyền, bệnh nhiễm khuẩn đường sinh sản, bệnh lây truyền từ cha mẹ sang con, nguy cơ về bất đồng nhóm máu giữa mẹ và con….
Những phụ nữ đang mắc phải các loại bệnh như đái tháo đường, huyết áp cao, trầm cảm và rối loạn co giật có thể gây ra những rủi ro cao khi mang thai. Nếu đang muốn có thai nhưng lại mắc phải những tình trạng sức khỏe trên, hãy đến gặp bác sĩ để được tư vấn về những rủi ro cũng như những biện pháp cần thực hiện để kiểm soát tình trạng sức khỏe trước khi mang thai.
Ngừng tất cả các biện pháp tránh thai
Ngưng các biện pháp tránh thai như thuốc tránh thai, bao cao su… Sau khi ngưng dùng thuốc tránh thai cơ thể người phụ nữ cần thêm một khoảng thời gian để đảm bảo cho quá trình thụ thai diễn ra bình thường.
Chuẩn bị tài chính trước khi mang thai
Các cặp vợ chồng nên chuẩn bị tài chính sẵn sàng trước khi mang thai và chào đón em bé chào đời.
Với đội ngũ y bác sỹ chuyên khoa giàu kinh nghiệm, trình độ chuyên môn cao cùng hệ thống trang thiết bị hiện đại. Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Lào Cai chính là địa chỉ khám, tư vấn sức khỏe trước khi mang thai đáng tin cậy cho các cặp vợ chồng trong tỉnh và khu vực lân cận.
NHS. Phạm Thị Thắm – Khoa Sản