Thông tin mới nhất
Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 3
  • Hôm nay: 90
  • Trong tuần: 6 126
  • Tất cả: 1383738
Những lưu ý khi mang thai mùa COVID

Virus Corona hay Covid – 19, 2019 - nCoV(WHO), Sars-CoV-2(ICTV) là những cái tên không còn xa lạ nếu không nói là nỗi ám ảnh của thế giới trong hai năm gần đây vì tác động khủng khiếp mà nó gây ra. Đây là dạng virus mới nên con người chưa từng có miễn dịch, kể cả miễn dịch chéo trước đó.

Virus Corona là một họ virus lớn thường lây nhiễm cho động vật nhưng đôi khi chúng có thể tiến hóa và lây sang người. Khi virus xâm nhập vào cơ thể, nó đi vào trong một số tế bào và chiếm lấy bộ máy tế bào (gây tổn thương viêm đặc hiệu ở đường hô hấp), đồng thời virus chuyển hướng bộ máy đó để phục vụ cho chính nó, tạo ra virus mới và nhiễm tiếp người khác. Người nhiễm 2019-nCoV có các triệu chứng cấp tính: ho, sốt, khó thở, có thể diễn biến đến viêm phổi nặng, suy hô hấp cấp tiến triển và tử vong; đặc biệt ở những người lớn tuổi, người có bệnh mạn tính, suy giảm miễn dịch.

Ở những phụ nữ mang thai khả năng miễn dịch sẽ kém hơn, dễ bị tổn thương hơn vì vậy dễ tăng nguy cơ mắc các bệnh về lây nhiễm như virus hô hấp. Nếu sản phụ bị nhiễm COVID-19 sẽ làm tăng nguy cơ sinh non thai chậm tăng trưởng trong tử cung, thai lưu…

Virus Corona Ảnh: Internet

1. Các triệu chứng khi mang thai mắc COVID-19

Các triệu chứng mắc COVID-19 trong khi mang thai cũng giống như các triệu chứng của bệnh nhân không mang thai bao gồm:

- Sốt, ho không đờm hoặc có đờm, mệt mỏi, chảy nước mũi, khó thở, đau mỏi cơ khớp, đau đầu…

- Các triệu chứng của đường tiêu hóa: buồn nôn và nôn, tiêu chảy.

- Không phải tất cả những người bị nhiễm COVID-19 sẽ bị tất cả các triệu chứng kể trên. Một người bị nhiễm COVID-19 có thể bị một triệu chứng hoặc kết hợp nhiều triệu chứng đã được liệt kê ở trên.

                 

 

Ảnh: Internet

2. Các dấu hiệu cấp cứu ở phụ nữ mang thai nhiễm COVID-19

Khi bạn có các triệu chứng cấp cứu như sau, thì cần phải đi viện ngay lập tức:

- Khó thở hoặc thở rất ngắn, ho ra máu.

- Đau dai dẳng hoặc tức ngực ngay cả khi không bị ho, nước mũi chảy liên tục.

- Chóng mặt khi đứng, mệt lịm hoặc không thể tự ngồi dậy, cần phải gắng sức khi nói chuyện, hoặc cần dừng lại để thở lấy sức khi đi lại .

- Mặt, môi tái nhợt, co giật.

- Nhức đầu dữ dội và mờ mắt.

- Sốt và quá yếu nên không ra được khỏi giường.

- Đau bụng dữ dội, ra nước ra huyết âm đạo.

3. Những ảnh hưởng lên thai nhi khi mẹ nhiễm COVID-19

Dữ liệu hiện có từ phụ nữ mang thai bị nhiễm COVID-19 vẫn còn rất ít. Các nhà nghiên cứu đang xem xét cụ thể COVID-19 và hưởng ảnh hưởng có thể có lên thai nhi, và đây là kết quả.

- Nguy cơ sảy thai, đẻ non tăng khi mẹ bị nhiễm virus Corona có triệu chứng, tỷ lệ này thấp hơn nếu bị nhiễm COVID nhưng không có triệu chứng.

- Thai chậm tăng trưởng trong buồng tử cung.

- Sinh tự nhiên đường âm đạo nếu mẹ bị nhiễm COVID-19 nhưng không có triệu chứng nghiêm trọng.

- Mổ lấy thai nếu mẹ đang trong tình trạng bệnh nặng (ví dụ: thở máy …). Mẹ bị nhiễm COVID-19 gây ra một số bất thường tại bánh nhau, dẫn đến nguy cơ giảm lưu lượng máu trao đổi giữa mẹ và bánh nhau.

- Chưa có bằng chứng để khẳng định sự lây truyền COVID-19 xảy ra từ mẹ sang thai nhi.

4. Dự phòng

Các nghiên cứu đến thời điểm hiện nay vẫn chưa thấy ảnh hưởng của vaccine COVID-19 lên khả năng có thai cũng như tác động trên thai nhi.Với các mẹ chuẩn bị mang thai nên tiêm 2 mũi vaccine COVID-19 trước khi có thai ít nhất 1 tháng để theo dõi tốt hơn tác dụng phụ của thuốc.

Hội Sản phụ khoa Hoa Kỳ (ACOG) khuyến cáo tất cả phụ nữ mang thai nên tiêm phòng vaccine COVID- 19, còn Bộ Y tế Việt Nam ban hành quyết định 3802/QĐ-BYT về Hướng dẫn tạm thời Khám sàng lọc trước khi tiêm vắc xin phòng COVID-19, phụ nữ mang thai từ 13 tuần trở lên hoặc đang cho con bú vẫn có thể tiêm các loại vắc xin phòng COVID-19, lưu ý chống chỉ định với vắc xin Sputnik-V. Chỉ nên cân nhắc tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho phụ nữ mang thai từ 13 tuần trở lên khi lợi ích tiềm năng lớn hơn bất kỳ nguy cơ tiềm tàng nào đối với mẹ và thai nhi, đồng thời thai phụ cần ký cam kết nếu đồng ý tiêm.

ACOG cũng khuyến cáo phụ nữ đang cho con bú có thể tiêm phòng vaccine COVID-19 mà không cần ngừng cho con bú, khi mẹ được tiêm chủng ngừa các kháng thể trong cơ thể người mẹ tạo ra có thể truyền qua sữa mẹ và có thể giúp bảo vệ con khỏi virus.

Tiêm phòng vaccine giúp ích cho cả mẹ và thai nhi, phụ nữ mang thai nguy cơ mắc bệnh nặng hơn do COVID-19 so với người phụ nữ không mang thai.

Để một thai kỳ khỏe mạnh, các mẹ cũng đừng quên tiêm các loại vaccin khác trước khi mang thai đã được Bộ Y tế khuyến cáo và uống bổ sung sắt và acid folic, có chế độ ăn, sinh hoạt hợp lý.

Hy vọng bài viết trên có thể giải đáp một phần thắc mắc của các mẹ, chúc các bà mẹ có một thai kỳ khỏe mạnh và an toàn.

Để được các Bác Sỹ tư vấn trực tiếp các vấn đề về thai kỳ bấm ngay hotline 0868966028 Bệnh Viện Sản Nhi Lào cai.

Nguyễn Thị Thu Hà – Khoa Sản