Thông tin mới nhất
Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 3
  • Hôm nay: 709
  • Trong tuần: 6 759
  • Tất cả: 1383610
TẠI SAO BÀ BẦU CẦN TIÊM UỐN VÁN?

 

Bệnh uốn ván là một nhiễm khuẩn nguy hiểm, có tỷ lệ tử vong cao: lên tới 25-90%; đặc biệt là uốn ván rốn ở trẻ sơ sinh, tử vong trên 95%. Vì thế phụ nữ mang thai cần lưu ý tiêm vắc xin phòng bệnh uốn ván, do chưa có kháng thể bảo vệ, mẹ có nguy cơ mắc bệnh rất cao cũng như nguy cơ lây nhiễm cho con.

Tại sao nên tiêm phòng uốn ván cho bà bầu?

Ở bà bầu, vi khuẩn uốn ván có thể xâm nhập trong lúc sinh nở theo đường sinh dục và gây uốn ván tử cung. Còn đối với trẻ sơ sinh, vi khuẩn uốn ván dễ dàng xâm nhập tại vị trí cắt và buộc dây rốn, dẫn đến nhiễm trùng uốn ván rốn sơ sinh. Một khi các vi khuẩn tấn công vào cơ thể, chúng sẽ sản xuất một loại độc tố tên là tetanospasmin đi vào máu. Độc tố này khiến trẻ bị suy hô hấp, rối loạn thần kinh thực vật và dẫn đến tử vong nếu không được phát hiện, điều trị kịp thời.

Vi khuẩn gây uốn ván là Clostridium Tetani, có khả năng tiết độc tố protein mạnh gây tăng trương lực cơ và các cơn co cứng, đi vào máu và tấn công hệ thần kinh. Kể cả trẻ nhỏ lẫn người trưởng thành mắc uốn ván nếu không điều trị kịp thời thì nguy cơ tử vong rất cao. Vi khuẩn này dễ dàng đi vào cơ thể qua vết thương hở, với phụ nữ sinh con, khuẩn gây bệnh dễ dàng xâm nhập trong quá trình sinh nở.

Phụ nữ mang thai cũng có thể mắc uốn ván qua các vết thương hở, lây truyền sang thai nhi và trẻ sơ sinh gây nhiều biến chứng nguy hiểm. Nhiễm trùng sơ sinh cũng có thể xảy ra khi dụng cụ cắt rốn cho trẻ chưa tiệt trùng hoặc vi khuẩn xâm nhập qua gốc dây rốn chưa lành.

Mầm mống vi khuẩn gây bệnh uốn ván luôn tồn tại trong tự nhiên, có thể lây nhiễm và gây bệnh cho chúng ta bất cứ khi nào. Do hậu quả nặng nề gây ra, vắc xin uốn ván đã được phổ biến trong các chương trình tiêm chủng toàn cầu, được khuyến cáo nên thực hiện với mọi đối tượng. Trong đó phụ nữ mang thai là đối tượng đặc biệt vì trẻ sơ sinh dễ mắc uốn ván trong quá trình mang thai và sinh nở tự nhiên khi mẹ không có kháng thể truyền miễn dịch cho con.

Vì thế tiêm vắc xin uốn ván cho bà bầu để bảo vệ chủ động cho cả mẹ lẫn trẻ sơ sinh là điều hết sức cần thiết

Bà bầu cần tiêm bao nhiêu liều vắc xin uốn ván?

Phụ nữ chưa từng tiêm phòng, chưa tiêm đủ 3 mũi hoặc không rõ tiền sử tiêm chủng

Cần tiêm đủ 5 mũi gồm:

- Mũi thứ nhất: Tiêm khi mang thai lần đầu tiên, nên tiêm sớm.

- Mũi thứ 2: Tiêm nhắc lại sau ít nhất 1 tháng, nên trước ngày dự sinh ít nhất 1 tháng.

- Mũi thứ 3: Tiêm nhắc lại khi thai kỳ sau hoặc sau mũi tiêm 2 là 6 tháng.

- Mũi thứ 4: Tiêm nhắc lại khi thai kỳ sau hoặc sau mũi tiêm 3 là 1 năm.

- Mũi thứ 5: Tiêm nhắc lại khi thai kỳ sau hoặc sau mũi tiêm 4 là 1 năm.

Phụ nữ đã tiêm đủ 3 mũi vắc xin uốn ván liều cơ bản

Nên tiêm đủ 3 mũi:

- Mũi thứ nhất: Tiêm khi mang thai lần đầu tiên, nên tiêm sớm.

- Mũi thứ 2: Tiêm nhắc lại sau mũi 1 ít nhất 1 tháng, nên trước ngày dự sinh ít nhất 1 tháng.

- Mũi thứ 3: Tiêm nhắc lại khi thai kỳ sau hoặc sau mũi tiêm 2 ít nhất 1 năm.

Phụ nữ đã tiêm đủ 3 mũi vắc xin uốn ván liều cơ bản và 1 mũi nhắc lại

Nên tiêm 2 mũi:

- Mũi thứ nhất: Tiêm khi mang thai lần đầu tiên, nên tiêm sớm.

- Mũi thứ 2: Tiêm nhắc lại sau mũi 1 ít nhất 1 năm.

Lưu ý khi tiêm phòng uốn ván cho bà bầu

- Phụ nữ mang thai tuyệt đối không được tự ý đi tiêm phòng uốn ván mà cần tuân thủ đúng lịch tiêm theo giai đoạn mang thai của mình hoặc lịch của trung tâm y tế.

- Không cần quá lo lắng khi cảm thấy đau tại vị trí tiêm, sốt, đau đầu, dị ứng,... sau tiêm vì đây là lúc vắc xin uốn ván bắt đầu hình thành kháng thể bảo vệ cơ thể khỏi nguy cơ nhiễm trùng. Các triệu chứng này thường không nghiêm trọng và sẽ nhanh chóng qua đi. Tình trạng sưng đau sẽ tự khỏi, không cần sử dụng thuốc hay chườm đắp vào vị trí tiêm.

- Nếu thai phụ tiêm uốn ván lần 2 có các triệu chứng như chân tay lạnh, da xanh tái, tiêu chảy, tim đập nhanh, khó thở,... cần ngay lập tức đến bệnh viện để được can thiệp điều trị kịp thời, tránh sốc phản vệ sau tiêm.

Trần Thị Lệ Thúy – Khoa HTSS