Thông tin mới nhất
Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 3
  • Hôm nay: 134
  • Trong tuần: 6 170
  • Tất cả: 1383782
Thai nghén nguy cơ cao Quy trình khám thai và chăm sóc thai nghén khoa học

1. Khám thai là gì?

Một khái niệm mà nhiều sản phụ hay nhầm lẫn : khám thai là siêu âm thai. Theo tài liệu hướng dẫn quốc gia về chăm sóc sức khỏe bà mẹ trẻ em thì khám thai tại các cơ sở y tế bao gồm 9 bước cơ bản: hỏi tiền sử, khám toàn thân, khám sản khoa, các xét nghiệm cần thiết, tiêm phòng, cung cấp các thuốc cần thiết, tư vấn và giáo dục thai nghén, ghi chép sổ, thông báo và hẹn khám lại.

Thai nghén nguy cơ cao là tình trạng thai nghén có nhiều yếu tố nguy cơ ảnh hưởng bất lợi đến sức khỏe mẹ, thai nhi và trẻ sơ sinh sau đẻ.

 

 

2. Các yếu tố nguy cơ bao gồm:

Nhóm nguy cơ về phía mẹ:

- Các bệnh toàn thân sẵn có của mẹ: tăng huyết áp mạn tính, hen phế quản, viêm gan virus, bệnh thận mạn, suy tim, bệnh tự miễn...

- Các bệnh lý nội tiết: đái tháo đường thai kỳ, Basedow, u tuyến nội tiết..

- Thể trạng mẹ: thừa cân béo phì, mẹ suy dinh dưỡng suy kiệt, gầy mòn, lao động nặng hoặc sống trong môi trường ô nhiễm, thiếu vệ sinh, căng thẳng.

- Tiền sử sản khoa của mẹ: tiền sử đẻ non, sảy thai liên tiếp, tiền sử thai lưu...

- Bất thường về đường sinh dục của người mẹ: hở eo cổ tử cung, tử cung nhi tính, u xơ tử cung, khoét chóp cổ tử cung, khung chậu lệch, tiền sử chấn thương vùng chậu hông, bất thường về động mạch tử cung của người mẹ...

- Tuổi mẹ cao trên 35 tuổi hoặc quá trẻ: dưới 18 tuổi.

- Bệnh lý di truyền từ cha mẹ: tan máu bẩm sinh... và các bất thường về di truyền khác.

- Mẹ bị nhiễm trùng trong quá trình mang thai đặc biệt trong 3 tháng đầu: cúm, Rubella, sốt xuất huyết, thủy đậu, viêm phổi, viêm nhiễm âm đạo cổ tử cung...

- Mẹ nghiện thuốc lá, rượu bia, ma túy và các chất kích thích khác.

- Mẹ bị nhiễm độc: nhiễm độc chì, chất phóng xạ...

Nhóm nguy cơ liên quan đến bệnh lý xảy ra trong quá trình mang thai.

- Tiền sản giật, sản giật.

- Đái tháo đường thai kỳ.

- Bất đồng nhóm máu mẹ con: mẹ nhóm máu Rh âm

- Nguyên nhân do thai:

Ø Thai to, thai chậm tăng trưởng trong tử cung, song thai, đa thai...

Ø Thai có các dị tật: sứt môi hở hàm ếch, dị tật tim, bất thường về hệ tiết niệu, thoát vị hoành, thoát vị rốn...

Ø Thai bị nhiễm khuẩn, tật đầu nhỏ.

Ø Thai bất thường về nhiễm sắc thể.

Ø Thai quá ngày sinh.

- Nguyên nhân do phần phụ của thai:

Ø Rau bong non.

Ø Rau tiền đạo.

Ø Rau xơ hóa sớm gây giảm tuần hoàn rau thai.

Ø Đa ối cấp và mạn.

Ø Ối rỉ, ối vỡ non, ối vỡ sớm.

Ø Thiếu ối.

Ø Dây rốn thắt nút.

Ø Dây rốn bám màng, mạch máu tiền đạo.

3. Hệ quả của các yếu tố nguy cơ trên thai kỳ

- Tăng tỉ lệ sảy thai, đẻ non, thai chết lưu.

- Bất thường về cấu trúc cơ thể thai nhi: sứt môi,dị tật tim, thừa ngón...

- Bất thường về bộ nhiễm sắc thể thai: bất thường cặp nhiễm sắc thể 13, 18, 21.

- Ảnh hưởng đến phát triển trí tuệ của trẻ.

- Thai nhẹ cân, khó nuôi dưỡng.

- Suy thai cấp và mãn tính.

- Trẻ sơ sinh mắc các bệnh rối loạn chuyển hóa các chất: đường, chất đạm, chất béo... nguy cơ tử vong sau sinh.

- Trẻ sinh ra mắc các bệnh lý di truyền: tan máu bẩm sinh, nguy cơ truyền máu, tử vong trong những năm đầu sau sinh.

4. Vai trò của khám thai và chăm sóc thai nghén nguy cơ cao

- Khám thai đúng quy trình và chăm sóc thai nghén nguy cơ cao có vai trò quan trọng, giúp chẩn đoán, tiên lượng đúng, đảm bảo tối đa cho sự an toàn của mẹ và thai.

- Tư vấn cho sản phụ những sự lựa chọn can thiệp y tế cần thiết liên quan đến thai kỳ (làm xét nghiệm sàng lọc, chọc ối,siêu âm hình thái thai... và thăm dò khác), kết thúc thai kỳ đúng thời điểm.

- Lựa chọn nơi sinh an toàn.

5. Quản lý, chăm sóc thai nghén nguy cơ cao như thế nào?

- Khám thai ngay khi phát hiện có thai (thử quick dương tính) tại các cơ sở y tế.

- Cung cấp đầy đủ cho nhân viên y tế thông tin về tiền sử bệnh tật, thai kỳ, kết quả các lần khám, dùng thuốc và xét nghiệm nếu có.

- Khám thai theo lịch hẹn và tuân thủ các chỉ định của bác sỹ về thăm khám lâm sàng, các xét nghiệm, thăm dò chức năng.

- Được tư vấn về chăm sóc, vận động, chế độ dinh dưỡng cho thai kỳ đặc biệt các sản phụ thừa cân béo phì, đài tháo đường, tăng huyết áp hoặc có các bệnh lý mạn tính kèm theo khác.

- Cung cấp đầy đủ sắt, folic, vitamin.

- Theo dõi, kiểm soát huyết áp, cân nặng, đường huyết...

- Tư vấn vệ sinh thai nghén.

- Điều trị các bệnh lý nhiễm khuẩn trong khi có thai.

6. Làm thế nào các bà mẹ biết thai kỳ có nguy cơ cao hay không?


- Sản phụ nên khám thai ban đầu tại các cơ sở y tế có chuyên khoa sản phụ khoa hoặc các tuyến y tế cơ sở. Nếu phát hiện có bất thường nên đến bệnh viện chuyên khoa khám, theo dõi và được tư vấn.

- Các sản phụ có thai nghén nguy cơ cao nên khám thai và quản lý thai nghén tại bệnh viện chuyên khoa để được khám toàn diện và tư vấn đầy đủ.

- Bệnh viện Sản Nhi là bệnh viện tuyến chuyên khoa cao nhất tại tỉnh Lào Cai với đội ngũ các bác sỹ chuyên môn cao, giàu kinh nghiệm cùng các trang thiết bị đồng bộ, hiện đại, xứng đáng là địa chỉ tin cậy của nhân dân trong tỉnh và khu vực lân cận trong công tác theo dõi, quản lý thai kỳ an toàn.

BSCKI Lê Quỳnh Hoa – Phó Trưởng khoa Sản