Thông tin mới nhất
Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 3
  • Hôm nay: 134
  • Trong tuần: 6 170
  • Tất cả: 1383782
THỂ DỤC CHO THAI KÌ

Bên cạnh việc cung cấp các chất dinh dưỡng, thực phẩm thiết yếu trong suốt thai kỳ thì việc vận động thể chất khi mang thai đem lại các hiệu quả tích cực về mặt sức khỏe cho cả mẹ và bé.

Có nên tập thể dục trong thai kỳ?

Không hoạt động thể chất là yếu tố nguy cơ hàng đầu thứ tư gây tử vong sớm trên toàn thế giới. Trong thai kỳ, việc không vận động và tăng cân quá mức được xem là yếu tố gây nên béo phì và các biến chứng thai kỳ khác, đặc biệt là nguy cơ bệnh lý đái tháo đường. Một số quan điểm thể hiện rằng việc vận động trong thai kỳ có thể gây nên các nguy cơ như sẩy thai, thai nhi phát triển kém, chấn thương cơ xương hoặc sinh non,... tuy nhiên các quan ngại này được chứng minh là an toàn cho phụ nữ mang thai khi không có biến chứng kèm theo.

Trong trường hợp không có biến chứng sản khoa hoặc chống chỉ định đặc biệt thì hoạt động thể chất ở phụ nữ mang thai được khuyến khích nên tiếp tục hoặc bắt đầu các hoạt động thể chất an toàn. Tất cả các khuyến nghị đều khuyên thai phụ nên hoạt động thể chất ít nhất 150 phút mỗi tuần trong thai kỳ.



 

 

Hình ảnh Internet

 

Lợi ích của việc tập thể dục trong thai kỳ:

Các nghiên cứu cho thấy việc tập thể dục khi mang thai được chứng minh là có lợi, một số tác dụng có thể liệt kê như:

- Giúp cho quá trình sinh nở thuận lợi hơn;

- Giảm tăng cân quá mức khi mang thai;

- Giảm nguy cơ đái tháo đường thai kỳ;

- Giảm tỉ lệ sinh non và mổ lấy thai;

- Giảm nguy cơ trẻ nhẹ cân sau sinh.

          
 Các điều kiện an toàn cho một bài tập thể dục của thai phụ

Thời điểm bắt đầu

Ba tháng đầu thai kỳ

Thời lượng buổi tập

30-60 phút

Số lần tập luyện mỗi tuần

Ít nhất 3-4 lần/tuần (sau đó là mỗi ngày)

Cường độ

Vừa phải

Môi trường

Thông thoáng khí, tránh tiếp xúc lâu ở nhiệt độ cao

Người giám sát

Khuyến khích, nếu có thể

Thời điểm kết thúc

Đến khi sinh

 

Các dấu hiệu cảnh báo cần ngưng tập luyện ngay:

- Ra huyết âm đạo;

- Đau bụng;

- Các cơn đau co thắt thường xuyên;

- Rỉ ối;

- Khó thở trước khi gắng sức;

- Chóng mặt;

- Đau đầu;

- Đau ngực;

- Yếu cơ ảnh hưởng đến sự cân bằng;

- Đau bắp chân hoặc sưng.

Một số lời khuyên về chế độ tập luyện thể dục cho thai phụ

- Chọn hình thức, bài tập thể dục phù hợp, nên tham khảo ý kiến bác sỹ.

- Lựa chọn quần áo rộng rãi, chất liệu thoáng mát.

- Luôn có sẵn chai nước và đảm bảo bản thân luôn được cấp nước đầy đủ trong quá trình tập luyện.

- Sử dụng các phần mềm tập luyện trên điện thoại và các ứng dụng sẵn có để duy trì động lực tập luyện hằng ngày.

- Nếu không thể sắp xếp để ra phòng tập được thì có thể lựa chọn tập luyện tại nhà với các chương trình trực tuyến được thiết kế riêng cho thai phụ.

Bs Trần Thị Hằng – Khoa Khám bệnh