Thông tin mới nhất
Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 108
  • Hôm nay: 1761
  • Trong tuần: 13 070
  • Tất cả: 1617684
Bệnh giun đũa chó mèo

( Toxocara canis hay Toxocara cati)

Giun đũa chó ( Toxocarra canis), mèo ( Toxocarra cati) là loại giun tròn cư trú trong đường ruột của chó và mèo. Hai loại giun này đẻ trứng, trứng theo phân ra ngoài môi trường. Đất, cát là nơi phát tán trứng giun do đặc tính phóng uế bừa bãi của chó và mèo.

 

 

Hình 1: Chu kỳ phát triển của giun đũa chó mèo.

 1. Triệu chứng lâm sàng

       Người nuốt phải trứng giun có phôi giun đũa chó, mèo thường không có biểu hiện lâm sàng. Các ấu trùng này khi vào trong cơ thể người sẽ di chuyển trong cơ thể trong vài tháng đến vài năm và gây tổn thương các cơ quan mà chúng di chuyển đến. Mức độ tổn thương của cơ thể cùng với các triệu chứng tùy thuộc vào số lượng ấu trùng cũng như cơ quan mà chúng xâm lấn: gan, phổi, hệ thần kinh trung ương, mắt …

Triệu chứng lâm sàng của bệnh giun đũa chó mèo chia làm 2 nhóm bệnh.

a. Bệnh giun đũa chó mèo thể tạng

- Bệnh giun đũa chó mèo thể tạng xảy ra chủ yếu ở trẻ nhỏ, lứa tuổi hay bị bệnh giun đũa chó, mèo là từ 2 đến 7 tuổi.

- Ba cơ quan hay bị ảnh hưởng bởi giun đũa chó mèo là phổi, bụng và hệ thống thần kinh trung ương.

- Các triệu chứng lâm sàng thường không đặc hiệu và bao gồm sốt, mệt mỏi, chán ăn hoặc nổi hạch.

- Triệu chứng hô hấp: ho, khó thở hoặc thở khò khè, hen phế quản khi ấu trùng di chuyển đến phổi.

- Triệu chứng tiêu hóa: đau bụng, gan to hoặc lách to khi ấu trùng di chuyển đến các cơ quan trong ổ bụng.

- Ấu trùng Toxocara cũng có thể di chuyển đến thần kinh trung ương gây ra các triệu chứng thần kinh đa dạng và không đặc hiệu như viêm não lan tỏa cấp tính, viêm màng não, viêm não, hoặc viêm màng não tăng bạch cầu ái toan. Động kinh thường là biểu hiện hay gặp khi ấu trùng gây tổn thương thần kinh trung ương.

- Các biểu hiện hiếm gặp: viêm cơ tim hoặc tràn dịch màng tim do nhiễm Toxocara.

b. Bệnh giun đũa chó mèo thể mắt

 

 

 

- Bệnh về mắt xảy ra khi ấu trùng Toxocara di chuyển qua mạch máu và đi vào hốc mắt, gây ra các phản ứng viêm có thể dẫn đến tạo sẹo vĩnh viễn.

- Biểu hiện mắt của bệnh giun đũa chó, mèo thường xảy ra ở nhóm tuổi từ 8 đến 16 tuổi.

- Phần lớn bệnh nhân bị bệnh giun đũa chó, mèo thể mắt tổn thương một bên với biểu hiện thường gặp nhất là mất thị lực hoặc nhìn mờ. Ngoài ra có thể gặp các biểu hiện khác nhau như đồng tử có màu trắng (Leukocoria), lác, chứng sợ ánh sáng, đau mắt hoặc đỏ mắt.

- Mặc dù không có một dấu hiệu hoặc triệu chứng nhãn khoa duy nhất nào có giá trị chẩn đoán xác định nhiễm Toxocara; cần nghĩ tới bệnh giun đũa chó, mèo thể mắt khi trẻ có tiền sử gợi ý nhiễm giun đũa chó, mèo và các biểu hiện u hạt cực sau, u hạt ngoại vi hoặc u hạt tiểu phần, tách võng mạc, viêm màng bồ đào.

2.  Chẩn đoán

Chẩn đoán bệnh giun đũa chó, mèo là một vấn đề khó vì:

+ Triệu chứng lâm sàng của bệnh giun đũa chó, mèo không đặc hiệu.

+ Không thể dựa vào tìm ấu trùng vì chúng phân tán rộng trong cơ thể và khó sinh thiết các mô để phát hiện được ấu trùng.

+ Không thể dựa vào kết quả soi phân tìm trứng giun vì ấu trùng không phát triển thành giun trưởng thành và trứng không được bài tiết qua phân người.

+ Huyết thanh chẩn đoán ELISA sử dụng kháng nguyên ngoại tiết TES ( Toxocara excretory- secretory antigen) có thể dương tính chéo với trường hợp nhiễm giun, sán khác như giun đũa, giun móc, giun lươn, giun chỉ hệ bạch huyết, sán lá gan lớn, sán dây. Vì vậy để khẳng định thì phải làm Western- Blot là một kỹ thuật có tính đặc biệt cao hơn.

+ Chẩn đoán bệnh giun đũa chó, mèo thể nội tạng hay thể mắt thường phải phối hợp các thông tin về tiền sử phơi nhiễm với trứng giun đũa chó, mèo, có biểu hiện lâm sàng và xét nghiệm cận lâm sàng.

- Kết quả xét nghiệm gợi ý Toxocara bao gồm:

+ Công thức máu: tăng bạch cầu ái toan.

+ Xét nghiệm huyết thanh tìm kháng thể IgG chống lại ấu trùng Toxocara.

3.  Điều trị

Liều điều trị cho cả người lớn và trẻ em là:

                   Albendazole 500mg/ ngày

                   Hoặc mebendazole 400mg/ ngày.

Thời gian điều trị trong 3- 4 tuần liên tiếp.

4.  Phòng bệnh

- Giữ gìn vệ sinh sạch sẽ, rửa tay trước khi chế biến thức ăn, trước và sau khi ăn, sau khi đi vệ sinh.

- Ăn chín, uống sôi, sơ chế thực phẩm thật kỹ và hạn chế tối đa ăn các loại rau sống không rõ nguồn gốc.

- Không cho chó mèo thường xuyên vào nhà, nhất là nhà đang có trẻ tập đi, tập bò.

- Tuyệt đối không để trẻ nghịch đất, tránh cho bé ngậm tay vào miệng khi đang chơi đùa cùng chó mèo.

- Thường xuyên vệ sinh nhà cửa sạch sẽ.

- Tẩy giun định kỳ cho trẻ 3- 6 tháng 1 lần.

- Tẩy giun định kỳ cho chó mèo, tắm cho chó mèo thường xuyên.

- Không nên để trẻ nhỏ ngủ cùng với chó, mèo.

Khi trẻ có những triệu chứng như trên cần đưa trẻ đi khám tại cơ sở y tế để được tư vấn và điều trị kịp thời./.

BS. Mộc Thị Bích – Khoa Nhi

Họ tên no image
no image
Tiêu đề no image
Nội dung no image
Mã kiểm tra no image
Footer chưa được cập nhật nội dung hoặc chưa được duyệt !