Thông tin mới nhất
Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 3
  • Hôm nay: 95
  • Trong tuần: 6 131
  • Tất cả: 1383743
Bệnh quai bị

Quai bị là một bệnh truyền nhiễm cấp tính, gây thành dịch do virus quai bị gây nên. Bệnh thường gặp ở trẻ em và lứa tuối thanh thiếu niên và thường diễn biến lành tính, để lại miễn dịch bền vững suốt đời sau khi mắc bệnh.

 Dịch tễ học

- Nguồn lây: Người là  nguồn bệnh duy nhất. Những người bệnh có biểu hiện lâm sàng thường đào thải virus và gây lan truyền bệnh, không có tình trạng người lành mang trùng. 

- Đường lây: Lây bệnh trực tiếp bằng đường hô hấp qua các giọt nước bọt từ người bệnh sang người lành khi nói chuyện, ho, hắt hơi.. Virus quai bị xuất hiện trong  nước bọt người bệnh 6 ngày trước khi sưng tuyến mang tai và tồn tại 1 tuần sau khi sưng.

- Phân bố dịch tễ: Lứa tuổi nhiễm bệnh hay gặp nhất là 3-14 tuổi( chủ yếu 5-9 tuổi) và thanh niên (18-20 tuổi), nam mắc nhiều hơn nữ. Hiện nay nhờ tiêm phòng vaccin quai bị, bệnh đã thuyên giảm rõ rệt.       

 Triệu chứng của bệnh quai bị

- Bệnh quai bị gặp ở người chưa mắc quai bị lần nào, có tiếp xúc với người bị quai bị trong 2-3 tuần trước đó và chưa được tiêm vacxxin quai bị.

- Dấu hiệu nhận biết chính và đặc trưng cho bệnh quai bị là sưng tuyến nước bọt khiến cho vùng má dưới mang tai phình ra, có thể ở một hoặc cả hai bên. Các biểu hiện khác của quai bị có thể kể đến như:

+ Tuyến nước bọt bị sưng ở một hoặc cả hai bên mặt nếu sưng nhẹ không làm thay đổi khuôn mặt, trong trường hợp sưng rõ rệt làm biến dạng cổ. Da chỗ sưng căng bóng lên nhưng màu sắc bình thường, không đỏ tấy.

+ Đau khi nhai hoặc nuốt, biểu hiện đau: Đau toàn bộ tuyến chứ không đau 1 điểm rõ rệt như trong hiện tượng mưng mủ.

+ Hạch góc hàm và trước tai sưng to và đau, đôi khi có họng viêm đỏ. Trẻ nhỏ thường có sốt nhẹ, thanh niên thường sốt cao.

+ Đau nhức đầu, mệt mỏi, chán ăn

 

 

 

Biến chứng của bệnh quai bị

Bệnh quai bị hiếm khi gặp phải biến chứng nhưng khi có thường khá nghiêm trọng. Các biến chứng quai bị phần lớn liên quan đến tình trạng viêm và sưng ở một số bộ phận khác của cơ thể, như:

- Viêm tinh hoàn. Thường gặp ở thanh niên sau tuổi dậy thì, xảy ra sau khi sưng mang tai 7-10 ngày với biểu hiện sốt cao trở lại, nhức đầu, mê sảng, đau nhói tại tinh hoàn lan xuống đùi, đau tăng khi đi lại. Tinh hoàn sưng to gấp 2-3 lần bình thường, da vùng tinh hoàn không đổi màu, sờ nắn tinh hoàn rất đau. Sau 2- 6 tháng bị bệnh mới đánh giá được tinh hoàn có bị teo không. Nếu chỉ bị teo 1 bên tinh hoàn thì không ảnh hưởng đến khả năng sinh sản.

- Viêm buồng trứng. Thường gặp ở phụ nữ đã quá tuổi dậy thì. Biểu hiện thường gặp là sốt, đau, và nổi cục di động ở 2 bên hố chậu. người bệnh có rong huyết. Bệnh ít để lại biến chứng và di chứng.

- Viêm não: Virus quai bị có thể gây ra viêm não với biểu hiện sốt cao đột ngột, rét run, nhức đầu, rối loạn tri giác, co giật, liệt chi, liệt các dây thần kinh sọ não… tiên lượng nặng, thường để lại các di chứng về tam thần, vận động..

- Viêm màng não: Bệnh thường xuất hiện vào ngày thứ 3-10 sau khi sưng tuyến mang tai với biểu hiện : Người bệnh sốt cao đột ngột, trẻ nhỏ có thể co giật. Khám có hội chứng màng não, ở trẻ nhỏ có thể có thóp phồng và nôn. Bệnh thường diễn biến lành tính nếu không kèm theo viêm não.

- Tuyến tụy: Nếu bị viêm tụy, thường xảy ra ở tuần thứ 2 ( ngày 4-10) khi viêm tuyến mang tai đã dịu đi. Người bệnh có các dấu hiệu và triệu chứng gồm đau vùng thượng vị, buồn nôn và nôn mửa, ỉa lỏng và chán ăn. Bệnh thường khỏi sau 1- 2 tuần.\

Ngoài ra có thể gặp 1 số biến chứng khác như: viêm cơ tim, viêm đa khớp..

Điều trị bệnh quai bị

Hiện nay, bệnh quai bị chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, chủ yếu vẫn là cách ly người bệnh, điều trị triệu chứng, biến chứng của bệnh:

- Cách ly người bệnh với mọi người để ngăn ngừa lây truyền virus quai bị.

- Dùng thuốc giảm đau, an thần để giảm bớt triệu chứng đau.

- Chườm ấm vùng sưng.

- Tránh ăn những thực phẩm cứng, rắn, cần phải nhai nhiều. Thay vào đó, bạn nên ăn cháo hay những thực phẩm mềm hay có dạng lỏng.

- Giữ vệ sinh răng miệng

- Bài thuốc Đông y: dùng hạt gấc mài ngâm rượu xoa vào chỗ sưng

Điều trị biến chứng:

- Viêm tinh hoàn: Nghỉ ngơi yên tĩnh, hạn chế đi lại. Dùng thuốc giảm đau, an thần, chống viêm theo chỉ định của bác sĩ

- Viêm màng não: nghỉ ngơi tuyệt đối. Dùng thuốc giảm đau, chống viêm, chống phù não để giảm áp lực nội sọ.

- Viêm tụy: Dùng thuốc giảm đau, an thần, chườm nóng vùng thượng vị, ăn nhẹ, chia thành nhiều bữa, dễ tiêu.

Biện pháp dự phòng quai bị

- Cách ly người bệnh ít nhất 2 tuần hoặc đến khi tuyến nước bọt hết sưng đau. Người bệnh không đến trường học, nơi công cộng trong 1 tuần đầu xuất hiện triệu chứng.

- Người tiếp xúc, người bệnh đeo khẩu trang khi đến nơi đông người, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và nước sạch.

- Vaccin quai bị: Tiêm vaccin quai bị là biện pháp phòng bệnh vô cùng hiệu quả. Hiện nay trên thị trường có 2 loại vaccin: Vaccin đơn Imovax (phòng bệnh quai bị), Vaccin MMR (phòng bệnh sởi ,quai bị, rubella). Khi trẻ từ 12 tháng tuổi trở lên, các bậc cha mẹ nên cho con đến các cơ sở y tế để khám và thực hiện tiêm phòng cho trẻ đúng lịch để đạt hiệu quả phòng bệnh sớm và tốt nhất.

Bệnh quai bị là bệnh thường gặp ở trẻ em, tuy bệnh có các triệu chứng lâm sàng dễ nhận thấy nhưng rất dễ chẩn đoán nhầm với các bệnh lý khác vùng mang tai như: Viêm tuyến mủ mang tai do vi khuẩn, viêm hạch, mọc răng.. nên khi trẻ có các dấu hiệu nghi ngờ bệnh các bậc phụ huynh nên đưa trẻ đến cơ sở y tế để khám, làm xét nghiệm chẩn đoán xác định bệnh, từ đó có hướng điều trị phù hợp, chăm sóc sớm nhất cho trẻ, đồng thời có biện pháp phòng lây nhiễm nhanh chóng (cho trẻ nghỉ học, cách ly tại nhà..,.). Bên cạnh đó để phòng ngừa bệnh hiệu quả, tiết kiệm và an toàn trẻ em cần được tiêm chủng đẩy đủ và đúng lịch.

                                         Bs Nguyễn Thị Phương Thúy – Khoa Truyền nhiễm.

Họ tên no image
no image
Tiêu đề no image
Nội dung no image
Mã kiểm tra no image