Thông tin mới nhất
Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 3
  • Hôm nay: 90
  • Trong tuần: 6 126
  • Tất cả: 1383738
Bệnh thủy đậu trẻ em

Trong tháng 4/2021 tại phòng khám Nhi - Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Lào Cai đã có khoảng 10-12 bệnh nhân thủy đậu đến khám trong đó chủ yếu là các trẻ chưa được tiêm phòng thủy đậu và đến khám đều ở giai đoạn phát bệnh và có sốt cao. Bệnh thủy đậu thuộc loại bệnh truyền nhiễm cấp tính có thể bùng phát thành dịch. Bệnh này xuất hiện ở cả người lớn và trẻ em. Thủy đậu có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm, vì vậy cần hết sức lưu ý để có biện pháp điều trị và phòng ngừa kịp thời.

1. Thủy đậu là bệnh gì?

Thủy đậu thuộc nhóm bệnh truyền nhiễm trên da được gây ra bởi vi rút Varicella Zoster.  Bệnh thường xuất hiện vào cuối đông đầu xuân kéo dài sang hè. Bệnh lây do tiếp xúc trực tiếp với dịch trên nốt phỏng của người bệnh hay qua đường hô hấp.

 Theo ghi nhận, có hơn 90% người dân chưa được tiêm phòng vaccine có nguy cơ nhiễm bệnh. Bệnh thường xuất hiện vào mùa xuân ở đối tượng chủ yếu là trẻ nhỏ dưới 10 tuổi. Tuy nhiên, bệnh cũng có thể gây ở người lớn, đặc biệt với phụ nữ có thai.

Bệnh này có tốc độ lây truyền nhanh, truyền trực tiếp từ người này sang người kia. Con đường lây truyền bệnh thường qua không khí, người khỏe mạnh sẽ bị bệnh nếu tiếp xúc trực tiếp với nước bọt từ bệnh nhân thủy đậu khi họ hắt hơi, ho… Nếu không được ngăn chặn kịp thời sẽ bùng lên thành ổ dịch.

Ngoài ra, thủy đậu có thể lây từ vết thương bị bỏng khi chúng vỡ ra hoặc vùng da tổn thương, lở loét từ bệnh nhân thủy đậu. Đặc biệt, phụ nữ có thai bị thủy đậu có nguy cơ lây truyền cho thai nhi rất cao thông qua nhau thai.

2. Triệu chứng của bệnh thủy đậu

Những dấu hiệu bệnh thủy đậu được chia làm 2 giai đoạn:

- Giai đoạn khởi phát: tương tự như những trường hợp nhiễm vi rút khác, bệnh nhân có những triệu chứng như sốt, nhức đầu, đau mỏi cơ… Đặc biệt, bệnh thủy đậu ở trẻ em thường không có dấu hiệu cảnh báo bệnh.

- Giai đoạn phát bệnh: trên người bệnh nhân nổi những “nốt rạ”. Đặc điểm của nốt rạ này là kích thước nhỏ hình tròn xuất hiện trong khoảng 12 - 24 tiếng đồng hồ. Sau đó, chúng sẽ phát triển thành các mụn nước, bóng nước. Những nốt rạ này có thể xuất hiện khắp cơ thể hoặc rải rác vài nơi. Số lượng trung bình ở bệnh nhân thủy đậu thường là 100 - 500 nốt. 

Trong nốt rạ có chứa vi rút nên khi tiếp xúc trực tiếp với dịch có trong nốt rạ sẽ bị lây nhiễm thủy đậu. Đối với trường hợp mụn nước tự khô biến thành vảy sẽ tự hết trong khoảng 4 - 5 ngày. Bệnh thủy đậu ở trẻ em thường kéo dài trong vòng 5 - 10 ngày khiến các bé phải nghỉ học.

 

 

 

 

  Thủy đậu ở người lớn

 

 Thủy đậu ở trẻ em

2. Biến chứng của bệnh thủy đậu

Nếu không được phát hiện và chữa trị đúng cách, kịp thời bệnh thủy đậu sẽ gây nhiều biến chứng nguy hiểm như nhiễm trùng trên da, nhiễm trùng máu, xương/khớp, thậm chí là viêm phổi, viêm não…

Bệnh thủy đậu được xem là lành tính thế nhưng vẫn có khả năng gây ra biến chứng nghiêm trọng nếu không được chữa trị kịp lúc.

Một số biến chứng thường gặp như:

- Nhiễm trùng mụn nước, xuất huyết bên trong: tình trạng này dễ gặp ở trường hợp bệnh thủy đậu ở trẻ em do trẻ khó kiểm soát gây vỡ mụn nước hay bong tróc làm nhiễm trùng, nổi mủ và lở loét.

- Viêm não và viêm màng não: biến chứng dễ gặp ở người lớn và cả trẻ em. Biến chứng này thường gặp sau khi bóng nước nổi 7 ngày. Thế nhưng người lớn có nguy cơ mắc biến chứng này cao hơn trẻ em. Nếu không được xử lý kịp thời sẽ dẫn đến tử vong.

- Viêm phổi thủy đậu: dễ mắc ở người lớn với các dấu hiệu như ho nhiều, thậm chí ho ra máu, đau tức ngực và khó thở.

- Thủy đậu chu sinh: biến chứng có ở phụ nữ mang thai. Nếu mẹ mắc thủy đậu trước hoặc sau khi sinh từ 2 - 5 ngày rất nguy hại đến thai nhi. Trẻ có thể lây nhiễm bệnh từ mẹ hoặc mắc khuyết tật, tử vong.

- Bệnh zona thần kinh: bệnh tuy đã khỏi thế nhưng vi rút thủy đậu vẫn còn bám ở rễ dây thần kinh. Nếu hệ thần kinh suy yếu, vi rút này sẽ hoạt động trở lại và gây nên bệnh zona thần kinh.

3. Cách chăm sóc trẻ bị thủy đậu đúng cách

Các bố mẹ có thể chăm sóc trẻ đúng cách và giảm nguy cơ biến chứng của bệnh cũng như giúp bé mau khỏi bệnh:

- Trẻ em bị bệnh thủy đậu cần nằm phòng cách để ngăn ngừa lây nhiễm cho người lành. Sau khi xuất viện vẫn cần được cách ly đến khi khỏi bệnh hẳn.

- Người chăm trẻ phải đeo khẩu trang (đối với người chưa mắc thủy đậu) Khi đưa trẻ đi khám cũng cần đeo khẩu trang cho bé. Ngoài ra cần vệ sinh trước và sau khi chăm sóc cho bé.

- Hiện nay có rất nhiều loại thuốc bôi ngoài da cho trẻ: Xanhmethylen, Subac…

- Tuyệt đối không cho trẻ gãi khiến mụn nước vỡ và vây mủ ra vùng da lân cận. Tốt nhất nên cho trẻ đeo bao tay vải tránh tác động vào mụn nước.

- Kết hợp thuốc kháng sinh (nếu bội nhiễm) hoặc thuốc hạ sốt (nếu sốt) cho bệnh nhân thủy đậu phải theo sự hướng dẫn của bác sĩ.

- Vệ sinh sạch sẽ mũi họng mỗi ngày với nước muối sinh lí 0,9%.

- Cho trẻ mặc quần áo mềm mại, thấm mồ hôi và đặc biệt giữ vệ sinh da cho trẻ đề phòng biến chứng không mong muốn. Tắm cho trẻ bằng nước ấm và thay áo quần ngay trong phòng tắm.

- Cho trẻ ăn đồ ăn mềm, lỏng dễ nuốt, dễ tiêu hóa. Đặc biệt, cho trẻ uống thật nhiều nước hoặc nước trái cây.

- Sử dụng đồ dùng cá nhân riêng biệt với khăn, cốc, thìa, đũa…

- Tránh tiếp xúc với khu vực đông người để ngăn ngừa lây nhiễm.

- Hạn chế ra gió vì cơ thể dễ bị nhiễm lạnh và làm cho bệnh ngày càng tồi tệ hơn.

4.  Trẻ bị thủy đậu cần kiêng gì?

- Thức ăn nhiều dầu mỡ, thức ăn quá bổ dưỡng

- Thức ăn cay nóng như các loại gia vị gừng, tỏi, ớt, hạt tiêu, quế....

- Các loại thịt như thịt dê, thịt chó, thịt gà, thịt ngan, các loại hải sản

- Trái cây có tính nóng như mận, đào, vải, nhãn...

5. Cách phòng tránh bệnh thủy đậu

Hiện nay, y học đã cung cấp loại vắc xin ngăn ngừa thủy đậu hiệu quả. Đặc biệt, trẻ nhỏ cần phải được tiêm phòng bệnh thủy đậu. Bố mẹ có con nhỏ cần theo dõi và cho trẻ tiêm phòng theo đúng lịch.

Lịch tiêm phòng với từng độ tuổi trẻ như sau:

- Đối với trẻ từ 12 tháng tuổi đến 12 tuổi: tiêm liều 1 và liều thứ 2 nên cách liều thứ nhất ít nhất là 6 tuần hoặc có thể tiêm liều thứ 2 khi trẻ 4-6 tuổi để gia tăng hiệu quả phòng bệnh.

- Đối với trẻ trên 13 tuổi: tiêm 2 liều cách nhau ít nhất là 6 tuần.

Tiêm phòng thủy đậu là cách tốt nhất bảo vệ sức khỏe cho trẻ. Nếu trẻ có các biểu hiện của bệnh thủy đậu, cảm thấy khó chịu, lừ đừ, mệt mỏi, co giật, hôn mê hoặc có xuất huyết trên nốt rạ, các bậc phụ huynh nên đưa trẻ đến ngay các cơ sở y tế để được theo dõi và điều trị kịp thời.

ThS.BS. Nguyễn Thị Hoàng Yến – Khoa Khám bệnh

Họ tên no image
no image
Tiêu đề no image
Nội dung no image
Mã kiểm tra no image