Thông tin mới nhất
Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 6
  • Hôm nay: 75
  • Trong tuần: 6 111
  • Tất cả: 1383723
Biếng ăn ở trẻ em

Biếng ăn ở trẻ em là vấn đề tất cả các cha mẹ rất quan tâm. Theo thống kê của Viện Dinh dưỡng Quốc gia, có khoảng trên 50% trẻ nhỏ từ 1-5 tuổi rơi vào tình trạng biếng ăn, tiêu hóa kém, chậm tăng cân. Nếu vấn đề này không được giải quyết triệt để sẽ ảnh hưởng lớn đến sự phát triển về thể chất, lâu dài cũng ảnh hưởng lớn đến sự phát triển về trí tuệ của trẻ do thiếu hụt nhiều các dưỡng chất, đặc biệt là các vi chất quan trọng cho sự phát triển như: canxi, sắt, kẽm và các vitamin...

 

Hình ảnh sưu tầm Internet

 

Biếng ăn là một vấn đề thường gặp ở trẻ em. Vậy thế nào thì được gọi là biếng ăn? Nguyên nhân là như thế nào? Và các bậc cha mẹ cần chăm sóc cho trẻ biếng ăn như thế nào?

Biếng ăn là gì?

Biếng ăn có thể là bệnh lý cũng có thể là một triệu chứng của nhiều bệnh. Và khái niệm biếng ăn cũng phụ thuộc vào quan niệm biếng ăn của các bậc cha mẹ cũng như các chuyên gia y tế.

Biếng ăn có thể là triệu chứng của các bệnh lý cấp tính: bệnh lý nhiễm khuẩn, các bệnh lý răng miệng, các tổn thương khoang miệng, biếng ăn sinh lý như thời kỳ trẻ mọc răng sữa. Trẻ mắc các bệnh lý mạn tính: bệnh lý tim mạch, hô hấp.

Theo quan điểm của các bậc cha mẹ, trẻ ở mỗi lứa tuổi cần phải tăng cân và ăn được lượng thức ăn theo đúng định lượng nhất định. Nếu trẻ không đạt được các tiêu chí đó thì cha mẹ coi trẻ là biếng ăn.

Biếng ăn thường gặp ở lứa tuổi nào?

Bất kỳ lứa tuổi nào trẻ cũng có thể biếng ăn:

- Trẻ bú mẹ: trẻ có thể biếng ăn khi chế độ ăn của người mẹ có nhiều thay đổi hoặc người mẹ thay đổi cách thức cho trẻ ăn dẫn đến thay đổi thói quen ăn uống của trẻ dẫn đến trẻ biếng ăn.

Các mẹ nuôi con bằng sữa mẹ thì quan niệm rằng cho con bú càng nhiều thì càng tốt, một số bà mẹ thì cho rằng cho con bú theo nhu cầu của trẻ. Với những trẻ khỏe mạnh, cho trẻ bú theo nhu cầu và trẻ tăng cân, phát triển chiều cao theo đúng đường cong tăng trưởng thì là bình thường. Nhưng nếu trẻ bú theo nhu cầu nhưng không tăng trưởng theo đường con tăng trưởng thì trẻ cũng cần được khám và đánh giá xem nguyên nhân là như thế nào.

+ Với các mẹ nuôi con bằng sữa công thức: Sữa công thức là một lựa chọn hợp lý khi chúng ta không đủ sữa mẹ nhưng nếu bà mẹ thay đổi sữa công thức quá thường xuyên, quá đột ngột hoặc chạy theo những trào lưu thì cũng có thể dẫn đến trẻ biếng ăn do thay đổi vị giác của trẻ.

- Trẻ ăn bổ sung: Một số bà mẹ nhiều sữa trì hoãn quá trình ăn bổ sung của trẻ, sự thay đổi thức ăn từ đặc sang lỏng, từ tinh sang thô, tập cho trẻ ăn nhiều loại thức ăn, nếu chế độ ăn không hợp lý trong giai đoạn này cũng có thể dẫn đến sự biếng ăn của trẻ.

- Trẻ thời kỳ mọc răng: Trẻ nứt các khe lợi, sự biến đổi của khoang miệng và sự tiết ra các enzym tiêu hóa, tiết nước bọt có sự thay đổi cũng có thể gây ra biếng ăn cấp tính trong một thời gian ngắn. Khi trẻ đã mọc đủ răng hoặc chúng ta kiểm soát được khoang miệng thì trẻ sẽ trở lại với chế độ ăn bình thường.

- Thời kỳ tiểu học và trung học: hầu như trẻ không có các vấn đề về biếng ăn nếu như trẻ không có các vấn đề về tâm lý cũng như bệnh lý.

- Thời kỳ dậy thì: trẻ đã có ý thức về sự phát triển về cân nặng cũng như hình thể nên có thể tự khống chế được chế độ ăn của mình. Vì vậy, nhiều bậc cha mẹ cũng hay than phiền rằng trẻ biếng ăn. Trẻ ở lứa tuổi này, bên cạnh chế độ dinh dưỡng hợp lý còn phải tư vấn tâm lý cho trẻ.

Khi trẻ có các biểu hiện biếng ăn như giảm hoặc mất cảm giác thèm ăn kéo dài trên 2 tuần thì cha mẹ cần đưa trẻ đến các bác sĩ dinh dưỡng, bác sĩ nhi khoa để được khám và đánh giá xem trẻ có thực sự biếng ăn hay không và có các bệnh lý cấp tính mạn tính kèm theo không? Từ đó, thiết lập cho trẻ chế độ dinh dưỡng hợp lý nhất.

 

 

Làm thế nào để trẻ hết biếng ăn? Chăm sóc và theo dõi trẻ biếng ăn như thế nào?

- Tìm nguyên nhân khi trẻ có biểu hiện giảm hoặc mất cảm giác thèm ăn thì cha mẹ cần đưa trẻ đến cơ sở y tế để xác định xem trẻ có thực sự biếng ăn hay không và có mắc các bệnh lý cấp hoặc mạn tính gì không?

- Đừng quá lo lắng nếu trẻ vẫn phát triển bình thường về thể chất và tinh thần.

- Không nên ép trẻ ăn khi trẻ không muốn.

- Hãy bắt đầu từ những thứ trẻ thích để kích thích vị giác của trẻ và kết hợp hài hòa giữa những món ăn cũ và mới.

- Bữa ăn không nên kéo dài quá 30 phút.

- Chia nhỏ bữa ăn thành nhiều bữa nhỏ, khuyến khích trẻ tự xúc ăn .

- Kích thích cảm giác thèm ăn tự nhiên, bổ sung đầy đủ các vi chất như lysine, kẽm, các vitamin nhóm B.

- Không ăn vặt trước bữa ăn chính sẽ khiến trẻ mất đi cảm giác đói và thèm ăn.

- Đa dạng thực đơn giúp trẻ hào hứng hơn, kích thích vị giác tránh thiếu vi chất.

-  Tạo sự hấp dẫn cho các món ăn: Bầy biện món ăn trông hấp dẫn bắt mắt, trang trí món ăn thành hình những con vật, đồ vật.

- Tạo không khí vui vẻ trong bữa ăn.

Hiện nay, tại Bệnh viện Sản Nhi Lào Cai đã triển khai phòng Tư vấn dinh dưỡng. Vì vậy khi trẻ có biểu hiện biếng ăn chậm lớn, suy dinh dưỡng, có các vấn đề tiêu hóa cha mẹ nên đưa trẻ đến khám và được tư vấn điều trị kịp thời giúp trẻ phát triển toàn diện về thể chất và tinh thần.

BSCKI. Hứa Thị Hồng Chuyên – Khoa Khám bệnh

 

Họ tên no image
no image
Tiêu đề no image
Nội dung no image
Mã kiểm tra no image