Biếng ăn không hẳn là một bệnh mà thường là biểu hiện của nhiều nguyên nhân khác nhau, có thể do bệnh lý hoặc do rối loạn tâm lý.
Biếng ăn là tình trạng hay gặp ở trẻ em thường ở tất cả mọi lứa tuổi. Từ 1- 2 tháng tuổi đã có nhiều trẻ biếng ăn. Biếng ăn có nhiều biểu hiện khác nhau như: trẻ bú ít, ăn ít hơn bình thường, ngậm thức ăn trong miệng lâu không chịu nuốt, không chịu ăn một số loại thức ăn như thịt, cá, trứng, sữa hoặc từ chối ăn tất cả các loại thức ăn, chạy trốn khi tới bữa ăn.
Nếu không được điều trị kịp thời, thích hợp có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng và tổn thương vĩnh viễn.
Nguyên nhân
1. Biếng ăn do dinh dưỡng không hợp lý: Thiếu Vitamin và các vi chất dinh dưỡng cần thiết cho quá trình trao đổi chất và hấp thu thức ăn như:
+ Vitamin C
+ Vitamin nhóm B
+ Thiếu sắt
+ Thiếu Magie
+ Đặc biệt là tình trạng thiếu kẽm làm cho trẻ rất biếng ăn.
Cho trẻ ăn bổ sung quá sớm, khẩu phần ăn không cân đối có nhiều tinh bột, nhiều rau củ hoặc quá nhiều chất đạm, chế biến thức ăn không phù hợp với độ tuổi của trẻ cũng làm cho trẻ biếng ăn.
Ngoài ra ăn không có giờ giấc, ăn quà vặt, ăn bánh kẹo, nước ngọt trước bữa ăn. Thức ăn không hợp khẩu vị cũng làm cho trẻ biếng ăn.
2. Biếng ăn do bệnh lý: Trẻ bị ốm, mắc các bệnh cấp tính do nhiễm khuẩn, nhiễm virus hệ hô hấp, hệ tiêu hóa (viêm dạ dày, viêm ruột…), viêm loét niêm mạc miệng, viêm lưỡi, loạn khuẩn ruột do dùng kháng sinh.
3. Biếng ăn do nguyên nhân tâm lý (còn gọi là biếng ăn tâm lý): Một rối loạn ăn uống đặc trưng bằng sự giảm thèm ăn rõ rệt hoặc tổng các ác cảm với các loại thức ăn. Là một rối loạn tâm lý nghiêm trọng. Do kỳ vọng thiếu thực tế của gia đình (ép trẻ ăn quá nhiều so với khả năng ăn của lứa tuổi), không khí ăn quá căng thẳng, trẻ bị o ép ăn.
4. Biếng ăn do thuốc: Sau uống một số loại kháng sinh, một số loại vitamin (như vitamin D), tiêm phòng cũng có thể gây cho trẻ biếng ăn.
Chăm sóc trẻ biếng ăn
1. Đối với trẻ nhỏ còn bú mẹ: Cho trẻ bú nhiều lần hơn nếu thời gian mỗi lần bú ít hơn bình thường. Nếu trẻ không ngậm bú được, cần vắt sữa vào cốc rồi dùng thìa cho trẻ uống.
2. Trẻ lớn hơn đã ăn bổ sung:
+ Nên cho ăn các loại thức ăn mềm, đa dạng, dễ tiêu hóa và chia thành bữa nhỏ.
+ Cần thay đổi thức ăn và cho trẻ ăn những loại thức ăn trẻ tỏ ra thích hơn để khuyến khích trẻ ăn được nhiều, kích thích sự thèm ăn.
+ Cần tạo tâm lý thoải mái, vui thích nhất là tâm lý ganh đua khi ăn sẽ kích thích các tuyến tiêu hóa hoạt động, tăng bài tiết men tiêu hóa giúp trẻ ăn ngon miệng hơn.
+ Bữa ăn cần có đủ 4 nhóm thực phẩm, cần đủ lượng đạm động vật, dầu mỡ trong khẩu phần theo lứa tuổi.
+ Tập cho trẻ ăn những thức ăn mới lạ, luôn thay đổi món ăn trong ngày.
+ Chế biến món ăn ngon, phù hợp với khẩu vị và lứa tuổi của trẻ.
+ Thức ăn nấu loãng rồi đặc dần lên.
+ Uống thêm nước hoa quả tươi để tăng cường vitamin sẽ giúp khẩu vị ngon miệng.
3. Một số lưu ý dành cho trẻ biếng ăn
+ Không cho trẻ uống nước ngọt hay ăn quà vặt trước bữa ăn.
+ Ăn cùng với bạn cùng lứa hoặc ăn cùng mâm với gia đình.
+ Trò chuyện tạo không khí vui vẻ trong bữa ăn, nhưng hướng trẻ tập trung vào bữa ăn.
+ Cho trẻ những thức ăn theo sở thích, khuyến khích trẻ hứng thú với sự đa dạng thực phẩm trong khẩu phần ăn hàng ngày, không nên đặt quá nặng giá trị dinh dưỡng của từng loại thực phẩm.
+ Chấp nhận rằng trẻ có thói quen ăn uống khác nhau từ người trưởng thành, có thể ăn nhiều bữa hơn trong ngày hoặc trải qua các giai đoạn thích hoặc không thích các loại thực phẩm cụ thể.
+ Khuyến khích con bày tỏ cảm xúc của mình một cách tự do và khuyến khích giao tiếp cởi mở trong nhà, trong gia đình.
+ Cho trẻ ăn khi đói và dừng lại khi trẻ đã thấy no.
+ Khuyến khích trẻ chơi đùa, vận động thể lực, thể dục thể thao dều đặn để nuôi dưỡng sự tự tin của cơ thể, việc này còn giúp trẻ chóng đói và vui vẻ sẽ ăn ngon miệng hơn.
+ Giúp trẻ phát triển đúng đắn những nhận thức quan trọng về hình ảnh và thông điệp mà trẻ nhận được từ truyền hình, tạp chí, internet và truyền thông xã hội để trẻ không bị những nhận thức lệch lạc như sợ béo, xu hướng thích ăn kiêng ở tuổi còn nhỏ.
+ Không quá nuông chiều hoặc ép buộc, nhồi nhét trẻ ăn.
+ Không dùng việc ăn của trẻ làm thành tích thưởng phạt.
+ Không để trẻ xao lãng bữa ăn bằng các hình thức giải trí như xem ti vi, chơi game, chạy nhảy trong bữa ăn.
+ Không cho trẻ bỏ bữa, tham gia chế độ ăn theo trào lưu hoặc thực hiện các chế độ ăn uống không phù hợp với trẻ em.
Những sai lầm các bà mẹ hay mắc phải trong việc thực hiện chế độ ăn cho trẻ biếng ăn
+ Tạo không khí ăn uống quá căng thẳng, thúc ép trẻ ăn.
+ Không tăng cường số bữa ăn cho trẻ mặc dù mỗi bữa trẻ ăn rất ít hoặc bỏ ăn.
+ Nấu loãng hơn bình thường (cho ít chất đạm, dầu mỡ hơn bình thường) khiến cho trẻ đã ăn ít hơn về lượng lại càng bị thiếu về chất.
+ Không cho hoặc cho quá ít dầu mỡ vào bát bột, cháo của trẻ gây thiếu năng lượng khẩu phần cho trẻ.
+ Không cho trẻ ăn tôm, cua, cá vì sợ trẻ tiêu chảy, hoặc khi trẻ có nhiễm khuẩn ho hay tiêu chảy. Chỉ trong những trường hợp cá, tôm, cua là nguyên nhân gây tiêu chảy như một biểu hiện của bệnh dị ứng ở một số cơ địa bị dị ứng đồ tanh.
+ Lựa chọn thực phẩm không phù hợp với lứa tuổi./.
CNĐD: Nguyễn Đức Vỹ - Khoa Dinh dưỡng