Chấn thương sọ não được định nghĩa là lực đập vào hộp sọ gây tổn thương nặng hay nhẹ ở da đầu, xương sọ, màng não, mô não
Dấu hiệu chấn thương sọ não ở trẻ
Trẻ bất tỉnh sau khi ngã. Thời gian bất tỉnh kéo dài hơn 01 phút
Trẻ vẫn tỉnh sau khi ngã nhưng một thời gian sau có những biểu hiện bất thường như: kích động, quấy khóc dữ dội, trẻ ngủ li bì, ngủ nhiều, lơ mơ, không tập trung...
Trẻ nôn mửa liên tục hoặc nôn mửa kéo dài
Thóp phồng, thóp căng lên, trẻ xanh xao, yếu đi
Trẻ bị chảy máu tại vùng bị va đập
Khi đó cần đưa trẻ đến ngay các cơ sở y tế lập tức để các bác sĩ tiến hành thăm khám, chẩn đoán và có phương án điều trị kịp thời.
Xử trí khi trẻ bị chấn thương sọ não
* Trường hợp trẻ vẫn tỉnh
- Trước tiên, cha mẹ phải bình tĩnh, không sợ hãi, la khóc, sẽ khiến trẻ hoảng sợ, trấn an trẻ.
- Hướng dẫn trẻ bị thương giảm thiểu mọi cử động ở đầu hoặc cổ.
- Nếu vết thương chảy máu nhiều nên băng vết thương lại để cầm máu.
- Ngay lập tức đưa trẻ đến bệnh viện để được các bác sĩ thăm khám.
* Trường hợp trẻ bất tỉnh
- Không di chuyển trẻ trừ khi trẻ đang trong tình trạng nguy cấp, bởi việc di chuyển có thể gây ra các biến chứng lớn hơn đối với chấn thương sọ não, cột sống hoặc những chấn thương có liên quan khác.
- Gọi xe cấp cứu và theo dõi đường thở và hô hấp của trẻ cho đến khi xe cấp cứu đến.
Phòng ngừa chấn thương sọ não ở trẻ em
- Với trẻ nhỏ (đặc biệt khi trẻ biết lật, bò, ngồi, mới tập đi): Luôn luôn có người trông và quan sát trẻ nhỏ, chú ý khi trẻ ở các khu vực dễ ngã như trên giường, cầu thang, cửa sổ, ban công…
- Dạy trẻ không xô đẩy và leo trèo những nơi nguy hiểm.
- Không nên để sàn nhà trơn trượt và ẩm ướt.
- Không nên chơi đùa nguy hiểm như tung trẻ.
- Không để trẻ nhỏ (dưới 10 tuổi) trông trẻ dưới 3 tuổi.
Lương Thị Hồng Tươi – Khoa Ngoại Nhi LCK