Thông tin mới nhất
Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 72
  • Hôm nay: 776
  • Trong tuần: 12 149
  • Tất cả: 1620073
CHẢY MÁU CAM Ở TRẺ

 

Chảy máu cam là tình trạng chảy máu ở trong mũi do vỡ mạch máu. Phần lớn chảy máu cam ở trẻ em xảy ra ở phần trước của mũi, nơi có nhiều mạch máu nhỏ và dễ bị tổn thương. Chảy máu cam có thể nhìn đáng sợ, tuy nhiên nó thường không phải là tình trạng nguy hiểm. Chảy máu thường xảy ra ở trẻ em, đặc biệt là lúc thời tiết khô.

Nguyên nhân chảy máu cam

Căn nguyên gây chảy máu cam ở trẻ em rất đa dạng, có thể được chia làm 2 nhóm: Tại chỗ và bệnh lý toàn thân.

 

Hình ảnh Internet

Tổn thương tại chỗ:

-  Tổn thương niêm mạc: Niêm mạc mũi giúp bảo vệ hệ thống mạch máu ở phía dưới, bất kì một nguyên nhân nào gây tắc nghẽn, khô, viêm đều có thể làm tăng nguy cơ chảy máu.

Viêm niêm mạc: Viêm niêm mạc mũi thường do một số nguyên nhân, bao gồm thay đổi độ ẩm, dị ứng, viêm đường hô hấp trên do vi khuẩn hoặc virus, viêm mũi mạn tính.

• Viêm mũi dị ứng: Đây là một căn nguyên khác thường gặp gây chảy máu mũi ở trẻ, hắt hơi, dụi mũi và điều trị bằng corticoid dạng xịt kéo dài có thể làm trầm trọng thêm tình trạng chảy máu cam ở trẻ.

• Nhiễm trùng: Viêm đường hô hấp trên do vi khuẩn hoặc vi rút, bao gồm viêm xoang, và các bệnh lý toàn thân kèm theo ngạt mũi dẫn tới viêm niêm mạc mũi đều làm tăng nguy cơ chảy máu.

-  Các chấn thương nhỏ gây chảy máu cam:

• Ngoáy mũi

• Xì mũi quá mạnh

• Chấn thương mũi

• Dị vật ở mũi

Ngoài ra, một số nguyên nhân hiếm gặp hơn bao gồm polyp mũi, dị dạng mạch máu, khối u vòm họng…

Bệnh lý toàn thân:

• Rối loạn đông máu: Rối loạn đông máu nên được nghĩ đến ở những bệnh nhân chảy máu cam tái phát, tự nhiên, kéo dài và khó cầm máu. Các rối loạn đông máu có thể bẩm sinh hoặc mắc phải gồm rối loạn tiêu cầu, yếu tố đông máu, tổn thương thành mạch.

• Tăng huyết áp: Tăng huyết áp tiên phát là một nguyên nhân hiếm gặp gây chảy máu cam ở trẻ em.

                                       

 

Nguồn ảnh internet

 

Khi trẻ bị chảy máu cam cần xử lý như thế nào?

• Bình tĩnh và trấn an trẻ

• Cho trẻ ngồi thoải mái, hơi cúi đầu về phía trước, không cho trẻ nằm xuống hoặc ngửa mặt lên trời để hạn chế tình trạng nôn do trẻ nuốt máu.

• Bảo trẻ thở ra bằng đường miệng. Bóp chặt 2 cánh mũi tầm 5-10 phút. Không dừng bóp cánh mũi để kiểm tra tình trạng chảy máu

• Không nhét khăn giấy hoặc gạc vào mũi trẻ

• Sau 10 phút, nếu chảy máu không cầm, nhắc lại các bước trên

Nếu chảy máu dừng, nhắc trẻ không được ngoáy mũi, xì mũi trong khoảng 2-3 ngày để các tổn thương mạch máu liền lại. Nếu tình trạng chảy máu không cầm, đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để được cầm máu.

Phòng bệnh

• Chạy máy tạo độ ẩm trong phòng ngủ của trẻ vào ban đêm nếu không khí trong nhà quá khô. Thường xuyên vệ sinh máy để hạn chế sự phát triển của vi khuẩn và nấm mốc.

• Dạy trẻ không ngoáy mũi hoặc không hỉ mũi quá mạnh

• Sử dụng nước muối sinh lý xịt hoặc nhỏ mũi theo hướng dẫn của nhân viên y tế

• Không hút thuốc trong nhà và xung quanh trẻ

Khi nào nên gặp bác sĩ nhi khoa

Các phụ huynh có con bị chảy máu cam cần cho con đi khám hoặc liên hệ ngay với bác sĩ khi:

• Bạn không thể giúp trẻ cầm máu

• Chảy máu mũi xuất hiện lại

• Đứa trẻ có chấn thương ở mặt, mũi

• Số lượng máu chảy nhiểu

• Đứa trẻ cảm thấy mệt, yếu, hoặc khó khăn khi thở

• Trẻ chẩy máu từ các bộ phận khác của cơ thể, như trong phân, nước tiểu, chân răng…

• Dị vật gây bít tắc đường mũi

BSCKI Lương Thị Lệ Quyên - Khoa HSSS

Họ tên no image
no image
Tiêu đề no image
Nội dung no image
Mã kiểm tra no image
Footer chưa được cập nhật nội dung hoặc chưa được duyệt !