Thông tin mới nhất
Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 3
  • Hôm nay: 95
  • Trong tuần: 6 131
  • Tất cả: 1383743
CHO BÉ ĂN DẶM ĐÚNG CÁCH

 

Khi trẻ tròn 6 tháng tuổi, cơ thể bé đã sẵn sàng cho việc đón nhận dinh dưỡng từ các thực phẩm khác ngoài sữa mẹ để chuẩn bị cho giai đoạn phát triển tiếp theo với nhiều hoạt động hơn.

Giai đoạn ăn dặm đánh dấu bước phát triển mới của bé, sự kiên nhẫn của mẹ sẽ giúp bé yêu sớm làm quen với giai đoạn này. Mẹ cần chú ý 5 nguyên tắc sau để việc ăn dặm của bé được tốt hơn.

1. Cho bé ăn dặm đúng thời điểm

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo mẹ chỉ nên bắt đầu cho bé ăn dặm từ khi được tròn 6 tháng tuổi, vì hệ tiêu hóa của bé lúc này mới phát triển tương đối  hoàn chỉnh để có thể hấp thu những thực phẩm đặc và phức tạp hơn sữa mẹ. Ăn dặm quá sớm có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh cho bé như:

+ Khiến cho bé dễ chán sữa mẹ nên bú ít đi, dẫn đến tính trạng thiếu hụt các dưỡng chất thiết yếu, quan trọng từ sữa mẹ. Điều này làm bé giảm sức đề kháng dễ bị ốm, tăng nguy cơ suy dinh dưỡng và ảnh hưởng nghiêm trọng đến quá trình phát triển.

+ Tăng nguy cơ mắc bệnh béo phì vì quen ăn nhiều hay được bồi bổ quá mức.

+ Bé dễ bị dị ứng thực phẩm do hệ tiêu hóa vẫn chưa hoàn thiện, đặc biệt là những bé có cơ địa nhạy cảm.

+ Thận và dạ dày của bé sẽ dễ bị tổn thương do phải hoạt động quá mức.

+ Trước 4 tháng tuổi, hệ tiêu hóa của bé còn chưa tiết đủ chất nhầy cũng như các enzyme để phân cắt đạm, chất béo thành các mảnh nhỏ để cơ thể dễ tiêu hóa. Vì thế thận buộc phải làm việc quá sức để xử lý thực phẩm giàu protein, lipid. Ngoài ra hệ tiêu hóa chưa đủ men để xử lý tinh bột và những thức ăn phức tạp khác nên trẻ dễ bị rối loạn tiêu hóa, táo bón hoặc tiêu chảy.

+ Khi chưa đủ 6 tháng tuổi, các cơ hàm, lưỡi, hầu, họng của bé chưa hoạt động phối hợp nhuần nhuyễn, đồng thời phản xạ nuốt cũng chưa được điều hòa, lưỡi chưa đẩy được thức ăn vào đúng đường tiêu hóa nên bé dễ bị sặc và nghẹn. Nguy hiểm là bé còn có thể bị tắc nghẽn đường thở do thực phẩm tràn vào, rất nguy hiểm

+ Dạ dày của bé dễ bị tổn thương do lớp niêm mạc bề mặt và lớp dịch nhầy còn mỏng nhưng lại phải co bóp mạnh mẽ, chịu sự cọ xát của thực phẩm. Đây có thể là một trong những nguyên nhân khiến bé mắc các bệnh lý về dạ dày trong tương lai.

+ Giấc ngủ luôn đóng một vai trò quan trọng trong quá trình phát triển của bé nhưng để dạ dày chứa lượng lớn thức ăn dặm sẽ khiến bé bị đầy bụng, khó tiêu, gây khó ngủ.

2. Cho bé ăn dặm từ loãng đến đặc, từ vị ngọt tới vị mặn

-  Từ vị ngọt đến vị mặn: Trong 6 tháng đầu đời, bé chỉ biết loại thức ăn duy nhất là sữa mẹ. Do đó, ở giai đoạn đầu của hành trình ăn dặm, mẹ nên dành thời gian cho bộ máy tiêu hóa của bé thích nghi dần bằng cách cho bé ăn dặm từ các món có vị ngọt trước, sau đó, mẹ có thể cho bé chuyển sang các loại bột có vị mặn như thịt, cá…

- Từ bột loãng đến bột đặc: Do dạ dày của bé cần thời gian thích nghi  với thực phẩm mới ngoài sữa mẹ, nên mẹ đừng quên nguyên tắc cho bé ăn từ loãng đến đặc. 

3. Cho bé ăn dặm từ ít đến nhiều

Bé cần được tập ăn một cách khoa học, hợp lý, ăn từ ít đến nhiều để giúp cho bộ máy tiêu hóa còn non nớt thích nghi.

4. Cho bé ăn dặm đúng cách từ một nhóm thực phẩm đến nhiều nhóm thực phẩm.

Giai đoạn tập cho bé ăn dặm là giai đoạn bé bắt đầu “khám phá” các mùi vị cũng như những thực phẩm khác nhau, mẹ cần kiên nhẫn tập cho bé ăn từng nhóm thực phẩm một để cho bé làm quen và đồng thời cũng là để thử xem cơ thể bé có bị dị ứng với thực phẩm đó hay không, có bị rối loạn tiêu hóa không.

Ngoài ra, để đảm bảo bữa ăn của bé luôn đầy đủ chất dinh dưỡng, mẹ nên kết hợp 4 nhóm thực phẩm sau theo tỷ lệ hợp lý:

a. Nhóm tinh bột: (gạo, khoai, yến mạch…): là nhóm thực phẩm cung cấp năng lượng hàng ngày cho bé.

b. Nhóm chất đạm: Chất đạm đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của bé, trong cơ thể, đạm sẽ cung cấp các axit amin cần thiết thúc đẩy sự tăng trưởng và phục hồi của tế bào.

c. Nhóm Vitamin (rau, củ và trái cây).

d. Nhóm chất béo: ngoài việc cung cấp năng lượng, còn là thành phần của màng tế bào và mô não, nhóm chất béo còn đóng vai trò quan trọng là dung môi giúp các vitamin A,D,E,K… hòa tan hấp thu vào cơ thể.

5. Không ép bé ăn

Khi mới tập ăn hoặc thử một thực phẩm mới, nếu bé đã “tỏ thái độ” không muốn ăn, mẹ không nên ép bé ăn mà thay vào đó có thể cho bé bú nhiều hơn. Vì đây vẫn là giai đoạn ăn dặm, nghĩa là chỉ bổ sung thực phẩm mới sữa mẹ vẫn là thức ăn chính của bé. Việc bị ép buộc ăn có thể khiến bé hình thành tâm lý tiêu cực với ăn uống, làm bé sợ hãi việc ăn dặm.

                              BSCKI Nguyễn Thị Thu Hiền- Phó Trưởng khoa Dinh dưỡng

Họ tên no image
no image
Tiêu đề no image
Nội dung no image
Mã kiểm tra no image