Dị vật tai mũi họng là một cấp cứu trong chuyên khoa tai mũi họng. Thông thường thì các trường hợp dị vật vùng tai mũi họng được khám và gắp dị vật dễ dàng và không để lại biến chứng gì nguy hiểm.
Trong tai mũi họng, ngoài các loại dị vật nguy hiểm như dị vật thanh khí quản, dị vật thực quản, còn một số loại dị vật phổ biến hơn, đơn giản hơn, ít nguy hiểm hơn và dễ điều trị hơn. Đó là các loại dị vật ở ống tai ngoài,ở hốc mũi và ở amydal. Các loại dị vật này thường cho những triệu chứng riêng biệt rất dễ phát hiện.
Đây là bệnh thường gặp ở trẻ em, thỉnh thoảng cũng thấy ở người lớn, đặc biệt người cao tuổi. Có 3 nơi dị vật có thể vào dễ dàng, đó là ống tai ngoài, hốc mũi và amydal. Mỗi vị trí có loại dị vật tương đối khác nhau về tính chất cũng như về thể tích
Dị vật ống tai ngoài
Vùng này thường có 3 loại dị vật khác nhau: Dị vật mềm, dẹp như mành giấy, mảnh bông gòn… Dị vật tròn như hạt tiêu, hạt chanh, viên bi xe đạp…Các loại dị vật sống và di động, kiến là dị vật thường gặp nhất trong ống tai…
Hiện có nhiều phương pháp để lấy dị vật ống tai, sự lựa chọn phương pháp tuỳ thuộc vào từng tình thế, trường hợp cụ thể, loại dị vật và kinh nghiệm của bác sĩ. Những cách lấy dị vật thường áp dụng như: bơm rửa bằng nước, dùng kẹp gắp, hoặc dụng cụ có móc khều, hoặc dùng ống catheter hút. Đa dị vật thì hiếm gặp, đặc biệt cần chú ý ở trẻ em nhỏ. Vì thế, tất cả các lỗ tự nhiên vùng đầu mặt nên được kiểm tra sau khi lấy dị vật ống tai ngoài. Thuốc kháng sinh nhỏ tai cần thiết ở những bệnh nhân có kèm viêm tai ngoài và những trường hợp có rách da ống tai ngoài hoặc chấn thương kèm theo. Nên đo thính lực đồ nếu nghi ngờ có chấn thương màng nhĩ hoặc giảm thính lực.
Dị vật mũi
Hốc mũi là nơi thuận tiện để trẻ đưa dị vật vào. Trẻ chơi đồ chơi tự nhét vào mũi mình, hoặc nhét vào mũi bạn mình.
Dị vật mũi thường có 3 loại:
- Dị vật mềm, dẹp như mành giấy, mảnh bông gòn… ;
- Dị vật tròn như hạt lạc, hạt vòng, hạt tròn các loại đồ chơi…
- Các loại dị vật sống và di động, đỉa là dị vật thường gặp nhất trong mũi. Tắm suối,tắm sông, tắm ao đỉa có thể dễ dàng vào mũi…
Trước khi lấy dị vật cần nhỏ Phenylephrine 0.5% ( Neo-synephrine) để làm giảm phù nề, và dùng lidocaine tại chỗ để giảm đau. Kỹ thuật lấy bao gồm: nhìn trực tiếp dùng kẹp gắp,móc cong…
Dị vật Họng
Thường gặp nhất là dị vật amydal, xương nhọn cắm vào amydal là bệnh thường thấy. Khi nuốt đồ ăn trong đó có xương nhọn, xương sẽ cắm vào amydan. Amydal càng quá phát xương càng dễ cắm vào. Khi vừa nuốt, xương cắm vào amydal bệnh nhân thấy đau nhói ở họng. Nếu là xương nhỏ không gây vướng nhiều. Nếu xương lớn,dài,vướng khó chịu, bệnh nhân cần đến cơ sở y tế khám ngay.
Bệnh nhân bị dị vật không gây tắc nghẽn đường thở hoặc tắc nghẽn không hoàn toàn thường có bệnh sử bị nghẹn, nuốt đau, nuốt khó, nói khó. Dị vật hạ họng cũng nên nghi ngờ ở những bệnh nhân có ho, thở rít, hoặc khàn tiếng mà không tìm được nguyên nhân.
Trẻ em có triệu chứng khó thở rít, tắc nghẽn đường thở một phần, cần hỏi cha mẹ hoặc người chăm sóc bé có bị nghẹn thở hay hít sặc bao giờ không. Trong những trường hợp này chẩn đoán nguyên nhân do dị vật hạ họng thì thường khó vì các triệu chứng xuất hiện trễ làm lu mờ các dấu hiệu mắc dị vật ban đầu.
Hình ảnh dị vật mũi trái ở bệnh nhi nữ 6 tuổi
là miếng đồ chơi nhựa dẻo
Phòng ngừa
Tuy đây là loại dị vật đơn giản, dễ xử trí nhưng các bậc cha mẹ cần phòng ngừa để tránh trẻ gặp phải. Nên cho các bé chơi đồ chơi lớn như: xe hơi, búp bê…cần tránh những vật sắc nhọn, tránh để các đồ chơi nhỏ ở tầm tay các bé, đồng thời cần sự theo dõi sát sao của người lớn. Khi ăn các thức ăn có xương cần loại bỏ kỹ xương và tránh nô đùa, cười nói khi ăn.
Khi bị các dị vật rơi vào tai mũi họng gia đình và bệnh nhân không nên tự ý cố gắng lấy dị vật, cần đưa trẻ đến các cơ sở y tế để bác sỹ thăm khám, chẩn đoán và xử trí kịp thời.
BS Nguyễn Thị Phương Thảo
ĐD La Thùy Linh - ĐD Cao Thị Xuyến
Khoa Ngoại Nhi LCK