Ảnh: Internet
Tiêu chảy là tình trạng đi ngoài phân lỏng hoặc toé nước ≥ 3 lần trong 24 giờ. Tiêu chảy cấp là tiêu chảy khởi đầu cấp tính và kéo dài không quá 14 ngày.
Biểu hiện đầu tiên của bệnh tiêu chảy ở trẻ em thường là đi tiêu phân lỏng nước, mùi hôi tanh. Bé có dấu hiệu mệt, quấy khóc nhiều, nôn. Trẻ thường xuyên thấy đau thắt bụng, khó ngủ khi bị bệnh tiêu chảy.
Nguyên nhân chủ yếu của bệnh tiêu chảy là do nhiễm trùng đường ruột. Bệnh gây ra bởi một số ký sinh trùng, vi khuẩn thâm nhập vào đường ruột. Vi khuẩn và ký sinh trùng có trong thức ăn ôi thiu và thực phẩm bẩn hoặc môi trường sống kém vệ sinh sẽ vào cơ thể theo đường tiêu hóa.
Vậy khi trẻ bị tiêu chảy nên ăn gì và không nên ăn gì?
1. Bù nước và điện giải
Tăng cường nước đủ 100- 150 ml/kg/ngày
* Dung dịch bù nước điện giải ORESOL: là dung dịch tốt nhất để bù nước – điện giải cho bệnh nhân mắc tiêu chảy
- Uống ngay sau khi pha.
- Trẻ < 2 tuổi cho uống từng ngụm bằng cốc, trẻ bé hơn uống bằng thìa.
- Nếu trẻ nôn, đợi 10 phút rồi tiếp tục cho uống, nhưng cho uống chậm hơn, uống từng thìa cách nhau 2 - 3 phút.
- Sau 24h nếu còn thừa thì đổ bỏ.
- Sau 4h đánh giá lại tình trạng mất nước nếu xuất hiện mất nước nặng (mất nước độ C) cần đưa trẻ đi bệnh viện để điều trị phục hồi nước và điện giải bằng đường tĩnh mạch (truyền dịch).
* Các loại ORS
- Gói loại to: ORESOL 27,9 gam, pha cả gói với 1 lít nước đun sôi để nguội.
- Gói loại nhỏ: ORESOL 4,1gam, pha cả gói với 200 ml nước đun sôi để nguội.
- Viên Hydrite 2,75gam, pha cả viên với 200ml nước đun sôi để nguội
* Các dung dịch thay thế ORESOL
- Nước sôi để nguội hoặc nước canh, nước dừa
2. Chế độ ăn trong tiêu chảy cấp
Tùy theo từng lứa tuổi của trẻ mà có các chế độ ăn khác nhau. Tuy nhiên chế độ ăn của trẻ hợp lý sẽ đều cung cấp đủ năng lượng và sớm giúp trẻ hồi phục đường tiêu hóa. Hạn chế các biến chứng sau tiêu chảy nhất là suy dinh dưỡng do thiếu protein năng lượng hay các hội chứng giảm hấp thu của ruột.
Nên cho trẻ ăn sớm khẩu phần ăn hàng ngày sau 4h - 6h sau bù nước và điện giải với khối lượng tăng dần. Nên lựa chọn những thức ăn :
- Dễ tiêu hoá, dễ hấp thu,
- Giàu đạm,
- Giàu vitamin A, giàu Zn,
- Giàu vitamin nhóm B (B1, B2),
- Giàu Kali
=> Giúp nhanh chóng phục hồi các tế bào niêm mạc ruột và chức năng tiêu hoá của ruột (thịt gà, thịt lợn nạc, gạo, cà rốt, khoai tây, chuối, hồng xiêm).
- Nếu trẻ còn bú mẹ: Phải tiếp tục cho trẻ bú vì sữa mẹ là nguồn thực phẩm vô cùng quý giá cho trẻ lúc này. Nếu trẻ bú sữa ngoài, vẫn tiếp tục cho bú bình thường.
- Trẻ không có sữa mẹ:
+ Cho trẻ ăn sữa công thức, cho trẻ ăn loại sữa mà trẻ ăn truớc đó.
+ Không pha loãng sữa, không sử dụng sữa ít hoặc không có đường lactose.
+ Sữa không có lactose: chỉ được sử dụng khi bệnh nhi có các triệu chứng không dung nạp lactose như: Chướng bụng, nôn, tiêu chảy phân nước gia tăng, viêm da quanh hậu môn.
- Trẻ trên 6 tháng tuổi: Thức ăn cần mềm, nấu kĩ, nấu loãng hơn bình thường và cho ăn ngay sau khi nấu để đảm bảo vệ sinh, giảm nguy cơ bội nhiễm, nếu phải cho trẻ ăn những thức ăn đã nấu sẵn thì cần phải đun lại trước khi cho ăn.
- Cho trẻ ăn thêm quả chín hoặc nước quả như: chuối, cam, xoài, đu đủ, hồng xiêm... để tăng thêm lượng kali, beta, caroten, vitamin C...
- Cho trẻ ăn thêm dầu mỡ, ăn thức ăn mềm và cho ăn ngay sau khi nấu để đảm bảo vệ sinh, giảm nguy cơ bội nhiễm, ăn thêm các loại quả chín hoặc nước quả như chuối, cam, chanh, xoài, nước dừa, đu đủ... để tăng lượng kali.
* Nên dùng các loại thực phẩm:
- Gạo tẻ, khoai tây, cà rốt
- Thịt nạc( lợn, gà..) vẫn cho đủ dầu mỡ
- Tăng cường bú mẹ
- Hồng xiêm, chuối chín
* Không nên dùng các loại thực phẩm:
- Nước ngọt công nghiệp
- Thức ăn nhiều đường
- Thức ăn nhiều xơ (măng…)
- Tinh bột nguyên hạt ( ngô, đỗ...)
Ảnh: Internet
* Số lượng thức ăn:
- Cần khuyến khích trẻ ăn càng nhiều càng tốt, trẻ nhỏ cho ăn 6 lần/ngày hoặc nhiều hơn.
- Sau khi khỏi tiêu chảy cho trẻ ăn bổ sung thêm 1 - 2 bữa phụ trong ngày trong 2 đến 4 tuần.
3. Phòng ngừa tiêu chảy
- Khuyến khích nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu và kéo dài đến 24 tháng.
- Ăn bổ sung cân đối, đúng cách, hợp lý.
- Đảm bảo vệ sinh trong lựa chọn, bảo quản, chế biến thực phẩm cho trẻ (bàn tay, dụng cụ): thường xuyên rửa tay bằng xà bông với nước sạch, nhất là trước khi ăn; trước khi chăm sóc bé, cho bé ăn; sau khi chế biến thức ăn, sau khi đi vệ sinh.
- Bảo đảm vệ sinh môi trường: Xử lý phân - nước - rác hợp vệ sinh.
- Dùng thuốc theo đơn, không lạm dụng kháng sinh.
Trong quá trình chăm sóc trẻ tại nhà, nếu thấy trẻ có những biểu hiện như: sốt cao, đau bụng, li bì, khó đánh thức, phân có nhầy, máu, trẻ nôn nhiều, đi ngoài nhiều lần phân tóe nước, mất nước nặng lên thì cha mẹ cần đưa trẻ đến ngay các cơ sở y tế để được điều trị kịp thời.
Đ.D. Trần Thị Tuyết – K. Truyền nhiễm