Mùa hè đến cũng là lúc chúng ta gặp hoặc nghe được trên các thông tin đại chúng những vụ tai nạn do đuối nước vô cùng thương tâm xảy ra, gây ra những nỗi đau tột cùng cho những gia đình có người bị nạn.
Trong các năm gần đây, tình trạng đuối nước ở trẻ em xảy ra khá phổ biến, đặc biệt là trong mùa hè. Dù đã có Chương trình phòng chống tai nạn thương tích nói chung và đuối nước nói riêng dành cho trẻ em, nhưng đuối nước vẫn là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu cho trẻ em ở nước ta. Thậm chí, số trẻ tử vong do đuối nước ở Việt Nam còn đứng đầu khu vực.
Có một số địa phương đã đưa việc tập bơi vào chương trình giáo dục bắt buộc, nhưng biết bơi vẫn không phải biện pháp an toàn 100% cho trẻ.
Các tình huống thường xảy ra đuối nước
Tai nạn do đuối nước có thể xảy ra trong các trường hợp: ngạt nước, những người không biết bơi ngã xuống nước, hoặc trẻ em ngã cắm đầu vào chậu nước hay bồn tắm; ngất đột ngột khi vừa tiếp xúc với nước; lặn sâu dưới nước khi hết hơi không ngoi lên kịp bị ngạt; bơi quá mệt, cơ thể mất nhiệt do nước lạnh, bị chuột rút rồi ngất đi…Hậu quả có thể dẫn tới các di chứng nặng nề hoặc tử vong ở trẻ.
Chính vì vậy, sơ cứu đuối nước là một phần vô cùng quan trọng để giảm tỷ lệ tử vong và di chứng sau đuối nước ở trẻ.
Cách sơ cứu trẻ đuối nước
Trẻ bị đuối nước sau khi đưa lên bờ dù tỉnh hoặc bất tỉnh, cần tiến hành cấp cứu tại chỗ ngay lập tức, luôn nhớ gọi thêm người giúp đỡ và cấp cứu :
- Đặt trẻ nằm ngửa trên sàn trong tư thế đầu thấp. Nếu trẻ bất tỉnh, cần tiến hành hồi sức tim phổi ngay.
- Cần đảm bảo lấy sạch đờm dãi và các dị vật ở miệng và mũi. Khi thực hiện, người cứu hộ cần hết sức bình tĩnh, không làm tổn thương thêm đường hô hấp của trẻ
- Quan sát lồng ngực của trẻ không còn di động cần thực hiện hô hấp nhân tạo bằng cách hà hơi thổi ngạt liên tục 2 lần.
- Ngay sau khi hô hấp nhân tạo cần kiểm tra mạch đập của trẻ tại một trong các vị trí như mạch quay ở cổ tay, mạch cảnh ở cổ và mạch bẹn hoặc sờ vào lồng ngực trái để cảm nhận xem tim còn đập không. Khi không bắt được mạch hoặc thấy tim ngừng đập cần tiến hành ép tim ngoài lồng ngực kèm theo hô hấp nhân tạo (Hai bàn tay chồng lên nhau và đặt giữa ngực trẻ, ấn mạnh xuống khoảng 2 - 3 cm với nhịp điệu 2 lần/giây).
- Cởi bỏ quần áo bị ướt và giữ ấm cho trẻ bằng chăn mền hoặc vải, áo quần khô. Hạ thân nhiệt cũng là một trong những nguyên nhân gây nguy hiểm đến tính mạng.
Đặc biệt KHÔNG xốc nước, vác trẻ chạy vòng vòng cho ra nước. Cách này không làm cho nước chảy ra ngoài mà nước từ dạ dày đi ra, đôi lúc nước còn chảy ngược vào phổi dẫn đến thiếu oxy, làm chậm cơ hội cứu sống trẻ.
Phòng đuối nước ở trẻ em như thế nào?
Ngoài việc sơ cứu kịp thời phòng tránh đuối nước là một giải pháp tối ưu trong việc giảm thiểu hậu quả:
- Cho trẻ tránh xa những nơi sông nước nguy hiểm.
- Trẻ em tắm biển, tắm sông nên mặc áo phao và phải có cha mẹ, người lớn trông coi.
- Lấp kín những ao hồ không cần thiết, làm nắp đậy chắc chắn cho giếng nước, lu chứa nước trong gia đình.
- Cha mẹ cần dạy trẻ em biết bơi và giải quyết các tình huống nguy hiểm có thể gặp phải khi tiếp xúc với nước. Dạy cho trẻ hiểu sự nguy hiểm khi tự ý tập bơi hay tắm sông suối khi không có sự canh chừng của người lớn.
- Nhà trường cũng cần dạy kỹ năng bơi cho trẻ như một chương trình bắt buộc trong môn học thể dục.
- Bên cạnh đó mọi người trong cộng đồng cần tìm hiểu kiến thức, kỹ thuật sơ cứu đúng cách để áp dụng kịp thời khi xảy ra trường hợp đuối nước.
- Cần cảnh báo trẻ về những nơi tiềm ẩn nguy cơ đuối nước như sông, suối, ao, hồ, những vùng nước sâu.
Để hạn chế tai nạn đuối nước cho trẻ em thì cần trách nhiệm và sự chung tay của toàn xã hội.
ĐD Trần Xuân Hoàn – Khoa HSCC