Thông tin mới nhất
Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 5
  • Hôm nay: 97
  • Trong tuần: 6 133
  • Tất cả: 1383745
Hướng dẫn cách chăm sóc và phòng ngừa bệnh viêm loét miệng

 

Viêm loét miệng ở trẻ em là tình trạng niêm mạc miệng (môi, má, lưỡi) của trẻ bị mất đi lớp màng nhầy bao phủ phía trên gây ra những vết loét bên trong khoang miệng. Hiện tượng này khiến trẻ khó chịu, quấy khóc và biếng ăn, miệng chảy nhiều nước dãi. Thậm chí, trẻ có thể bị sốt, nổi hạch cổ, nướu răng bị sưng và chảy máu. Đây là bệnh phổ biến ở trẻ nhỏ, dễ tái đi tái lại nhiều lần khiến cha mẹ lo lắng.

Nguyên nhân viêm loét miệng ở trẻ em

- Thức ăn cay, nóng khiến trẻ có thể bị nóng trong. Ngoài ra, thời tiết nắng nóng, kèm một số thực phẩm mùa hè dễ gây nhiệt, dẫn đến loét miệng.

- Vệ sinh răng miệng kém sẽ dễ dẫn đến các bệnh lý về răng, đồng thời tạo điều kiện cho các vi khuẩn gây bệnh phát triển và gây bệnh tại khoang miệng.

Nguồn hình ảnh Internet

- Tổn thương cơ học: Trẻ đánh răng chệch gây cọ xát làm tổn thương niêm mạc, ăn uống (trẻ ngậm phải vật sắc nhọn  như đũa, dĩa, xương…), hoặc vô tình cắn vào bên trong môi, má, làm rách và tổn thương niêm mạc vòm miệng.

- Thiếu vitamin và khoáng chất như các vitamin nhóm B, vitamin C, sắt, kẽm, hoặc axit folic.

- Nhiễm khuẩn: Trong không khí hoặc thức ăn của trẻ vô tình có các loại khuẩn kỵ khí, ái khí hoặc nấm cộng sinh sẽ làm cơ thể trẻ bị mất cân bằng sinh học.

- Dị ứng hoặc phản ứng thuốc: Dị ứng với một số các thuốc sát trùng mạnh hoặc các dung dịch vệ sinh miệng như nước súc miệng, kem đánh răng không phù hợp với lứa tuổi của trẻ gây tổn thương niêm mạc miệng.

- Suy giảm chức năng gan dẫn đến không thể lọc hết các độc tố có hại như asen hay chì., làm chúng tích tụ ở niêm mạc miệng.

- Hệ miễn dịch suy yếu: Chế độ ăn không đảm bảo cân bằng đủ các chất dinh dưỡng cũng như thường xuyên gặp tình trạng ốm yếu, bệnh tật sẽ tạo điều kiện cho các vi khuẩn xâm nhập hệ miễn dịch của trẻ, gây tổn thương ở miệng.

Chăm sóc trẻ khi bị viêm loét miệng

Từ những nguyên nhân trên, cha mẹ có thể giúp trẻ phòng tránh cũng như chăm sóc con khi bị viêm loét miệng bằng những biện pháp sau:

- Ăn thức ăn dạng lỏng, dễ nuốt như cháo, súp, sữa và nêm nếm nhẹ nhàng để hạn chế tình trạng trẻ phải vận động khoang miệng, ảnh hưởng vết thương. Ngoài ra nên chia nhỏ bữa ăn và cho trẻ ăn từ từ, uống nhiều nước. Nên hạn chế tối đa các món mặn, cay, nóng, chua, nước có ga. Đối với trẻ đang bú mẹ, người mẹ cần hạn chế những thực phẩm và gia vị cay nóng, cho trẻ bú mẹ theo nhu cầu.

- Vệ sinh răng miệng: Đối với trẻ dưới 1 tuổi, sử dụng miếng gạc chuyên dùng cho trẻ hoặc vải mềm nhúng vào nước ấm sạch hay nước muối sinh lý, sau đó lau nhẹ nhàng. Đối với trẻ từ 1 - 5 tuổi đã có thể cho trẻ đánh răng ít nhất 2 lần/ngày vào sáng và tối, với một chút kem đánh răng dành riêng cho trẻ (một lượng kem đánh răng nhỏ bằng hạt đậu là đủ).

- Thay đổi bàn chải: Các bàn chải lông mềm, kích thước thiết kế thích hợp với răng trẻ sẽ tránh đánh vào vết loét miệng.

- Súc miệng: Cho trẻ súc miệng bằng nước ấm, nước muối  sinh lý 0,9% hoặc bằng baking soda ít nhất 4 lần mỗi ngày cho đến khi các vết nhiệt miệng lành hẳn.

- Sử dụng thuốc: Mẹ có thể tìm mua các loại thuốc và gel trị nhiệt miệng. Nếu trẻ dưới 4 tuổi hoặc có thể trạng nhạy cảm với các thành phần thuốc, mẹ nên tham vấn ý kiến dược sĩ hoặc bác sĩ trước khi cho con sử dụng.

Nếu tình trạng viêm loét miệng của trẻ không đỡ hoặc trẻ đau nhiều, cha mẹ nên đưa trẻ đến các cơ sở y tế có chuyên khoa Nhi để được thăm khám sớm.

Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Lào Cai là bệnh viện chuyên ngành nhi khoa với đội ngũ bác sỹ chuyên khoa sâu, giàu kinh nghiệm cùng đầy đủ trang thiết bị, đây là nơi tiếp đón khám và điều trị bệnh an tâm cho mọi gia đình.

                                                          ĐD Phạm Thị Hạnh – Khoa Truyền nhiễm

Họ tên no image
no image
Tiêu đề no image
Nội dung no image
Mã kiểm tra no image