I. Tổng quan
Lọc máu liên tục thuộc kỹ thuật chuyên sâu trong y học, được Kramer và cộng sự mô tả lần đầu tiên vào năm 1977 với : Một catheter được đặt vào động mạch đùi để lấy máu ra cho đi qua một quả lọc rồi đưa trở về tĩnh mạch. Nhờ độ chênh áp lực động-tĩnh mạch mà máu vận chuyển được trong hệ thống lọc và tạo được áp lực siêu lọc giúp lấy bỏ nước và các chất hòa tan.
Kỹ thuật này ngay lập tức được chấp nhận rộng rãi trong ICU. Năm 1979, kỹ thuật lọc máu tĩnh mạch-tĩnh mạch liên tục (Continuous Veno-Venous Hemofiltration – CVVH) được áp dụng lần đầu tiên cho 1 ca suy thận cấp sau mổ tim ở Cologne, Đức. Thể tích dịch và chất hòa tan lấy ra có thể kiểm soát được. Những năm 1980: một số cải tiến về kỹ thuật và phương thức lọc máu đã được áp dụng. Năm 1982: kỹ thuật CAVH được FDA của Mỹ công nhận. 1990-2000: phát triển những kỹ thuật mới, phương thức mới và áp dụng liều đủ cho CRRT. Từ năm 2000 đến nay: đưa ra khái niệm liệu pháp hỗ trợ đa tạng (MultiOrgan Support Therapy – MOST).
I.1. Nguyên lý
Lọc máu liên tục dựa vào nguyên lý đối lưu và màng bán thấm cho phép loại bỏ những hóa chất có trọng lượng phân tử từ thấp đến trung bình ra khỏi máu bệnh nhân có hội chứng suy đa cơ quan như TNFα, IL1, IL5,IL6, IL8 – đây là những hóa chất trung gian gây đáp ứng viêm toàn thân, cũng như loại bỏ những chất độc trong cơ thể như urê, Creatinin, đảm bảo cân bằng điện giải, đặc biệt cải thiện tình trạng tăng kali máu. Lọc máu liên tục có thể áp dụng trên bệnh nhân nhỏ tuổi có cân nặng thấp và/hoặc huyết động học không ổn định. Chế độ thường sử dụng là lọc máu liên tục tĩnh mạch.
Lọc máu liên tục là tập hợp các phương thức điều trị: Nhằm lọc bỏ ra khỏi máu (làm sạch) một cách liên tục và chậm rãi các chất độc (nội sinh hoặc ngoại sinh), dịch và điện giải …
Lọc máu liên tục còn có các tên gọi khác như:
- Liệu pháp thay thế thận liên tục (Continuous Renal Replacement Therapy – CRRT).
- Liệu pháp hỗ trợ đa tạng liên tục (Continuous Supportive Multiorgan Therapy – CSMT)
I.2. Hoạt động
* Lọc máu liên tục hoạt động theo cách:
- Lấy máu BN ra từ tĩnh mạch lớn qua catheter
- Lọc bỏ “chất độc” bằng màng bán thấm (filter): –Khuếch tán – thẩm tách: diffusion - dialysis –Siêu lọc: ultrafiltration –Đối lưu: convection –Hấp phụ: adsorption
- Trả máu về cho BN qua catheter (2 nòng)
- Thực hiện bằng: máy lọc máu liên tục
* Trong sốc nhiễm khuẩn lọc máu có vai trò quan trọng:
- Lọc sạch máu: lấy bỏ các chất trung gian tiền viêm (proinflammatory mediators) như: LPS, IL1, IL6, IL8, TNFα, PAF…
- Hỗ trợ trong điều trị suy đa cơ quan
- Cân bằng dịch – điện giải – kiềm toan
II. Chỉ định của lọc máu liên tục
1. Nhiễm trùng huyết: suy đa cơ quan theo tiêu chuẩn Goldstein (từ 2 cơ quan trở lên).
2. Sốt xuất huyết: suy thận cấp + ARDS/tổn thương gan + glasgow > 8.
3. Sốc phỏng ở bệnh nhân phỏng độ II, III, diện tích phỏng 30-70%.
4. Bệnh lý khác có suy đa cơ quan: viêm tụy cấp, ong đốt, rắn cắn.
5. Suy thận cấp kèm huyết động không ổn định và một trong những tiêu chuẩn sau đây:
a. Rối loạn điện giải, kiềm toan mà không đáp ứng điều trị nội khoa:
• Tăng kali máu nặng > 7mEq/L.
• Rối loạn Natri máu nặng đang tiến triển ([Na] > 160 hay < 115 mmol/L)
• Toan chuyển hóa nặng không cải thiện với bù Bicarbonate (pH < 7,1).
b. Hội chứng urê huyết cao:
• Rối loạn tri giác, ói, xuất huyết tiêu hóa và
• Urê máu > 200 mg% và/hoặc Creatinin máu ở trẻ nhỏ > 1,5 mg% và trẻ lớn > 2mg%.
6. Bệnh tay chân miệng nặng độ 3 hoặc độ 4 đang thở máy kèm 1 trong các tiêu chuẩn sau
a. Hôn mê + sốc không đáp ứng với các biện pháp chống sốc sau 2 giờ.
b. Hôn mê + sốt cao liên tục thất bại với tất cả các biện pháp điều trị hạ sốt tích cực.
c. Nhịp tim nhanh > 180 l/P (không sốt) + da nổi bông dù huyết áp bình thường hoặc tăng.
Hiện nay bệnh viện Sản Nhi Lào Cai đã được trang bị máy lọc máu với các phụ kiện đi kèm hiện đại và tiên tiến nhất đáp ứng lọc máu được cho mọi bệnh nhân bao gồm cả người lớn và trẻ em.
Thiết bị lọc máu hiện đại được trang bị tại BV Sản Nhi
Về nhân lực: bệnh viện cũng đã cử 02 kíp (2 bác sỹ, 04 điều dưỡng) tham gia học tập tại bệnh viện nhi trung ương, đã hoàn thành khoá học, được cấp chứng chỉ và làm chủ được kỹ thuật. Trong tương lai sẽ có nhiều bệnh nhân nặng cần can thiệp lọc máu, lọc thận không còn phải chuyển tuyến điều trị gây vất vả, tốn kém cho người bệnh và gia đình người bệnh.
BS. Bàn Văn Hà – Khoa Hồi sức cấp cứu