Sốt xuất huyết Dengue là một bệnh truyền nhiễm cấp tính, gây dịch, virus được truyền từ người bệnh sang người lành do muỗi đốt. Vì vậy, các bậc cha mẹ cần biết một số biểu hiện sốt xuất huyết ở trẻ em để kịp thời phát hiện, đưa trẻ đi khám và điều trị kịp thời, tránh xảy ra biến chứng nghiêm trọng.
Các dấu hiệu cảnh báo bệnh ở trẻ
Thông thường, bệnh khởi phát với biểu hiện sốt cao đột ngột ở những trẻ trước đó hoàn toàn khỏe mạnh. Sốt kéo dài 2-7 ngày kèm theo các biểu hiện: đỏ phừng mặt, da xung huyết, đau nhức cơ, đau khớp, đau đầu. Trong một số trường hợp, trẻ xuất hiện đau họng, viêm kết mạc mắt, mệt mỏi, buồn nôn và nôn. Trẻ có thể có kèm triệu chứng ho sổ mũi hay tiêu chảy. Vào thời điểm này, những triệu chứng bệnh thường không đặc hiệu, không thể phân biệt với các loại sốt do virus khác....
Phụ huynh cần theo dõi và phát hiện sớm dấu hiệu bệnh trở nặng hay dấu hiệu cảnh báo để cho trẻ nhập viện cấp cứu kịp thời (thường vào các ngày thứ 3 đến thứ 7 của bệnh ngay cả khi trẻ đã hết sốt). Cho trẻ khám lại ngay khi có một trong các dấu hiệu sau:
+ Trẻ nôn trớ nhiều, đau bụng
+ Bứt rứt, quấy khóc, li bì
+ Chân tay lạnh, tím tái, vã mồ hôi
+ Chảy máu mũi, chảy máu chân răng, chảy máu lợi
+ Nôn ra máu, đại tiện phân đen....
Nên nhập viện sớm ở một số cơ địa đặc biệt như trẻ nhũ nhi (từ 1 tháng tuổi đến 1 năm tuổi), béo phì, trẻ mắc bệnh mãn tính (tim mạch, thận, suyễn…), trẻ ở quá xa bệnh viện, không có điều kiện tái khám, người nhà lo lắng..
Cách chăm sóc trẻ bị sốt xuất huyết tại nhà
Hầu hết trẻ bệnh sốt xuất huyết có thể theo dõi và chăm sóc tại nhà. Phụ huynh có thể chăm sóc, theo dõi trẻ tại nhà theo các cách sau:
- Hạ sốt đúng cách: cho trẻ uống thuốc hạ sốt, lau mát cho trẻ bằng nước ấm để tránh biến chứng sốt cao gây co giật.
- Đảm bảo chế độ dinh dưỡng hợp lý và bù nước cho trẻ:
+ Cho trẻ uống nhiều nước: nước lọc, nước đun sôi để nguội, nước quả (cam, chanh, dừa tươi), nước canh, nước cháo và nên uống thêm oresol.
+ Cho trẻ ăn đồ ăn loãng nhưng giàu dinh dưỡng dễ tiêu hóa như cháo, súp, sữa…
Cách phòng tránh sốt xuất huyết
Tính đến thời điểm hiện tại, Việt Nam vẫn chưa có biện pháp điều trị đặc hiệu và vắc xin phòng bệnh sốt xuất huyết. Biện pháp phòng bệnh đang được áp dụng là chủ động kiểm soát các loại côn trùng trung gian truyền bệnh, như diệt bọ gậy (lăng quăng), tiêu diệt muỗi trưởng thành, tránh để muỗi đốt, vệ sinh môi trường sống, loại bỏ các ổ chứa nước lắng đọng. Hãy thực hiện những điều sau đây để bảo vệ sức khỏe của bé yêu, phòng chống căn bệnh sốt xuất huyết nguy hiểm.
Cha mẹ có thể loại bỏ nơi sinh sống và sinh sản của muỗi, tiêu diệt lăng quăng/bọ gậy bằng cách:
- Đậy kín các dụng cụ có chứa nước, để muỗi không thể vào đẻ trứng;
- Thả cá vào các dụng cụ đựng nước dung tích lớn (bể, giếng, chum, vại...) để cá ăn hết lăng quăng/bọ gậy nếu có. Các loại cá nên lựa chọn là cá bảy màu, cá sóc, cá rô phi, cá chép, cá lê Argentina,...
- Vệ sinh tất cả các dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ (lu, khạp...) hàng tuần;
- Thu gom, vứt bỏ các vật dụng, phế liệu trong nhà và xung quanh nhà, chẳng hạn như chai, lọ, mảnh vỡ vỏ chai, mảnh lu vỡ, ống bơ, vỏ quả dừa, lốp xe, vỏ xe cũ, hốc tre,...
- Vệ sinh môi trường sinh sống, lật úp các vật dụng chứa nước khi chưa dùng đến;
- Bỏ muối hoặc dầu vào bát nước kê chân chạn/tủ đựng chén bát, thay nước bình hoa/bình bông
Cách phòng chống muỗi đốt cho trẻ:
- Cho trẻ mặc quần áo dài tay;
- Ngủ trong màn, giăng mùng, kéo rèm (kể cả ban ngày)
- Sử dụng bình xịt diệt muỗi, nhang hương chống muỗi, kem xua muỗi, vợt điện diệt muỗi,..
- Phòng chống muỗi vằn là kim chỉ nam giúp giảm thiểu tỷ lệ bệnh nhi sốt xuất huyết
Bên cạnh đó, gia đình cần tích cực phối hợp với cấp chính quyền và ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết định kỳ để phòng tránh bệnh sốt xuất huyết cho gia đình của mình.
BS. Nguyễn Thị Thêu - Khoa Truyền Nhiễm – BV Sản Nhi Lào Cai