Chun mũi, nháy mắt là những hành động đáng yêu của trẻ nhỏ. Nhưng nếu những hành động này lặp đi lặp lại nhiều lần trong ngày thì rất có thể con bạn đã mắc chứng rối loạn TIC hay còn gọi là “tật máy giật”. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này chúng ta cùng nhau tìm hiểu xem vậy chứng rối loạn TIC là gì?
TIC là những vận động hoặc âm thanh không hữu ý, xuất hiện nhanh, đột ngột, tái diễn, không có nhịp điệu (thường bao gồm những nhóm cơ hạn chế). Các biểu hiện tic được cảm nhận như không thể cưỡng lại được, nhưng thực tế có thể bị dừng lại một cách hữu ý trong một thời gian ngắn, tùy thuộc hoàn cảnh, thường mất đi trong lúc ngủ.
Các rối loạn của TIC
- TIC vận động đơn giản: thường gặp ở một nhóm cơ nào đó. Các triệu chứng đó như: nháy mắt, vẹo cổ, nhún hoặc xoay vai, nhăn mặt, vận động một số cơ ở vùng miệng, cổ, chân tay…
- TIC vận động phức tạp: thường gặp ở nhiều nhóm cơ và tạo thành các vận động, các cử chỉ phức tạp như tự đánh mình, nhảy lò cò, một số động tác phối hợp tay…
- TIC âm thanh đơn giản: là khi trẻ thường phát ra những âm thanh bất thường như: hắng giọng, khụt khịt mũi, tiếng rít, ho, thở dốc...
- TIC âm thanh phức tạp: thường gặp sự lặp lại của một vài từ đặc biệt, đôi khi là những từ mà xã hội không chấp nhận (nói tục) hoặc lặp lại các âm hoặc từ của mình.
Nguyên nhân
- Nguyên nhân gây ra rối loạn tic hiện tại vẫn chưa xác định được.
- TIC có liên quan đến một số yếu tố như sang chấn tâm lý, lo âu, hưng phấn hoặc mệt mỏi. Tic cũng thường giảm khi có những hoạt động lôi cuốn sự tập trung chú ý như chơi nhạc cụ, tập luyện thể dục, đọc to…
(Nguồn internet)
Điều trị TIC như thế nào?
- Phần lớn trẻ mắc tic vận động đơn giản nhất thời không cần phải điều trị.
- Quyết định bắt đầu điều trị dựa vào mức độ trầm trọng của triệu chứng TIC như biểu hiện TIC ít nhất từ mức độ trung bình trở lên và TIC gây ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt hàng ngày, sự tự tin, các mối quan hệ cá nhân với các thành viên trong gia đình, bạn bè và các thày cô giáo) và khả năng thực hiện các nhiệm vụ của trẻ ở trường học...
- Thêm vào đó, vì triệu chứng tic thay đổi lúc giảm đi, lúc tăng lên, nên tốt nhất là bắt đầu quá trình điều trị bằng liệu pháp tâm lý giáo dục và thích ứng cuộc sống trước khi quyết định sử dụng thuốc.
Lời khuyên về chế độ ăn và lối sống
- Không có chế độ ăn đặc biệt nào có hiệu quả cho TIC, nhưng một chế độ ăn cân đối, nâng cao sức khỏe có thể góp phần tạo sự thoải mái và giảm được stress. Các chất kích thích như Caffeine nên được hạn chế tối đa vì có thể làm tăng tic ở một số trẻ.
- Tập thể dục đều đặn hằng ngày có thể làm giảm các triệu trứng của TIC.
BS Trịnh Lệ Quyên – P. TCHC