Thông tin mới nhất
Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 4
  • Hôm nay: 147
  • Trong tuần: 6 183
  • Tất cả: 1383795
RÔM Ở TRẺ SƠ SINH

Rôm hay còn gọi là Miliaria rất hay gặp ở trẻ sơ sinh và gây ra nhiều vấn đề phiền toái cũng như lo lắng cho gia đình trẻ. Cách xử lý thường đơn giản, các bậc cha mẹ hãy cùng tìm hiểu bên dưới nhé.

          Trước hết hãy xem giải phẫu cấu trúc da của trẻ

Tuyến mồ hôi hay còn gọi là tuyến Eccrine, tuyến này đổ trực tiếp lên bề mặt da. Rôm (miliaria) là tình trạng tắc tuyến Eccrine, tùy theo mức độ tắc mà phân loại rôm ra làm 4 loại: rôm tinh thể, rôm đỏ, rôm sâu và rôm mủ.

Trẻ em và đặc biệt là trẻ sơ sinh hay bị rôm nhất vì tuyến eccrine chưa trưởng thành, dễ bị bít tắc. Ngoài da tình trạng quấn quá mức đặc biệt mùa hè, bôi nhiều loại dưỡng ẩm băng bít, nằm trong phòng quá nóng, độ ẩm cao là nguyên nhân gây rôm .

Phân loại rôm ở trẻ em và biểu hiện

Rôm tinh thể là tình trạng tắc rất nông của tuyến eccrine, ngay gần chỗ đổ của tuyến lên bề mặt da, biểu hiện là những mụn nước trong kích thước rất nhỏ 1-2mm, đặc biệt hay bị vùng thân trên, đầu mặt của trẻ sơ sinh dưới 2 tuần tuổi. Và vì ở rất nông nên không có phản ứng viêm, mụn nước trông giống như những giọt nước, dễ vỡ, thường sẽ tự hết trong vài ngày khi lớp da bên ngoài bị chà xát.

Rôm đỏ hay gặp nhất, là tình trạng tắc tuyến eccrine sâu hơn rôm tinh thể, ở lớp biểu bì của da, vì ở sâu nên sẽ có hiện tượng viêm, biểu hiện là các sẩn đỏ lớn hơn, thường tập trung vùng cổ, nách, bẹn, thường sẽ ko xuất hiện vùng mặt. Trẻ sẽ rất khó chịu, có thể có ngứa và đau thường sẽ quấy khóc và bứt rứt.

 

Rôm sâu là tình trạng tắc ở vị trí hạ bì của tuyến eccrine, biểu hiện là những sẩn lớn, có màu thịt, không nằm ở trung tâm nang lông , biểu hiện thông thường của trẻ có thể là cực kỳ ngứa (trẻ quấy khóc, không ngủ, vặn mình liên tục) hoặc cũng có thể không có biểu hiện gì.

Rôm mủ là một dạng khác của rôm đỏ, nó thường là vô trùng nhưng đôi khi bị nhiễm trùng thứ phát, thường là do tụ cầu. Biểu hiện là những mụn mủ kích thước nhỏ, nông, do vô trùng nên thường không cần điều trị bằng kháng sinh

         

Tình hình thực tế rôm rất hay gặp ở trẻ sơ sinh ở Việt Nam, do nước ta là một nước nhiệt đới, mùa hè rất nóng và ẩm,  phong tục tập quán kiêng cữ quá khắt khe ở trẻ sơ sinh dẫn đến nhiều trường hợp các bé bị rôm nặng, biến chứng nhiễm khuẩn.

Phòng ngừa rôm cho trẻ

Để phòng ngừa cũng như điều trị rôm rất đơn giản: tạo môi trường thoáng mát cho trẻ, có thể nằm  phòng điều hòa (nhiệt độ phù hợp), quấn vừa phải,  mặc quần áo thoáng chất liệu thấm hút như cotton, không mặc bó sát người. Tắm bằng xà phòng có tính acid nhẹ (như lactacid) giúp tẩy nhẹ nhàng các chất băng bít trên bề mặt. Muốn biết con bạn có bị nóng không hãy sờ gáy trẻ, nếu có mồ hôi thì chắc chắn trẻ đang bị nóng, hãy cởi bớt quần áo hoặc hạ nhiệt độ điều hòa xuống. Ngoài ra,  trẻ sơ sinh thường có rất nhiều loại ban trên da, nếu bạn không chắc đó có phải là rôm không hãy thử cho bé vào phòng mát, đa số rôm sẽ biến mất.

Trong trường hợp các biểu hiện trên không cải thiện, bạn cần đưa con đến Bệnh viện sản nhi Lào Cai để được khám và tư vấn. Với đội ngũ bác sỹ chuyên khoa Nhi có trình độ chuyên sâu,  giàu kinh nghiệm cùng trang thiết bị y tế hiện đại, Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Lào Cai chính là địa chỉ tin cậy trong chăm sóc sức khỏe nhi khoa.

Bs Lê Thị Hạnh - HSSS

Họ tên no image
no image
Tiêu đề no image
Nội dung no image
Mã kiểm tra no image