Áp xe vú là căn bệnh nhiễm trùng thường gặp ở phụ nữ, nhất là sau khi sinh đẻ và đang cho con bú. Áp xe vú khi cho con bú là tình trạng ứ đọng sữa bị nhiễm trùng trong mô vú, bệnh thường do vi khuẩn gây ra trong đó hay gặp nhất là tụ cầu, liên cầu. Vi khuẩn gây bệnh có thể xâm nhập trực tiếp vào tuyến vú từ trên da vào tuyến vú qua các ống dẫn sữa hoặc các vết sây sát ở núm vú và vùng quầng vú hay vi khuẩn từ một ổ nhiễm khuẩn ở nơi khác trong cơ thể qua đường máu hoặc đường bạch huyết đến gây áp xe vú.
Nguồn hình ảnh Internet
Thời điểm nào dễ áp xe vú nhất với các bà mẹ cho con bú
- Trong tháng đầu cho con bú sau lần mang thai đầu tiên do chưa có kinh nghiệm và vệ sinh không đúng cách nên núm vú dễ bị tổn thương hơn.
- Sau khi trẻ mọc răng làm tăng khả năng chấn thương vú.
- Khi cai sữa vũ dễ bị căng sữa.
Nguyên nhân thường gặp dẫn đến tắc tuyến sữa sau sinh
- Dư thừa sữa mẹ:
Nhiều trường hợp tắc ống dẫn sữa do sữa mẹ còn dư thừa trong bầu ngực vì bé bú không hết hoặc mẹ không hút hết phần sữa còn lại sau khi bé đã bú no, dẫn đến sữa ứ đọng lại gây tắc nghẽn.
- Ngực chịu áp lực:
Chẳng hạn như mặc áo ngực quá chật, bó sát hoặc mang địu bé trước ngực khiến tia sữa bị tắc. Ngoài ra, tư thế nằm sấp khi ngủ cũng có thể gây ra tình trạng này.
- Mẹ không cho bé bú thường xuyên:
Nếu không cho bé bú thường xuyên hoặc không hút hết sữa ra ngoài trong khoảng 5-24 giờ sẽ gây ra tình trạng tắc tuyến sữa.
- Bé ngậm vú mẹ sai cách:
Khi không ngậm bắt vú mẹ đúng bé sẽ không bú đủ lượng sữa mẹ được sản xuất ra, khiến sữa mẹ vẫn còn ứ đọng trong bầu ngực chính là nguyên nhân dẫn đến tắc tia sữa.
- Mẹ ít hút sữa ra ngoài:
Nếu ít hút sữa hoặc hút không hết lượng sữa còn ứ đọng trong bầu ngực có thể gây ra tình trạng tắc ống dẫn sữa. Một số trường hợp lực hút của máy hút sữa quá yếu, không thể hút hết sữa ra ngoài cũng dẫn đến tình trạng này.
- Căng thẳng và stress:
Yếu tố tâm lý cũng ảnh hưởng trực tiếp đến việc sản xuất sữa mẹ, nếu mẹ quá căng thẳng sẽ làm chậm quá trình sản sinh oxytocin – một loại hormone có nhiệm vụ kích thích vú tiết sữa. Tình trạng này thường gặp ở những chị em lần đầu làm mẹ khi chưa thích nghi với cuộc sống có thêm thành viên mới.
Biểu hiện khi bị áp xe vú khi cho con bú
* Không tiết sữa hoặc tiết sữa rất ít, kể cả khi mẹ chủ động vắt sữa.
* Ngực càng lúc càng căng cứng và to hơn, đi kèm với cảm giác đau nhức.
* Sờ vào đầu vú cảm giác có một hoặc nhiều cục cứng.
* Khối u ở vú sưng, đỏ, đau, di động được
* Một số trường hợp gây sốt, hạch nách to
Biến chứng nguy hiểm của áp xe vú
Nếu phát hiện sớm và điều trị tích cực thì đa phần bệnh khỏi nhanh không để lại biến chứng gì. Nếu để tình trạng này kéo dài, có thể gây ra các ảnh hưởng tới sức khỏe như:
* Mất chức năng tiết sữa
* Nhiễm trùng lan rộng
* Hoại tử vú
Áp xe vú là một bệnh không nghiêm trọng nếu mẹ phát hiện sớm và điều trị kịp thời thì sẽ không ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của mẹ và con. Khi có những dấu hiệu tắc tia sữa các mẹ hãy đến ngay cơ sở y tế uy tín để được khám tư vấn và điều trị kịp thời.