Tại sao cần phải chăm sóc rốn cho trẻ sơ sinh?
Rốn là con đường di chuyển các chất dinh dưỡng và oxy từ bánh nhau của người mẹ đến thai nhi và dây rốn cũng sẽ được nối thẳng vào gan của trẻ. Cuống rốn là một vết thương hở nên nếu không được chăm sóc đúng cách thì sẽ rất dễ bị nhiễm trùng, đây là một tình trạng rất nguy hiểm vì có thể gây biến chứng nhiễm trùng máu cho trẻ nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời.
Chăm sóc rốn ngay sau khi trẻ được sinh ra
1. Vệ sinh vùng rốn của trẻ
Sau khi chào đời, dây rốn sẽ được kẹp lại để giữ cuống rốn sạch sẽ. Nếu kẹp rốn bị hở hoặc bị rơi ra, ba mẹ phải chú ý vệ sinh khu vực rốn trẻ ít nhất 1 lần/ngày. Sử dụng khăn mềm, nhẹ nhàng lau vùng rốn của trẻ.
2. Cẩn thận khi tắm cho trẻ
Nhiều người cho rằng ba mẹ chỉ nên lau người chứ không nên tắm trẻ cho đến khi rốn rụng. Tuy nhiên, việc tắm rửa cho trẻ không gây hại gì, miễn là bạn giữ cho cuống rốn khô và tránh chạm vào nước. Nếu cuống rốn bị ướt sẽ lau khô bằng khăn mềm.
3. Cẩn thận khi mặc quần áo cho trẻ
Quấn tã phía dưới rốn, giữ cho cuống rốn khô. Khi tiếp xúc với không khí, cuống rốn sẽ mau khô. Chú ý chăm sóc vùng rốn khi mặc quần áo và giữ cho vùng rốn hở càng nhiều càng tốt.
4. Để cuống rốn rụng tự nhiên
Nếu đã qua một thời gian mà cuống rốn vẫn chưa rụng, ba mẹ cũng đừng quá lo lắng. Đôi khi, cuống rốn sẽ rụng khá trễ. Trong trường hợp này, ba mẹ vẫn chờ để cuống rốn rụng tự nhiên chứ không nên tác động lên nó. Nếu tại vị trí cuống rốn có dấu hiệu bất thường như chảy máu, chảy nước vàng, ba mẹ hãy đưa trẻ đến gặp bác sĩ để được thăm khám và nhận sự tư vấn đúng đắn.
Nguồn hình ảnh Internet
5. Tã phải được gấp dưới rốn
Không nên dùng gạc thường hoặc tã để băng rốn cho trẻ vì việc băng rốn nếu không được dùng bằng các sản phẩm đã được tiệt khuẩn thì sẽ tạo điều kiện làm ổ chứa vi khuẩn và ngăn cản sự lành rốn do rốn lâu khô, nhất là trong thời tiết nóng ẩm của nước ta. Tránh sờ và bôi các loại thuốc vào rốn của bé khi không có sự tư vấn của bác sĩ.
Chăm sóc rốn trẻ sau khi rụng
Sau khoảng từ 1 – 3 tuần, cuống rốn sẽ tự khô và rụng đi, ba mẹ có thể sẽ nhìn thấy một ít máu sẫm màu chảy ra, nhưng điều này hoàn toàn bình thường, không đáng lo ngại. Sau khi cuống rốn rụng, ba mẹ nên dùng khăn mềm thấm nước muối sinh lý nhẹ nhàng vệ sinh chất tiết còn dư cũng như toàn bộ vùng rốn của trẻ, rồi lau khô bằng khăn sạch và mềm. Ba mẹ tiếp tục vệ sinh và theo dõi vùng rốn của trẻ cẩn thận, nếu nhìn thấy rốn trẻ tiếp tục rỉ dịch hoặc chảy máu thì hãy đưa trẻ đến bác sĩ ngay.
Các dấu hiệu nhiễm trùng rốn
* Bé bị sốt;
* Cuống rốn có mùi hôi hoặc chân rốn chảy mủ;
* Da xung quanh rốn đỏ và mềm;
* Bé khóc khi bạn chạm nhẹ vào rốn;
* Cuống rốn bị sưng và chảy máu;
* Rốn rụng rồi nhưng còn lại một u hạt;
Một số quan niệm sai khi chăm sóc rốn ở trẻ sơ sinh
- Băng rốn quá chật, quá kín điều này sẽ tạo môi trường thuận lợi cho vi trùng phát triển, làm rốn bị tấy đỏ, chảy mủ…
- Tự ý bôi thuốc đỏ, các chất lạ, đắp lá, rắc hạt tiêu v.v.. lên cuống rốn bé với hy vọng sẽ giữ vệ sinh cho rốn và làm rốn mau lành.
- Tự ý giật hoặc cắt bỏ cuống rốn của bé khi rốn gần rụng, hay còn dính một phần nhỏ của cuống rốn.
Hiện nay, Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Lào Cai thường xuyên tổ chức “Lớp học tiền sản” miễn phí với mục đích giúp ba mẹ có thêm nhiều kiến thức, kĩ năng chăm sóc thai kì, chăm sóc mẹ và bé sau sinh. Các ba mẹ quan tâm có thể đăng ký qua Fanpage: Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Lào Cai hoặc gọi Hotline: 0868966028.