Chảy máu mũi là một cấp cứu nhưng ở nhiều mức độ khác nhau: nhẹ có thể tự cầm, không ảnh hưởng, thường gọi là chảy máu cam. Xuất hiện khi các mạch máu nhỏ ở mũi bị vỡ và chảy máu. Đây là hiện tượng hết sức phổ biến, xuất hiện nhiều ở trẻ. Đa số trường hợp không tìm thấy nguyên nhân rõ ràng. Tuy nhiên, chấn thương vẫn là lý do phổ biến nhất vì niêm mạc mũi được nuôi dưỡng bởi nhiều mạch máu nhỏ nằm rất nông, ngay sát bề mặt. Nặng có thể nguy cấp tới tính mạng.
Nguồn hình ảnh Internet
Phân loại
Chảy máu mũi được chia thành 2 loại, chảy máu mũi trước và chảy máu mũi sau.
- Chảy máu mũi trước:
+ Chiếm tỷ lệ lớn các trường hợp, xuất phát từ phía trước mũi. Vị trí hay bị chảy máu nhất là đám rối Kieselbach ở phần trước của vách ngăn mũi. Khu vực này chứa nhiều mạch máu nhỏ rất dễ vỡ khi xì mũi hay khi trẻ có thói quen ngoáy mũi, day mũi.
+ Gặp nhiều khi thời tiết hanh khô hay môi trường khô. Tình trạng khô niêm mạc khiến vách ngăn mũi khô và chảy máu, thường chảy máu một bên. Máu mũi chủ yếu chảy ra phía trước, thường ngừng chảy máu sau khi áp dụng các biện pháp sơ cứu.
- Chảy máu mũi sau:
+ Thường liên quan tới các mạch máu ở cao và sâu hơn của mũi.
+ Tuy không phổ biến ở trẻ em nhưng chảy máu mũi sau nguy hiểm hơn và khó kiểm soát hơn và thường cần được chăm sóc y tế. Thường xuất hiện ở người cao tuổi, người huyết áp cao hay trong chấn thương vùng mũi mặt.
+ Thường chảy máu cả hai bên. Máu mũi chảy ra phía sau và chủ yếu đi xuống họng. Máu chảy nhiều, có thể nguy kịch. Kiểm soát bằng nhét bấc mũi hoặc thắt mạch máu.
Nguyên nhân
+ Nguyên nhân tại chỗ: Do viêm nhiễm tại chỗ (viêm mũi họng cấp, viêm xoang cấp...); do khối u (u lành tính như polyp chảy máu, u xơ vòm mũi họng. U ác tính như ung thư sàng – hàm, ung thư vòm mũi họng); do chấn thương như ngoáy, cạy mũi, bị ngã, va đập vào mũi…
+ Nguyên nhân bệnh máu và thành mạch: Bệnh bạch cầu cấp, mạn tính; bệnh giảm tiểu cầu, bệnh ưa chảy máu, suy tuỷ, bệnh của các yếu tố đông máu…
+ Các bệnh toàn thân: Sốt xuất huyết; các bệnh suy gan, thận mạn tính.
Sơ cứu
Nếu chăm sóc đúng cách, phần lớn các trường hợp chảy máu mũi trước sẽ tự ngừng. Các sơ cứu khi trẻ bị chảy máu mũi trước:
+ An ủi để trẻ bình tĩnh
+ Đặt trẻ ngồi thẳng, đầu và cổ hơi ngả về trước. Tư thế này giúp máu không chảy xuống họng, tránh gây nôn và tiêu chảy. Lưu ý: không đặt trẻ nằm hay ngả đầu ra sau.
+ Dùng hai ngón tay bóp hai bên cánh mũi của trẻ. Bóp chặt cánh mũi trong 10 phút.
+ Hướng dẫn trẻ nhổ máu nếu máu chảy xuống miệng vì nuốt máu có thể gây nôn.
+ Sau 10 phút, thả tay xem máu ngừng chảy chưa. Nếu máu vẫn tiếp tục chảy thì nhắc lại các bước trên một lần nữa.
Hình ảnh sơ cứu trẻ khi chảy máu mũi (nguồn Internet)
Đưa trẻ đến các cơ sở tai mũi họng để được khám và xử trí kịp thời nếu:
+ Không cầm máu sau khi áp dụng các biện pháp sơ cứu.
+ Chảy máu mũi tái đi tái lại nhiều lần.
+ Máu chảy nhanh hoặc mất nhiều máu
+ Chảy máu do chấn thương
+ Cảm thấy người yếu, chóng mặt.
+ Máu chảy xuống phần sau họng chứ không chảy ra phần trước mũi kể cả khi trẻ đã ngồi ngả đầu về phía trước.
+ Cháy máu mũi đi kèm các vết tím bầm dập trên khắp cơ thể hoặc đi kèm chảy máu ở khu vực khác như xuất hiện máu trong phân, nước tiểu.
+ Trẻ có bệnh toàn thân khác ảnh hưởng tới đông máu như bệnh gan, bệnh thận, bệnh hemophilia. Đang dùng thuốc chống đông máu …
Điều trị tại cơ sở y tế
Việc điều trị cấp cứu cũng dựa trên nguyên tắc sơ cứu ban đầu như trên. Nhân viên y tế sẽ hướng dẫn cha mẹ cách ấn mũi cho máu ngừng chảy. Nếu các biện pháp sơ cứu này không mang lại hiệu quả, máu mũi tiếp tục chảy, bác sĩ sẽ kiểm tra tìm điểm mạch chảy máu.
Các biện pháp dự phòng chảy máu
+ Trẻ cần được nghỉ ngơi, trẻ cần tránh các hoạt động mạnh.
+ Cho trẻ uống đủ nước.
+ Động viên trẻ không ngoáy mũi hay xì mũi.
+ Có thể làm ẩm niêm mạc mũi bằng kem làm ẩm hoặc xịt, nhỏ nước muối sinh lý. Điều này đặc biệt quan trọng với trẻ thường xuyên bị cảm, ngạt mũi hay dị ứng mũi.
Nếu chảy máu trở lại:
+ Dùng thuốc co mạch tại chỗ nhỏ vào l mũi bị chảy máu.
+ Nhắc lại các bước sơ cứu nêu ở phần trên. Thực hiện động tác bóp hai cánh mũi trong vòng 10 phút.
+ Nếu chảy máu cam dai dẳng, nên đưa trẻ đi khám bác sĩ chuyên khoa Tai mũi họng.