Dị ứng sữa là một trong những dị ứng thức ăn phổ biến nhất ở trẻ em, trong đó dị ứng sữa bò hay gặp nhất, ngoài ra còn có thể gặp dị ứng sữa từ cừu, dê,.. Trên thị trường hiện nay, phần lớn sữa công thức, sữa bột đều là sản phẩm của sữa bò, nên tỷ lệ trẻ dị ứng sữa công thức, dị ứng sữa bột gia tăng.
Dị ứng sữa là tình trạng hệ thống miễn dịch của cơ thể phản ứng với thành phần protein (đạm) trong sữa, gây ra tình trạng dị ứng và ảnh hưởng đến một hoặc nhiều cơ quan như da, hệ hô hấp, hệ tiêu hóa, tuần hoàn của trẻ.
Đối tượng nguy cơ bị dị ứng sữa
- Trẻ em dễ bị dị ứng sữa hơn người lớn. Khi hệ tiêu hóa trưởng thành thì nguy cơ dị ứng sữa sẽ giảm dần.
- Trẻ có cơ địa dị ứng với bất kỳ một tác nhân nào khác đều là đối tượng nguy cơ của dị ứng sữa.
- Trẻ bị viêm da dị ứng mạn tính có nhiều khả năng dị ứng với sữa.
- Tiền sử gia đình: Nếu trong nhà có người bị dị ứng, đặc biệt là bố hoặc mẹ có tiền sử dị ứng thực phẩm, chàm, mày đay, hen phế quản,... thì nguy cơ dị ứng sữa ở trẻ tăng lên.
Triệu chứng lâm sàng
- Biểu hiện ở da: Mày đay, ngứa, phát ban, sưng môi, lưỡi, mi mắt (phù mạch), viêm da cơ địa.
- Hệ hô hấp: Ho, sổ mũi, khò khè, hen phế quản, thở rít thanh quản
- Hệ tiêu hóa: Ngứa, bỏng rát quanh miệng, buồn nôn hoặc nôn, đau bụng, tiêu chảy hoặc táo bón, có thể có máu trong phân.
- Hệ tuần hoàn: Mạch nhanh nhỏ, huyết áp hạ.
- Toàn thân: Mệt mỏi kéo dài hay đau quặn, kích thích ( > 3giờ/ngày ít nhất 3 ngày/tuần, kéo dài trên 3 tuần).
Dự phòng
Đối với bệnh nhân dị ứng sữa thì dự phòng đóng vai trò vô cùng quan trọng, và dự phòng bằng cách tránh dùng sữa hoặc các sản phẩm từ sữa gây dị ứng như phô mai, sữa chua, bơ và kem,…Ngoài ra, việc lựa chọn sữa thay thế phù hợp và quản lý một chế độ ăn uống cân bằng với tỷ lệ calo / protein thích hợp là cần thiết.
- Sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng tốt nhất cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, đặc biệt ở trẻ có nguy cơ cao bị dị ứng sữa.
- Sản phẩm công thức chỉ chứa acid amin ( không phải là sữa) là sản phẩm mà protein được phân cắt nhỏ nhất, ưu tiên dùng trong những trường hợp dị ứng sữa nặng.
- Sữa thủy phân hoàn toàn: Trong thời gian làm test giới hạn hoặc test thử thách nhưng vẫn dị ứng thì nên dùng sữa này để thay thế sữa thường cho đến lần làm test thử thách kế tiếp.
- Sữa thủy phân một phần hoặc hoàn toàn. Một số sản phẩm công thức không gây dị ứng không phải là sữa mà chỉ chứa các acid amin.
- Sữa thủy phân một phần: không ưu tiên lựa chọn, chỉ dùng khi dị ứng nhẹ mà không dung nạp các loại sữa khác.
- Sữa đậu nành: chỉ nên dùng cho trẻ trên 6 tháng tuổi, không bị suy dinh dưỡng và vì lí do nào đó không dùng được sữa đạm thủy phân hoàn toàn hay sản phẩm acid amin.