Chụp X- Quang, CT- scanner là gì?
Bản chất của chụp X-quang (XQ) và CT-Scanner (CT) là sử dụng tia X để chụp lại hình ảnh các cơ quan trong cơ thể. Tia X là một dạng bức xạ điện từ, tương tự như ánh sáng tự nhiên. Tuy nhiên, không giống như ánh sáng, tia X có năng lượng cao hơn và có thể xuyên qua hầu hết các vật thể, kể cả cơ thể. Trong y tế, dựa trên khả năng đâm xuyên khác nhau của tia X qua các mô, cơ quan trong cơ thể để tạo ra hình ảnh của các mô và cấu trúc bên trong cơ thể.
Nguyên lý hoạt động của máy chụp XQ
Khi nào cần chụp XQ, CT?
Chụp XQ, CT thường được chỉ định trong các trường hợp nghi ngờ có tổn thương xương, nhu mô phổi, tuyến vú, các tạng trong ổ bụng.
- Chụp X-quang thường quy: Phát hiện gãy xương, một số khối u và các khối bất thường khác, viêm phổi, một số loại chấn thương, vôi hóa, dị vật hoặc các vấn đề về răng.
Hệ thống máy chụp CT- scanner
- Chụp X-quang tuyến vú: Chụp X-quang vú được sử dụng để phát hiện và chẩn đoán ung thư. Các khối u có xu hướng xuất hiện dưới dạng các khối có hình dạng đều hoặc không đều sáng hơn một chút so với nền trên phim chụp X quang. Chụp quang tuyến vú cũng có thể phát hiện các mẩu canxi nhỏ, được gọi là vi canxi hóa, hiển thị dưới dạng các đốm rất sáng trên phim chụp quang tuyến vú. Mặc dù thường lành tính, nhưng các dạng vi vôi hóa cụ thể có thể chỉ ra sự hiện diện của ung thư
- Chụp cắt lớp vi tính (CT): Kết hợp công nghệ chụp X-quang truyền thống với quá trình xử lý bằng máy tính để tạo ra một loạt hình ảnh cắt ngang của cơ thể mà sau này có thể được kết hợp để tạo thành hình ảnh X-quang ba chiều. Hình ảnh CT chi tiết hơn so với chụp X-quang thông thường và giúp bác sĩ có khả năng xem các cấu trúc bên trong cơ thể từ nhiều góc độ khác nhau.
Hình ảnh phim chụp XQ, CT của bệnh nhân
Chụp XQ, CT có gây hại cho sức khỏe không?
Tia X là bức xạ ion hóa - một dạng bức xạ có khả năng gây hại cho mô sống và là một trong những nguyên nhân có thể gây ung thư (theo Tổ chức y tế thế giới). Tuy nhiên, đây là rủi ro gia tăng cùng với số lần phơi nhiễm cộng lại trong suốt cuộc đời của một cá nhân.
Trong thực tế, người bình thường và khỏe mạnh vẫn đang tiếp xúc với một lượng phóng xạ nhất định trong cuộc sống hàng ngày, đây gọi là bức xạ nền. Nguồn phóng xạ này đến từ môi trường tự nhiên (radon) và bức xạ vũ trụ, bao gồm tia X. Những tia bức xạ tuy có hại nhưng không thể tránh khỏi, nồng độ tiếp xúc cũng rất thấp nên hầu như con người không nhận ra tác động ảnh hưởng của chúng.
Đối với XQ hoặc CT, mỗi hình thức xét nghiệm sẽ có mức rủi ro khác nhau tùy thuộc vào loại và liều lượng tia X được sử dụng, cũng như phần cơ thể cần kiểm tra. Có thể so sánh mức độ phóng xạ khi chụp X quang với bức xạ nền bình thường mà tất cả mọi người gặp phải hàng ngày như sau:
- X-quang ngực: Tương đương với 2,4 ngày bức xạ nền tự nhiên.
- X quang sọ: Tương đương với 12 ngày bức xạ nền tự nhiên
- Chụp cột sống thắt lưng: Tương đương với 6 tháng bức xạ nền tự nhiên
- Chụp hệ tiết niệu bằng đường tĩnh mạch: Tương đương với 1 năm bức xạ nền tự nhiên
- Chụp thực quản - dạ dày - ruột non: Tương đương với 2 năm bức xạ nền tự nhiên
- Chụp đại tràng có baryte: Tương đương với 2,7 năm bức xạ nền tự nhiên
- Chụp CT đầu: Tương đương với 243 ngày bức xạ nền tự nhiên
- Chụp CT bụng: Tương đương với 2,7 năm bức xạ nền tự nhiên.
Mọi người thường lo lắng về việc tiếp xúc với bức xạ trong khi chụp XQ hoặc CT. Tuy nhiên, phần cơ thể bạn được kiểm tra sẽ chỉ tiếp xúc với mức độ phóng xạ thấp trong thời gian rất ngắn (chưa đến 1 giây). Do vậy, nguy cơ phát triển ung thư do tiếp xúc với bức xạ khi chụp XQ hoặc CT là khá nhỏ.
Đối với phụ nữ mang thai không nên chụp XQ hoặc CT trong giai đoạn 3 tháng đầu của thai kỳ, trừ trường hợp thực sự cần thiết. Vì đây là giai đoạn biệt hóa của thai nhi, tia X không tốt cho sức khỏe của mẹ và bé. Tuy nhiên trong các trường hợp cấp cứu ví dụ như chấn thương, người bệnh cũng không nên quá lo lắng vì chỉ định chụp bộ phận cần thiết mức độ tối thiểu. Mẹ bầu có thể mang áo chì vào vào để hạn chế lượng tia X.
Những lợi ích và rủi ro của việc chụp XQ hoặc CT sẽ luôn được bác sĩ cân nhắc trước khi chỉ định. Do vậy, khi đến khám tại bệnh viện Sản Nhi Lào Cai, người bệnh và gia đình có thể yên tâm khi được các bác sĩ chỉ định chụp XQ hoặc CT, vì đây là chỉ định hoàn toàn cần thiết cho chẩn đoán và điều trị bệnh mà nguy cơ gây hại cũng rất thấp so với những hiệu quả đem lại cho người bệnh.