Phát ban là hiện tượng xung huyết, trương nở mao mạch gây nên, đa dạng về màu sắc (hồng, đỏ,…), có bờ cạnh rõ ràng hoặc mờ nhạt, ấn kính hoặc căng da thì ban mất. Tuỳ thuộc vào nguyên nhân mà có các hình thái phát ban khác nhau, bao gồm:
Nguyên nhân do vi khuẩn
Não mô cầu: ban kèm theo nhiễm trùng, đau khớp, bên cạnh ban có xuất huyết từng mảng (tử ban).
Liên cầu: ban màu đỏ chói, lúc đầu mọc ở bụng, chân, sau lan ra các nơi khác kèm theo viêm họng, viêm thận cấp, đau khớp.
Thương hàn: xuất hiện tuần thứ 2 của bệnh. Ban thưa, ít, không nổi trên mặt da, chủ yếu ở lưng, ngực, mạn sườn.
Do Rickettsia: xuất hiện ngay tuần đầu. ban đỏ xen kẽ chấm xuất huyết kèm theo hiện tượng xung huyết, có vết loét, hạch sưng to và đau.
Nguyên nhân do virus
ECHO (phát ban sau sốt): hay gặp ở trẻ em. Sốt 2 ngày rồi phát ban. Ban màu hồng, hơi nổi, mọc riêng lẻ, ít khi có ở mặt, lưng. Sau 24h ban bay hết.
Adenovirus: ban dạng sởi nhưng không có trình tự, khi bay không để lại vết thâm. Kèm theo có viêm họng, viêm kết mạc và sưng hạch.
Nguyên nhân do dị ứng
Dị ứng do thuốc: các hoá chất, thuốc kháng sinh đều có thể gặp, hay gặp nhất là loại Beta-lactamin, phát ban giống dạng sởi, thường xuất hiện sau khi dùng thuốc.
Do tiếp xúc: giầy dép, quần áo, mỹ phẩm,… phát ban tại vị trí tiếp xúc với tác nhân gây dị ứng.
Hội chứng Stevens – Johnson: ban mọc quanh các hốc tự nhiên (mắt, tai, mũi,…), trên ban có nốt phỏng, bệnh nặng có thể gây tử vọng.
Do kí sinh trùng: phát ban từng đợt hay tái phát, ngứa, có thể phù, bạch cầu ái toan tăng cao.
Tóm lại, có nhiều nguyên nhân gây phát ban và các nguyên nhân này đều rất phức tạp, để phân biệt được các hình thái phát ban từ đó có được phương pháp điều trị tốt nhất thì trước hết cần phải tìm được ra nguyên nhân, chẩn đoán chính xác, vì vậy các bậc cha mẹ không nên tự ý dùng thuốc bôi hoặc uống khi chưa biết được nguyên nhân rõ ràng mà hãy đưa con đến các cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời, tránh để lại hậu quả đáng tiếc.