Công tác điều dưỡng trong theo dõi và chăm sóc người bệnh thở máy tại khoa Hồi sức cấp cứu là một trong những công việc rất quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng và hiệu quả điều trị người bệnh.
Ở người bệnh thở máy, ống nội khí quản thường gây tổn thương đường hô hấp trên, khí thở vào không đủ ấm, phản xạ ho khạc đờm bị hạn chế bởi ống nội khí quản cũng như dùng thuốc giảm đau an thần, bị trào ngược thức ăn. Từ đó các chất tiết ứ đọng nhiều trong đường hô hấp và dẫn đến các bệnh phổi nặng như viêm phổi, viêm phế quản, xẹp phổi. Các biện pháp trong chăm sóc người bệnh thở máy nhằm mục đích bảo vệ phổi, ngăn ngừa và hạn chế các tác động có hại đến đường hô hấp.
Những người bệnh có chỉ định thở máy là những bệnh nhân nặng cần được theo dõi, chăm sóc toàn diện và liên tục, kết hợp giữa quá trình theo dõi máy thở, theo dõi người bệnh và chăm sóc người bệnh thở máy để bảo vệ phổi. Chính vì vậy điều dưỡng là người luôn theo sát người bệnh và kịp thời phát hiện các biến chứng xảy ra trong quá trình thở máy.
Chăm sóc bệnh nhân thở máy tại khoa Hồi sức cấp cứu – Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Lào Cai.
Theo dõi máy thở:
Đối với điều dưỡng làm việc tại khoa Hồi sức cấp cứu, việc theo dõi máy thở nhằm phát hiện các sự cố của máy để kịp thời xử trí ban đầu, đồng thời báo ngay với bác sĩ điều trị, về cơ bản cần biết:
- Nguồn điện: mất nguồn điện có thể do tụt phích cắm, cúp điện, cháy cầu chì…, tùy theo từng nguyên nhân mà xử trí.
- Nguồn khí: nồng độ oxy hiển thị trên máy hoặc đo SpO2 giảm hay không đo được, liên hệ ngay tức thời với oxy trung tâm để đổi nguồn oxy.
- Áp lực đường thở:
+ Áp lực đường thở tăng: Có thể tắc nghẽn đường thở do đờm, máu, ống nội khí quản gấp, người bệnh cắn làm bẹp ống, ống nội khí quản quá sâu, co thắt khí phế quản.
+ Giảm áp lực đường thở: hệ thống dây máy thở bị hở do thủng rách, tụt ra khỏi vị trí nối với máy, cớp chèn bơm chưa đủ, tụt ống nội khí quản, bẫy nước không kín.
+ Xử trí: kiểm tra lại hệ thống dây máy thở, gắn lại nếu bị tụt, thay dây nếu thủng rách, bơm cớp chèn cho kín, kiểm tra lại vị trí ống nội khí quản và cố định lại, nếu tụt ra ngoài báo ngay bác sĩ đặt lại.
Theo dõi người bệnh:
- Tình trạng chung: nằm yên, màu sắc da, niêm mạc.
- Di động lồng ngực: có di động theo nhịp thở vào và ra của máy, có đều hai bên không, nếu không đều hay chỉ di động một bên ngực thì kiểm tra lại vị trí ống nội khí quản.
- Tình trạng co kéo hõm ức và cơ hoành, người bệnh chống máy, tắc đường thở, thông khí không hiệu quả.
- Sự thích ứng của người bệnh với máy thở: theo dõi bệnh nhân thở theo máy hay chống máy để báo bác sĩ điều chỉnh chế độ thở các thông số thích hợp, hay thêm các thuốc điều trị khác như giảm đau an thần giãn cơ.
- Theo dõi SpO2: đây là thông số mà điều dưỡng cần lưu tâm, duy trì ở mức 95 -100%, nếu dưới 90% là do thông số không hiệu quả, cần tìm nguyên nhân và điều dưỡng báo ngay cho bác sĩ điều trị.
Các yếu tố giúp thở máy hiệu quả:
- Ưu tiên sử dụng thông khí không xâm nhập nếu không có chống chỉ định.
- Rút ngắn thời gian thông khí nhân tạo.
- Hút đờm trên bóng chèn.
- Tư thế nửa ngồi (450)
- Sử dụng ống thông hút đờm một lần.
- Sử dụng ống thông hút đờm kín.
- Tránh tình trạng tự rút ống.
- Duy trì áp lực bóng chèn (cuff) tối ưu.
- Tránh tình trạng căng giãn dạ dày quá mức.
- Tránh thay đường ống dây thở không cần thiết.
- Tránh ứ đọng nước đường thở.
- Tránh vận chuyển bệnh nhân khi không cần thiết.
- Giải quyết bệnh lý cơ bản.
- Sử dụng kháng sinh hợp lý, đúng chỉ định.
- Có chế độ chăm sóc và chế độ thở máy hợp lý.
- Đảm bảo cân bằng nước điện giải, kiềm toan.
- Chế độ dinh dưỡng: kết hợp nuôi dưỡng qua ống thông dạ dày và nuôi dưỡng đường tĩnh mạch đảm bảo cung cấp đủ năng lượng từ 2.000 - 2.500 kcal/ngày. Ưu tiên nuôi dưỡng qua đường tự nhiên. Khi nuôi dưỡng qua đường tự nhiên cần quan tâm tới tư thế bệnh nhân cũng như số lượng thức ăn đưa vào/1 lần và lượng dịch tồn dư ra sao? Điểm chú ý là cơ cấu năng lượng cung cấp phải đảm bảo tương đối hợp lý: 15% đạm, 20% mỡ, còn lại 65% năng lượng từ glucid.
* Vì vậy công tác chăm sóc và vô khuẩn của điều dưỡng trong chăm sóc bệnh nhân thở máy là rất quan trọng .
Tài liệu tham khảo: Hướng dẫn chăm sóc bệnh nhân thở máy - thông tin y học