Thông tin mới nhất
Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 26
  • Hôm nay: 1205
  • Trong tuần: 12 514
  • Tất cả: 1617128
Cách chăm sóc vết khâu tầng sinh môn sau sinh thường

 

Tầng sinh môn là một vùng nhỏ nằm giữa hậu môn và âm hộ ở nữ, nằm khuất ở phía dưới và được che khuất phần trên 2 đùi, có chiều dài từ 3-5 cm. Đây là bộ phận có chức năng bảo vệ, nâng đỡ các cơ quan vùng chậu như bàng quang, âm đạo, tử cung, trực tràng…, đặc biệt đóng vai trò rất quan trọng trong quá trình sinh đẻ của chị em phụ nữ.

Hình ảnh minh hoạ tầng sinh môn ở nữ

Vết cắt tầng sinh môn là gì?

Vết cắt tầng sinh môn là một thủ thuật sản khoa. Khi sinh thường, tầng sinh môn giãn nở dần để thai nhi dễ lọt ra ngoài. Tuy nhiên việc giãn nở này có giới hạn, đặc biệt trong trường hợp chuyển dạ con so, tầng sinh môn mẹ cứng, dày, phù nề, đầu thai quá to…gây khó khăn cho quá trình đỡ đẻ. Trong những trường hợp này, nhân viên y tế sẽ dùng kéo thẳng và sắc cắt một đường dài 2-4 cm chếch 45o tại vị trí 5h hoặc 7h từ mép sau âm hộ nhằm mở rộng đường ra cho thai nhi khi sinh qua ngả âm đạo, ngăn ngừa một số tổn thương và chấn thương nghiêm trọng cho âm đạo, âm hộ khi sinh.

Rạch tầng sinh môn giúp quá trình sinh thường diễn ra dễ dàng hơn.

Sau khi sinh em bé, vết cắt này sẽ được khâu phục hồi bằng chỉ tiêu (không cần phải cắt chỉ sau này).

Khâu phục hồi tầng sinh môn sau sinh

Việc chăm sóc vết khâu sau sinh là rất cần thiết. Khi chăm sóc vết thương tầng sinh môn đúng cách thì chỉ sau 2 ngày đầu tiên sẽ bớt đau đi nhiều, giảm sưng và không nhiễm trùng. Sau khoảng 2 - 3 tuần thì vết khâu tầng sinh môn sẽ tự lành, chỉ đã tự tiêu hết. Và khoảng 1 tháng sau khâu sẽ cảm thấy bình thường như lúc trước. Tuy nhiên, việc này còn tuỳ thuộc vào cơ địa mỗi người và cách chăm sóc vết khâu tầng sinh môn của từng mẹ.

Chăm sóc vết thương tầng sinh môn

1. Chườm lạnh

Các mẹ có thể làm vết khâu giảm bớt sưng và đau sau ngày sinh đầu tiên bằng cách sử dụng miếng gạc lạnh hoặc túi đá lạnh chườm lên vết khâu khi đang nằm trên giường hoặc ngả lưng trên ghế, đảm bảo không chườm quá 15 phút mỗi lần, sau đó lau khô bằng khăn sạch.

Nếu mẹ cảm thấy đau nhiều, có thể liên hệ bác sỹ để được thăm khám vết khâu. Paracetamol thường được kê đơn cho những bà mẹ đang cho con bú cần dùng thuốc giảm đau sau khi cắt tầng sinh môn.

Nhân viên y tế hướng dẫn mẹ chườm lạnh

2. Chế độ vệ sinh

Vệ sinh sạch sẽ, giữ vết khâu sạch sẽ và khô ráo sau mỗi lần đại tiểu tiện. Chỉ nên sử dụng nước ấm để vệ sinh. Dùng vòi sen hoặc dội nước từ từ hay dùng khăn mềm thấm nước, lau rửa sạch từ trước ra sau nhẹ nhàng, sau đó lau khô lại.

Nên thay băng vệ sinh thường xuyên mỗi 4 – 6 tiếng để vết thương luôn sạch sẽ, giảm được nguy cơ nhiễm trùng.

Không nên thụt rửa bên trong khi không có chỉ định của bác sỹ. Không dùng vòi xịt thẳng lâu và mạnh vào vết thương. 

3. Chế độ vận động, nghỉ ngơi

Hạn chế vận động mạnh để tránh gây tổn hại cho vết thương. Tuy nhiên, mẹ sau sinh có thể di chuyển xung quanh phòng một cách nhẹ nhàng để tăng lưu thông máu đến vùng tầng sinh môn, giúp vết thương mau lành hơn. Cố gắng tập thể dục nhẹ nhàng từ 15-30 phút trong thời kỳ hậu sản. Có thể tập các bài tập sàn chậu càng sớm càng tốt sau sinh khi sức khoẻ mẹ đảm bảo.

4. Chế độ ăn uống

Thực hiện chế độ ăn uống lành mạnh. Không ăn kiêng khem, nên ăn đầy đủ các chất dinh dưỡng để phục hồi sức khỏe, nuôi con bằng sữa mẹ và giúp lành vết thương.

Ăn nhiều chất xơ và uống nhiều nước để tránh táo bón khiến mẹ đau nhiều khi đi đại tiện.

 

Chế độ ăn đảm bảo cân bằng dinh dưỡng thời kỳ hậu sản

5. Quan hệ tình dục

Nhiều người sẽ thấy đau khi quan hệ trong vài tháng đầu sau sinh. Nên tạm hoãn chuyện “gần gũi” và tham khảo ý kiến bác sỹ cho đến khi vết khâu lành hoàn toàn và người mẹ cảm thấy phục hồi về sức khoẻ và tinh thần.

6. Theo dõi vết khâu tầng sinh môn

Trong 7-10 ngày đầu sau cắt khâu tầng sinh môn, các mẹ nên tự kiểm tra vết khâu hàng ngày để phát hiện sớm các dấu hiệu bất thường, bao gồm:

·        Đau nhiều tại vết khâu

·        Chảy dịch có mùi hôi hoặc chảy mủ từ vết khâu

·        Vết thương bị toạc, rách hoặc chảy máu

·        Da vùng tầng sinh môn sưng đỏ bất thường…

Khi có một trong các dấu hiệu trên cho thấy vết thương có thể đang bị viêm hoặc nhiễm trùng, mẹ nên đi khám bác sỹ ngay để điều trị. 

Hiện nay, tại Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Lào Cai, dịch vụ chiếu Plasma tại vết khâu tầng sinh môn đang được áp dụng để rút ngắn thời gian lành vết thương. Ngoài ra, việc xông hơi vùng kín cũng là 1 phương pháp hữu hiệu giúp mẹ mau chóng vượt qua giai đoạn này.

Hy vọng với những chia sẻ nêu trên, các mẹ có thể tự chăm sóc vết khâu tầng sinh môn chóng lành, sớm bình phục về sinh hoạt bình thường sau sinh.

NHS. Phạm Thị Hằng – Khoa Sản

Footer chưa được cập nhật nội dung hoặc chưa được duyệt !