1. Áp xe vú là gì ?
Áp xe vú là một nhiễm trùng ở vú do vi khuẩn gây ra, bệnh thường gặp đối với phụ nữ trong thời kỳ cho con bú, tuy nhiên, có nhiều trường hợp xảy ra với cả phụ nữ không cho con bú.
2. Nguyên nhân của áp xe vú.
Vi khuẩn gây bệnh có thể xâm nhập từ bề mặt da hoặc từ miệng của em bé ở phụ nữ cho con bú, thông qua vết rách da hoặc lỗ mở của ống tuyến vú để xâm nhập vào vú và hình thành ổ áp xe.
3. Những yếu tố nào làm tăng nguy cơ mắc áp xe vú ?
Áp xe vú có nguy cơ xuất hiện nếu người mẹ đang cho con bú:
- Cho bú không đúng cách
- Cho bú không đủ số lần, không đủ thời gian khiến sữa tích tụ lại trong vú
- Mặc áo ngực chật
- Núm vú bị trầy xước
- Tắc ống dẫn sữa.
4. Triệu chứng của áp xe vú
Áp xe vú tiến triển theo 2 giai đoạn với triệu chứng khác nhau:
Giai đoạn viêm:
Ở giai đoạn này, triệu chứng khá nhẹ và không thể nhận biết nếu không theo dõi sát sao:
· Sốt cao, mệt mỏi, đau đầu,...
· Đau vùng vú, nhất là khi cử động ở cánh tay, vai hoặc khi cho con bú. Cảm giác đau nhức sâu trong tuyến vú sẽ tăng dần khi kích thước ổ áp xe tăng.
· Sưng to một bên vú - nơi vú bị áp xe với mật độ chắc, sờ vào thấy đau.
· Vùng da ở ổ áp xe có thể nóng, đỏ, phù nề nếu ổ viêm nằm gần da hoặc bề mặt tuyến, song cũng có trường hợp da bình thường do áp xe nằm sâu trong tuyến vú.
Giai đoạn tạo áp xe:
Lúc này, các triệu chứng viêm nhiễm đều tăng lên nhanh chóng. Ngoài ra, sẽ có thêm các biểu hiện như: Bên cạnh đó, người bệnh còn nhận thấy:
· Hội chứng nhiễm độc nhiễm khuẩn với 1 loạt triệu chứng như: da xanh, sốt cao, môi khô, rét run
· Bên vú nhiễm trùng sẽ to, sưng, nóng, đỏ đau.
· Một số trường hợp khi ổ áp xe thông với ống dẫn sữa, khi sữa chảy sẽ thấy lẫn mủ.
5. Điều trị áp xe vú ?
- Khi đã tạo thành áp-xe thì phải dùng kháng sinh và chích rạch, tháo mủ.
- Đối với các ổ áp-xe nông dưới da, vùng quầng vú thì chích nặn mủ. Các áp-xe thể tuyến cần gây mê hoặc gây tê tại chỗ, chích áp-xe theo đường nan hoa ở chỗ thấp nhất trên vùng áp-xe. Rạch từ 5-7 cm nhưng phải cách núm vú từ 2-3cm.
- Sau khi tháo mủ cần đặt dẫn lưu hoặc mét. Cần bơm rửa ổ áp-xe hằng ngày qua ống dẫn lưu bằng dung dịch sát khuẩn, kết hợp với dùng kháng sinh toàn thân.
- Trong quá trình điều trị cho trẻ bú bên vú lành.
Nguồn hình ảnh Internet
6. Dự phòng áp xe vú ?
Áp xe vú là bệnh có thể phòng ngừa được. Để phòng tránh áp xe vú, các bà mẹ đang cho con bú cần chú ý một số điều sau:
- Sau khi sinh con mẹ nên mát xa nhẹ nhàng bầu vú để ống dẫn sữa thông thoát và cho con bú sớm ngay sau sinh, bú thường xuyên và bú đúng tư thế.
- Vệ sinh núm vú đúng cách và sạch sẽ trước và sau khi cho con bú.
- Nên cho trẻ bú hết sữa và luân phiên hai bên vú, nếu không, phải vắt hết sữa thừa sau mỗi lần con bú.
Nếu có hiện tượng tắc tia sữa, phải điều trị kịp thời để thông ống dẫn sữa. Để tránh bị tắc tia sữa, bạn có thể xoa bóp bằng tay, chườm ấm, chiếu đèn hồng ngoại.
Tránh làm nứt hoặc xước núm vú vì đây là điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn xâm nhập làm viêm tuyến sữa; tránh để da bị khô nẻ. Nên mặc áo ngực phù hợp, vừa vặn... để tránh gây tổn thương vú.
NSH. Trần Thị Thanh Hoa – Khoa phụ