Thông tin mới nhất
Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 11
  • Hôm nay: 271
  • Trong tuần: 9 854
  • Tất cả: 1553102
Bệnh đậu mùa khỉ - đối tượng nguy cơ cao và các biện pháp dự phòng

Bệnh đậu mùa khỉ là bệnh lây truyền từ động vật sang người và từ người sang người. Việc lây truyền từ người sang người xảy ra khi tiếp xúc trực tiếp gần, lây qua vết thương hở, dịch cơ thể, giọt bắn của đường hô hấp và qua tiếp xúc với các vật dụng, đồ dùng nhiễm mầm bệnh.

anh tin bai


Bệnh có thể lây truyền từ mẹ sang con trong quá trình mang thai hoặc tiếp xúc gần sau khi sinh.

Mặc dù bệnh đậu mùa khỉ hiện không được coi là bệnh lây truyền qua đường tình dục (STIs) nhưng nó rất dễ lây lan qua quan hệ tình dục do tiếp xúc trực tiếp với người nhiễm bệnh. Đặc biệt rất dễ lây lan trên nhóm nam quan hệ đồng giới (MSM), người song tính (bisexual), người có nhiều bạn tình quan hệ tình dục không an toàn, v.v...

anh tin bai


Thời gian ủ bệnh thường từ 6 đến 13 ngày. Biểu hiện triệu chứng có thể khác nhau tùy thuộc vào từng giai đoạn bệnh, nhưng tương tự như bệnh đậu mùa, các triệu chứng thường thấy là: sốt, đau đầu, đau cơ, đau lưng, sưng hạch bạch huyết, ớn lạnh, mệt mỏi, phát ban có thể nhìn giống như mụn nước xuất hiện trên mặt, bên trong miệng hoặc ở các bộ phận khác của cơ thể như bàn tay, bàn chân, ngực, bộ phận sinh dục hoặc hậu môn. Bệnh có thể tự khỏi trong vòng 2-3 tuần. Tuy nhiên, trên các đối tượng nguy cơ cao như: phụ nữ mang thai, người cao tuổi, trẻ em, người mắc bệnh lý nền, suy giảm miễn dịch…, có thể chuyển nặng và tử vong.

Hiện bệnh Đậu mùa khỉ đã được phân loại là bệnh thuộc nhóm B theo quy định của Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.

Việt Nam đang triển khai tiêm vắc xin phòng bệnh đậu mùa khỉ cho nhóm đối tượng có nguy cơ cao như nhân viên y tế chăm sóc người bệnh đậu mùa khỉ, người tiếp xúc trực tiếp với người bệnh và một số đối tượng có nguy cơ cao khác như người mắc hội chứng suy giảm miễn dịch, người đồng tính, v.v.

Lào Cai là một tỉnh có đường biên giới dài hơn 180 km tiếp giáp với tỉnh Vân Nam, Trung Quốc. Có 01 cửa khẩu Quốc tế, nhiều đường mòn, lối mở, người dân 2 nước thường xuyên qua lại giao thương buôn bán. Với tần suất mắc bệnh Đậu mùa khỉ cao, địa bàn rộng, giao lưu đi lại không hạn chế thì nguy cơ dịch xâm nhập vào Lào Cai là hiện hữu. Để chủ động kiểm soát, phòng, chống dịch Đậu mùa khỉ, thực hiện Công văn số 4849/BYT-DP ngày 19/8/2024 của Bộ Y tế về việc tăng cường phòng, chống bệnh Đậu mùa khỉ, Công văn số 4590/UBND-VX ngày 21/8/2024của UBND tỉnh Lào Cai về việc tăng cường phòng, chống bệnh Đậu mùa khỉ.

Trong khi chưa thực hiện tiêm vắc xin phòng bệnh, người dân cần thực hiện tốt 6 biện pháp phòng bệnh đậu mùa khỉ theo khuyến cáo của Bộ Y tế:

1. Che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi, tốt nhất che bằng khăn vải hoặc khăn tay hoặc khăn giấy dùng một lần hoặc ống tay áo để làm giảm phát tán các dịch tiết đường hô hấp; rửa tay bằng xà phòng và nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn ngay sau khi ho, hắt hơi. Không khạc nhổ bừa bãi nơi công cộng.

2. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn tay.

3. Người có triệu chứng phát ban cấp tính không rõ nguyên nhân kèm theo một hoặc nhiều triệu chứng nghi ngờ cần chủ động liên hệ với cơ sở y tế để được theo dõi, tư vấn kịp thời. Đồng thời, cần chủ động tự cách ly, tránh quan hệ tình dục.

4. Tránh tiếp xúc gần với người mắc bệnh đậu mùa khỉ, tránh tiếp xúc trực tiếp với những vết thương, dịch cơ thể, giọt bắn và các vật dụng, đồ dùng bị nhiễm mầm bệnh. Trong trường hợp nơi ở hoặc nơi làm việc có người mắc hoặc nghi ngờ mắc bệnh, cần thông báo cho cơ quan y tế để được tư vấn và xử trí kịp thời, không tự ý điều trị.

5. Người đến các quốc gia có lưu hành dịch bệnh đậu mùa khỉ (khu vực Trung và Tây Phi), cần tránh tiếp xúc với động vật có vú (chết hoặc sống) như: động vật gặm nhấm, thú có túi, động vật linh trưởng có thể chứa virus đậu mùa khỉ. Khi quay trở về Việt Nam cần chủ động khai báo với cơ quan y tế địa phương để được tư vấn.

6. Đảm bảo an toàn thực phẩm; thực hiện lối sống lành mạnh, tăng cường vận động thể lực, nâng cao sức khỏe.

 

BSCKI. Lương Thị Thanh Thùy – K. Kiểm soát nhiễm khuẩn.
Footer chưa được cập nhật nội dung hoặc chưa được duyệt !