Bệnh tay - chân - miệng: Nguyên nhân, triệu chứng và điều trị dự phòng
Bệnh tay - chân - miệng (TCM) rất dễ lây lan; Tăng cường hiểu biết đúng về bệnh TCM để có ứng phó thích hợp ở cả khía cạnh từ cá nhân, đến hộ gia đình, cơ sở y tế và cộng đồng là cách tốt nhất để kiểm soát dịch bệnh.
1. Nguyên nhân gây bệnh tay chân miệng
Bệnh tay chân miệng do các chủng vi rút thuộc họ vi rút đường ruột gây ra. Đây là nhóm vi rút có sức sống bền bỉ. Nó có khả năng tồn tại từ nhiệt độ lạnh đến rất cao: Trong 30 phút vi rút mới bị bất hoạt ở nhiệt độ 560°C; Ở nhiệt độ lạnh -40°C, vi rút có thể tồn tại đến 3 tuần ngoài môi trường. Các bề mặt trong môi trường sinh hoạt chung mà có người bệnh thường là những nơi có chứa vi rút, như vật dụng ăn uống, mặt bàn, ghế, giường, đồ chơi chung…
Bệnh TCM dễ lây từ người sang người. Vi rút gây bệnh TCM có thể phát tán từ cơ thể người bệnh ra môi trường qua phân, dịch đường tiêu hóa, nước bọt và mụn nước. Trẻ em mắc bệnh chủ yếu do nuốt phải vi rút gây bệnh. Trẻ tiếp xúc với mầm bệnh từ môi trường chủ yếu thông qua bàn tay, rồi đưa lên miệng, và nuốt phải vi rút. TCM lây truyền qua tiếp xúc nên rất dễ lây lan thành dịch.
2. Dấu hiệu của bệnh TCM
Phát hiện sớm bệnh TCM ở trẻ là một trong những điều kiện quan trọng tác động đến quá trình điều trị. Hầu hết trẻ mắc bệnh TCM nếu được phát hiện sớm và theo dõi chặt chẽ sẽ có quá trình điều trị nhẹ nhàng, dự phòng được các biến chứng và hạn chế được nguy cơ tử vong.
Thời gian ủ bệnh và dấu hiệu: Sau khi nuốt phải vi rút gây bệnh và trải qua thời gian ủ bệnh từ 3-7 ngày, người bệnh bắt đầu xuất hiện các triệu chứng với biểu hiện đặc trưng là phát ban dạng phỏng nước ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, gối, mông. Ban tồn tại trong thời gian ngắn (dưới 7 ngày) sau đó có thể để lại vết thâm, rất hiếm khi loét hay bội nhiễm.
Loét miệng là biểu hiện rất thường gặp ở trẻ nhỏ khi mắc bệnh này. Vị trí loét thường được phát hiện nhiều nhất là vùng hầu họng (gần lưỡi gà), niêm mạc má, môi hoặc lưỡi. Số lượng từ một đến vài mụn loét trong miệng, kích cỡ khoảng 2mm - 3mm. Loét miệng khiến trẻ đau rát khi ăn, bỏ ăn, bỏ bú và tăng tiết nước bọt.
Hầu hết trẻ chỉ sốt nhẹ, nhiệt độ thường từ 37,5°C - 38°C. Khi trẻ bị sốt cao trên 39°C liên tục từ 2 ngày trở lên là một trong những dấu hiệu gợi ý trẻ có thể có biến chứng nghiêm trọng, cần phải nhập viện để theo dõi điều trị.
Một số dấu hiệu khác có thể thấy như: Trẻ bị tiêu chảy, trên mông xuất hiện các nốt mụn lở, rộp da; Rối loạn tri giác, mê sảng. Nhận biết sớm được tình trạng bệnh nặng của trẻ mắc TCM để có kịp thời điều trị, chăm sóc, can thiệp là cách tốt nhất hạn chế các biến chứng và nguy cơ tử vong của trẻ bệnh.
Biểu hiện lâm sàng của bệnh TCM giống bất kể chủng vi rút gây bệnh nào. Tuy nhiên, bệnh nhân nhiễm TCM có nhiều khả năng dẫn đến các biến chứng hiếm gặp như viêm màng não, viêm não do vi rút, hoặc tổn thương cơ tim, có thể dẫn đến tử vong.
3. Điều trị và chủ động phòng ngừa
Hiện nay vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Vì vậy thái độ tích cực nhất đối với bệnh TCM là dự phòng không để mắc bệnh.
Mỗi cá nhân hình thành thói quen và văn hoá vệ sinh tay, huấn luyện cho trẻ em thói quen vệ sinh tay đúng bằng xà phòng; Trẻ phải được nghỉ học, cách ly trẻ lành và trẻ bị bệnh để tránh lây lan; giám sát các hoạt động của trẻ bị bệnh trong sinh hoạt hằng ngày.
Khi phát hiện trẻ có những biểu hiện sớm, nghi ngờ mắc TCM như: Giật mình chới với, hốt hoảng, thất thần; tay chân run hoặc yếu; đi đứng loạng choạng; đảo mắt bất thường; nôn trớ; quấy khóc, dỗ không nín; co giật; thở mệt… Cha, mẹ, người chăm sóc trẻ cần đưa trẻ đến khám tại các cơ sở y tế để được hướng dẫn chăm sóc, điều trị, theo dõi và dự phòng lây lan bệnh.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật