Thông tin mới nhất
Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 29
  • Hôm nay: 204
  • Trong tuần: 6 394
  • Tất cả: 1511820
CẤP CỨU DỊ VẬT ĐƯỜNG THỞ

Dị vật đường thở là những vật mắc lại trong đường thở từ thanh quản đến phế quản phân thùy phổi. Là cấp cứu nếu không được chẩn đoán sớm, xử trí đúng, nhanh chóng dễ dẫn tới các biến chứng nặng nề và có thể tử vong. Dị vật đường thở gặp ở trẻ em nhiều hơn người lớn (75% gặp ở trẻ dưới 4 tuổi), do trẻ em thường có thói quen cho các đồ vật vào miệng. Tuy nhiên, đây là một tai nạn sinh hoạt có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, trong mọi điều kiện, hoàn cảnh.

Nguyên nhân gây dị vật đường thở

- Do khóc, cười đùa trong khi ăn.

- Do thói quen ngậm đồ vật trong khi chơi, khi làm việc.

- Do rối loạn phản xạ họng, thanh quản ở trẻ em và người già, có thể bị hôn mê, hoặc trong gây mê.

- Do ký sinh trùng chui vào đường thở và sống kí sinh trong đường thở.

Các dị vật có thể gặp các dị vật hữu cơ như: hạt lạc, hạt na, hạt hồng xiêm, cùi táo, bã mía... có thể gặp các loại xương thịt động vật như đầu tôm, mang cá, càng cua, xương gà vịt, con nấc. Cũng có thể gặp các dị vật vô cơ như viên bi, mảnh đạn, đuôi bút bi, mảnh nhựa...

Biểu hiện khi bị dị vật đường thở

Hội chứng xâm nhập: biểu hiện bằng cơn ho sặc sụa, tím tái, vã mồ hôi, trợn mắt mũi, đôi khi đại tiểu tiện không tự chủ, cơn kéo dài khoảng 3 - 5 phút, sau đó có ba khả năng có thể xảy ra:

- Dị vật được tống ra ngoài nhờ phản xạ bảo vệ của thanh quản.

- Dị vật quá to chèn ép kín tiền đình thanh quản làm cho bệnh nhân ngạt thở, tử vong trước khi đến được bệnh viện.

- Dị vật mắc lại trên đường thở, ở thanh quản, khí quản hoặc phế quản.

Tuỳ theo vị trí dị vật mắc lại mà trên lâm sàng có các biểu hiện khác nhau.

Triệu chứng toàn thân:

- Khó thở.

- Sốt: Thường gặp sau một vài ngày sau khi có nhiễm khuẩn do các dị vật ô

nhiễm như các loại xương, thịt, hạt lạc, bã mía...

Triệu chứng khác

Tuỳ theo vị trí dị vật mắc lại mà trên lâm sàng thấy có các dấu hiệu khác nhau.

* Dị vật ở thanh quản: Thường gặp khàn tiếng, mất tiếng, mức độ nặng hoặc nhẹ tuỳ theo kích thước dị vật và thời gian dị vật mắc lại ở thanh quản. Khó thở thanh quản. Ho: Thường gặp ho khan không có đờm, ho từng cơn dài do kích thích thanh quản.

* Dị vật ở khí quản: Hay xảy ra các cơn ho rũ rượi, sặc sụa tím tái do dị vật di động trong lòng khí quản, đôi khi di động lên thanh quản gây ra các cơn ho. Nếu dị vật di động bắn lên thanh quản và kẹt ở thanh môn làm cho bệnh nhân ngạt thở, nếu không được xử trí đúng, kịp thời thì bệnh nhân sẽ tử vong.

* Dị vật ở phế quản: Khó thở hỗn hợp cả hai thì, thường chỉ gặp khi là dị vật to bít lấp phế quản gốc một bên, hay gặp ở phế quản phải nhiều hơn phế quản trái.

Phương pháp chẩn đoán trẻ bị dị vật đường thở

- Chụp X-quang cổ nghiêng hoặc phổi thẳng; chụp cắt lớp cổ, ngực có thể cho phép chẩn đoán dị vật đường thở.

- Nội soi thanh, khí, phế quản, nếu thấy dị vật ở đường thở là chẩn đoán xác định.

Hướng xử trí

Nguyên tắc: phải đảm bảo khai thông đường thở, lấy bỏ dị vật càng sớm càng tốt.

* Xử trí trường hợp tối cấp

Trong trường hợp ngạt thở, nếu không xử trí ngay bệnh nhân sẽ tử vong.

- Trong cộng đồng: cho bệnh nhân nằm dốc đầu, vỗ mạnh vào ngực bệnh nhân, kích thích cho bệnh nhân khóc, nếu dị vật tròn nhẵn sẽ rơi xuống họng hoặc vòm mũi họng, đưa ngón tay trỏ vào họng để kéo dị vật ra. Chú ý tránh đẩy dị vật vào trong gây nguy hiểm đến tính mạng của trẻ.

- Có thể làm nghiệm pháp Heimlich: Khi bệnh nhân bị ngạt thở dùng hai bàn tay ép mạnh vào hai bên hạ sườn bệnh nhân 3 - 5 cái, nhằm tạo ra áp lực dương tính trong lồng ngực, hy vọng với áp lực này có thể đẩy được dị vật ra khỏi đường thở.

anh tin bai
 

Nghiệm pháp Heimlich ở người lớn và trẻ em

      Nhưng lưu ý chỉ làm nghiệm pháp này khi bệnh nhân đang bị ngạt thở, nếu không cấp cứu sẽ tử vong trong thời gian ngắn, thực hiện ngoài cơ sở y tế.

- Ở tuyến y tế không chuyên khoa: Nếu ngạt thở trong cơ sở y tế thì mở khí quản cấp cứu là tốt nhất, cũng có thể đặt nội khí quản hoặc chọc kim 13 qua màng giáp nhẫn, hoặc cũng có thể soi thanh quản bằng ống Mac Intosh gắp dị vật hoặc đẩy dị vật xuống dưới để khai thông đường thở càng sớm càng tốt.

 Biến chứng gặp phải

- Nếu không được xử trí kịp thời bệnh nhân có thể tử vong nhanh chóng do dị vật bít lấp đường thở gây ngạt thở cấp.

- Dị vật có thể gây viêm phế quản, viêm phổi, khí phế thũng, tràn khí màng phổi, tràn khí trung thất, áp xe phổi một bên, xẹp phổi một bên, sẹo hẹp thanh quản.

Phòng tránh

Cần tuyên truyền trong cộng đồng:

- Không nên cười đùa trong khi ăn, không bắt trẻ em ăn khi đang khóc.

- Không ngậm đồ vật khi chơi, khi làm việc.

- Để các vật, các quả hạt nhỏ có thể đưa vào miệng xa tầm tay của trẻ nhỏ.

- Không nên uống nước suối để đề phòng dị vật sống đi vào đường thở.

Khi trẻ có những biểu trên cha mẹ hãy đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám và xử trí kịp thời.

                                            

Đinh Tố Uyên - Khoa Nhi
Footer chưa được cập nhật nội dung hoặc chưa được duyệt !