Thông tin mới nhất
Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 5
  • Hôm nay: 72
  • Trong tuần: 5 653
  • Tất cả: 1373012
GÂY TÊ TỦY SỐNG MỔ LẤY THAI

Trong các ca phẫu thuật  lấy thai, sản phụ thường được gây tê tủy sống để giảm đau. Bác sĩ sẽ đưa lượng thuốc tê phù hợp vào khoang dưới nhện của tủy sống để ức chế sự dẫn truyền của toàn bộ cảm giác và vận động từ vị trí mà khoanh tủy đó chi phối xuống các cơ quan phía dưới của cơ thể khi phẫu thuật. Sản phụ vẫn tỉnh táo, nhìn thấy, nghe được và cảm nhận các thao tác của bác sĩ nhưng không có cảm giác đau. Huyết áp và tim mạch ổn định, hạn chế tối đa nguy hiểm cho mẹ và con. Bác sĩ sẽ tiến hành mổ và lấy em bé ra khỏi bụng mẹ một cách dễ dàng. Sản phụ sẽ có cảm giác trở lại khi thuốc tê hết tác dụng.

Ngoài ra gây tê tủy sống còn được áp dụng cho phẫu thuật từ vùng bụng dưới khớp háng; chi dưới như  phẫu thuật sản phụ khoa; đáy chậu, phẫu thuật  sa sinh dục và các phẫu thuật trĩ, thoát vị bẹn…

anh tin bai

   Hình ảnh gây tê tủy sống mổ lấy thai

Chỉ định gây tê tuỷ sống trong mổ lấy thai

- Mổ lấy thai chủ động: Đối với các trường hợp mẹ có bệnh lý; rau tiền đạo
(tuỳ từng trường hợp); tiền sử mổ thân tử cung; ngôi bất thường; thai to….

- Mổ lấy thai cấp cứu có trì hoãn: Mổ đẻ cũ chuyển dạ, cổ tử cung không tiến triển, ngôi không lọt, suy thai mãn

Trường hợp chống chỉ định  gây tê tuỷ sống trong mổ lấy thai

Chống chỉ định tuyệt đối

- Người bệnh từ chối.

- Mổ lấy thai tối cấp cứu (sa dây rau, rau bong non, vỡ tử cung…).

- Mổ lấy thai cấp cứu mà xét thấy thời gian chờ để chọc tuỷ sống và thời gian chờ gây tê tuỷ sống có tác dụng có thể làm tăng nguy cơ cho mẹ hoặc cho con.

- Tiền sử dị ứng thuốc tê; Thiếu khối lượng tuần hoàn chưa bù đủ, sốc; Sản giật…

Chống chỉ định tương đối

- Sản phụ từ chối phương pháp gây tê;

- Tiểu cầu 50.000-100.000 mà không kèm theo rối loạn đông máu khác;

- Bệnh tim (hẹp khít van tim, suy tim mất bù, tăng áp lực động mạch phổi);

- Sản phụ có kèm bệnh thần kinh, tâm thần;

- Bệnh lý cột sống như gù, vẹo cột sống.

Quy trình thực hiện gây tê tuỷ sống trong mổ lấy thai

- Đặt một đường truyền tĩnh mạch với dung dịch Lactate Ringer truyền tĩnh mạch trung bình 10ml – 15ml/kg cân nặng hoặc dung dịch voluven 6% (HES(130/0,4)).

- Tư thế sản phụ: tư thế ngồi hoặc nằm nghiêng trái

- Kim chọc tủy sống số 27 hoặc số 29 vị trí chọc kim L3 – L4 hoặc L4 – L5

- Thuốc sử dụng:

+ Thuốc tê Bupivacain 0,5% heavy liều lượng trung bình 8 – 10 mg.

+ Phối hợp với nhóm thuốc Opioid: Fentanyl 20mcg – 25mcg (hoặc Sufentanil 2,5mcg – 5mcg).

- Sau khi chích hỗn hợp thuốc tê và nhóm thuốc Opioid vào tủy sống: đặt bệnh nhân trở lại tư thế nằm ngửa và nghiêng trái 150 và thở ôxy 3lít/phút

Đánh giá hiệu quả gây tê tuỷ sống

- Hiệu quả: tê đạt, sản phụ không đau ;

- Không hiệu quả: tê kém, sản phụ không chịu được đau cần phải chuyển sang phương pháp gây mê nội khí quản.

- Thất bại: không chọc được kim vào khoang dưới nhện chuyển gây mê nội khí quản. Tác dụng không mong muốn: giảm huyết áp, buồn nôn, đau đầu…

Xử trí sau mổ lấy thai

- Oxytocin 10 đơn vị

- Kiểm tra  nếu tử cung co hồi kém có thể dùng thêm thuốc tăng co:

+ Methylergotamine ống 0,2mg tiêm bắp.

+ Prostaglandin E1 (misoprostol )

+ Duratocin

- Kháng sinh điều trị theo phác đồ.

- Theo dõi sát toàn trạng, mạch; huyết áp, đánh giá lượng máu mất trong lúc phẫu thuật, đến khi sản phụ ổn định sẽ được chuyển sang phòng hồi sức theo dõi.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1.      Quy trình kỹ thuật gây tê tủy sống mổ lấy thai Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Lào Cai.

2.      CV số 5069/BYT-BM-TE ngày 29 tháng 8 năm 2019 về việc  đính chính công văn số 4519/BYT-BM-TE về sử dụng phương pháp vô cảm gây tê vùng trong mổ lấy thai.

                          

 

BSCKI Lê Minh Tuấn -GMHS