Đái tháo đường hay còn gọi là tiểu đường, là bệnh rối loạn chuyển hóa đặc trưng với biểu hiện lượng đường ở trong máu luôn ở mức cao hơn so với bình thường do cơ thể thiếu hụt về tiết insulin hoặc đề kháng với insulin hoặc cả 2, dẫn đến rối loạn quan trọng về chuyển hóa đường.
Chế độ dinh dưỡng phù hợp giúp bệnh nhân kiểm soát được lượng đường trong máu, kiểm soát được cân nặng, tránh yếu tố nguy cơ mắc các bệnh lý về tim mạch, cao huyết áp, mỡ máu cao.
Khi cơ thể tiêu thụ quá nhiều calo, đặc biệt là chất bột đường và chất béo, lượng đường huyết trong cơ thể sẽ gia tăng, có thể làm tổn thương thần kinh, thận và tim. Do đó bệnh nhân tiểu đường cần giữ đường huyết ổn định bằng cách xây dựng chế độ dinh dưỡng hợp lý, lựa chọn thực phẩm lành mạnh và theo dõi thói quen ăn uống hàng ngày.
Nguyên tắc cơ bản về chế độ dinh dưỡng cho người bị tiểu đường gồm:
+ Hạn chế tinh bột (carbohydrate) trong bữa ăn;
+ Hạn chế các thực phẩm chứa đường đơn (bánh, kẹo, nước ngọt) để tránh đường huyết tăng cao sau ăn;
+ Sử dụng lượng chất béo vừa phải, ưu tiên acid béo không bão hòa từ các nguồn thực phẩm cá hồi, cá ngừ, cá thu, dầu nành, dầu phộng… để tránh rối loạn chuyển hóa;
+ Tăng cường rau xanh, trái cây ít ngọt để cung cấp chất xơ, vitamin và khoáng chất.
Trái cây và các loại rau người bệnh tiểu đường nên ăn
Bên cạch đó người bị bệnh tiểu đường cần chia chia các bữa ăn trong ngày thành nhiều bữa nhỏ (5-6 bữa/ngày) nhằm tránh tăng đường máu sau ăn. Để hạn chế hạ đường huyết trong đêm nên ăn một bữa tối trước khi đi ngủ.
Tuy nhiên người bệnh tiểu đường kèm các bệnh khác nhau sẽ có chế độ ăn kiêng khác nhau.
Chẳng hạn, với tiểu đường kèm gout, ngoài chế độ ăn kiêng như bệnh tiểu đường, bệnh nhân nên hạn chế thực phẩm có nhiều purine như như thịt đỏ và hải sản (tôm, tôm hùm, trai, cá cơm, cá mòi); hạn chế rượu; uống nhiều nước; bổ sung các sản phẩm từ sữa như sữa tách béo và sữa chua ít béo.
Người bệnh tiểu đường biến chứng tim mạch nên hạn chế muối, thức ăn nhiều cholesterol như da, mỡ (trừ mỡ cá), nội tạng động vật, đồ chiên, xào, nướng và đồ ăn nhanh.
Tốt nhất người bệnh nên đi khám bác sĩ dinh dưỡng để được phân tích, xây dựng khẩu phần ăn phù hợp với thói quen và tình trạng tiểu đường của mình,
Ngoài ra, bệnh nhân tiểu đường nên đi khám định kỳ, theo dõi đường huyết định kỳ để bác sĩ điều chỉnh thuốc uống phù hợp với tình trạng bệnh lý./.
BSCKI Nguyễn Thị Thu Hiền - Khoa Dinh dưỡng