Sau thời gian phẫu thuật, điều trị tại cơ sở y tế, người bệnh được trở về gia đình. Lúc này vấn đề chăm sóc vết mổ tại nhà là được người bệnh và gia đình quan tâm đặc biệt. Bởi nếu không biết cách chăm sóc vết thương sau mổ có thể khiến vết thương nhẹ lâu lành, tạo sẹo mất thẩm mỹ không thể hồi phục, nặng thì sẽ gây ra nhiễm trùng hay thậm chí là nhiều biến chứng nguy hiểm.
Bài viết dưới đây sẽ hướng dẫn cách chăm sóc vết mổ sau khi xuất viện đúng cách:
1. Tháo/thay băng vết thương
Các vết thương sau mổ thường được băng kín giúp bảo vệ vết thương không bị va chạm, tổn thương. Thay băng mới là hình thức tránh mô mới mọc ăn sâu vào băng cũ cũng như đảm bảo vệ sinh cho vết mổ. Khi thay băng cần lưu ý:
- Tháo băng đúng cách:
Tháo bỏ băng cũ cho vết thương: chú ý khi tháo băng chỉ chạm vào phần băng còn sạch, nếu băng quá bẩn nên dùng kẹp để lấy băng ra, việc chạm vào phần bẩn của băng có thể làm tay người thao tác bị bẩn và dẫn tới nhiễm trùng thứ phát cho vết thương.
Nếu băng khó tháo có thể lấy kéo cắt băng và chú ý cần lấy hết phần chân băng (nếu là băng dính). Với băng cuộn nên tháo ngược chiều băng, chú ý cần làm nhẹ nhàng, không gây tổn thương cho vết thương. Khi tháo băng tới lớp băng cuối, nếu vết thương dính bạn nên lấy nước muối sinh lý tưới lên phần băng gạc.
Phần băng đã tháo nên để gọn gàng trong túi, không để dây dưa bên ngoài, gây mất vệ sinh.
- Thay băng ngày 1 lần hoặc 2 ngày 1 lần (theo hướng dẫn của bác sĩ).
- Phải rửa tay bằng xà phòng trước khi mở băng và thay băng.
- Không làm ướt băng hoặc làm bẩn băng.
2. Hướng dẫn rửa vết thương
Cần quan sát kỹ và đánh giá tình trạng vết thương, sau đó lấy một kẹp sạch, vô khuẩn gắp bông nhúng vào dung dịch sát khuẩn sau đó chuyển phần bông được nhúng sát khuẩn sang kẹp thứ 2 dùng để rửa vết thương (chú ý rửa từ trong ra ngoài). Rửa cho tới khi vết thương sạch và thực hiện thao tác như trên, chú ý không được làm bẩn kẹp dùng để nhúng bông vào dung dịch sát khuẩn.
Sau khi rửa vết thương bằng dung dịch sát khuẩn, lấy gạc nhúng vào dung dịch nước muối sinh lý, vắt khô và thấm khô vết thương và lau xung quanh vết thương.
Rửa vết thương cần theo đường thẳng, từ đỉnh đến đáy, từ trong ra ngoài, từ vùng sạch đến vùng ít sạch, đồng thời sử dụng tăm bông hoặc miếng gạc theo chiều đi xuống. Cần chọn gạc đủ mềm để tránh làm vết thương bị tổn thương.
Sử dụng những dung dịch rửa không gây hại với mô cơ thể và không làm cản trở quá trình lành vết thương. ( Natriclorua 0.9%, Povidine)
Sau khi rửa vết thương dùng gạc phủ kín vết thương và băng lại hoặc cố định bằng băng dính.
Chuẩn bị dụng cụ
- 2 kềm kelly.
- Chén đựng dung dịch rửa vết thương.
- Dung dịch sát trùng da: NaCl 0.9%, Povidine
- Bông viên.
- Gạc miếng dầy mỏng tùy theo tình trạng vết thương.
- Găng tay sạch.
- Kềm gắp băng bẩn.
- Giấy lót.
- Túi đựng rác thải y tế.
- Băng dính.
- Thau đựng dung dịch khử khuẩn.
3. Giữ vết thương luôn sạch, độ ẩm nhất định
- Sau 3 ngày đầu sau mổ, người bệnh cần giữ vết thương sạch và tránh rửa nước trực tiếp lên vết mổ.
- Không được tắm vòi hoa sen trực tiếp vào vết mổ.
- Không được kì cọ vào vết mổ.
- Không ngâm người trong bồn nước nóng hoặc bơi lội.
4. Vận động sau mổ
Sau phẫu thuật thường bệnh nhân sẽ phải sớm vận động. Tuy nhiên cần lưu ý vận động nhẹ nhàng, tránh vận động quá sức.
Nghỉ ngơi và ngủ đủ giấc sẽ giúp người bệnh nhanh hồi phục.
5. Chế độ dinh dưỡng
Chế độ dinh dưỡng tác động rất lớn đến quá trình hồi phục sau phẫu thuật. Vì thế người bệnh nên lựa chọn những thực phẩm tươi, sạch giàu protein, chất xơ như thịt lợn nạc, các loại thịt đỏ, đậu phụ, ăn nhiều rau xanh, trái cây tươi…. không dùng bia rượu, các đồ ăn cay nóng hay các chất kích thích.
5. Cắt chỉ vết thương sau mổ
Nếu vết thương được khâu bằng chỉ tự tiêu thì chỉ sẽ tự tiêu sau khoảng 7 đến 10 ngày.
Đối với những loại chỉ phẫu thuật khác người bệnh cần đến các cơ sở y tế để các bác sĩ cắt chỉ. Người bệnh không nên tự làm tại nhà bởi mức độ an toàn không cao và đặc biệt là bạn không có chuyên môn hoặc kinh nghiệm. Công đoạn cắt chỉ không tiêu có thể tiến hành sau khoảng 5 đến 21 ngày tùy thuộc vào loại vết mổ và vùng thực hiện phẫu thuật.
8. Những trường hợp nào cần khám bác sĩ
- Vết mổ chảy máu hoặc tụ máu.
- Vết mổ đau, sưng nóng, có mủ hoặc đỏ.
- Vết mổ bị hở.
- Người bệnh ớn lạnh hoặc sốt cao.
- Người bệnh có cảm giác căng, hoặc thít chặt vết mổ, chỉ khâu hoặc ghim trên da bị đứt hoặc toác miệng.
- Sau mổ xuất hiện sẹo lồi, co rút hoặc phì đại quá mức cũng nên tham khảo ý kiến bác sĩ để có phương án can thiệp kịp thời.
Bài viết đã cung cấp cho bạn cách chăm sóc vết mổ sau khi người bệnh xuất viện về nhà, hi vọng phần nào giải đáp được các thắc mắc của người bệnh và gia đình về vấn đề này.
KTV Nguyễn Huy Hoàng Long – Khoa GMHS