Thông tin mới nhất
Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 5
  • Hôm nay: 743
  • Trong tuần: 6 793
  • Tất cả: 1383644
BỆNH RĂNG MIỆNG VÀ PHỤ NỮ CÓ THAI

Mang thai là thời kì có nhiều ảnh hưởng đến các cơ quan trong cơ thể người phụ nữ, bao gồm cả răng miệng. Ngược lại, các chứng bệnh về răng miệng thường rất hay gặp ở phụ nữ mang thai bởi vì trong thai kỳ lượng canxi trong cơ thể người mẹ bị thiếu hụt do phải cung cấp cho bào thai. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp đến bạn đọc nguyên nhân và cách chăm sóc sức khỏe răng miệng trong giai đoạn nhạy cảm này.

Thời điểm mẹ bầu gặp phải bệnh răng miệng

Thời điểm được cho là dễ mắc bệnh răng miệng nhất ở mẹ bầu là sau tuần thai thứ 25. Nguyên nhân của tình trạng này chủ yếu là do mẹ bị thiếu hụt canxi và không đủ để cung cấp vi chất cho sự phát triển hệ xương của em bé. Nếu người mẹ không có đủ canxi và không bổ sung được canxi qua đường ăn uống thì khả năng thiếu hụt canxi sẽ nghiêm trọng. Bệnh đầu tiên gặp phải sẽ là các bệnh liên quan đến răng miệng.

Bệnh răng miệng có ảnh hưởng đến thai phụ hay không?

Theo nhiều nghiên cứu cho thấy, những bà mẹ khi mang thai bị sâu răng thì khả năng sinh con ra sẽ có hệ tiêu hóa kém hiệu quả, hệ miễn dịch không được tốt và ngoài ra còn có thể bị ảnh hưởng bởi nhiều căn bệnh khác. Bệnh sâu răng có thể lây cho bé khi mẹ hôn con do các vi khuẩn gây hỏng răng dễ dàng lan truyền qua nước bọt.

4 bệnh lý răng miệng thường gặp ở phụ nữ mang thai 

Viêm nướu và nha chu

Khoảng thời gian mang thai từ tháng thứ 2 đến tháng thứ 8, thai phụ thường rất hay bị viêm nướu. Nướu thường đỏ hơn bình thường và có tình trạng chảy máu khi chải răng. Nguyên nhân chủ yếu của những thay đổi trên là do sự gia tăng nồng độ hormone progesterone trong cơ thể cao gấp 10 lần so với bình thường. Đây là điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của hệ vi khuẩn gây viêm nướu. Ngoài ra, trong thời kỳ mang thai, hệ thống miễn dịch của phụ nữ có thể hoạt động khác so với bình thường dẫn đến phản ứng của cơ thể với các vi khuẩn gây viêm nướu cũng khác đi.

Sâu răng

Vào những tháng đầu tiên của thai kỳ, do các triệu chứng sinh lý thông thường có thể xảy ra như: ốm nghén, buồn nôn, mệt mỏi thay đổi môi trường pH trong miệng, từ đó giảm khả năng tự bảo vệ của răng miệng nên các bệnh lý dễ dàng hình thành, đặc biệt là sâu răng. Bên cạnh đó, việc bổ sung nhiều thức ăn ngọt, glucose, ăn nhiều bữa phụ ảnh hưởng đến sức khỏe răng miệng, làm tích tụ các mảng bám, thay đổi môi trường axit khoang miệng làm mẹ bầu đối mặt với nguy cơ sâu răng thai kỳ.

 
anh tin bai

Nguồn hình ảnh Internet

Mòn răng

Thông thường răng được bảo vệ bởi lớp men răng. Tuy nhiên khi mang thai, chứng ợ chua, nôn ói ở mẹ bầu khiến acid từ dạ dày bị đẩy lên khoang miệng, tiếp xúc trực tiếp với men răng và ngà răng gây nên mòn răng – một bệnh răng miệng có ảnh hưởng đến thai phụ, làm tăng cảm giác ê buốt. Mẹ bầu dễ dàng thấy tê buốt tại hàm hoặc một vị trí, đặc biệt khi ăn uống các thức ăn lạnh hoặc khi thở bằng miệng.

U nướu thai nghén

Đây là một bệnh lý đặc biệt xuất hiện trong thời gian mang thai, còn có tên gọi khác là u hạt thai nghén. Bệnh xuất hiện trong khoảng từ tháng thứ ba đến tháng thứ sáu trong thai kỳ với biểu hiện là hình ảnh những khối u ở trên nướu, có màu đỏ hoặc hồng giống như quả dâu tây bị sưng tấy, có thể dễ chảy máu. Một số trường hợp còn có đặc điểm tăng sản, nướu có màu xỉn, màu hồng nhạt và bề mặt thô ráp. Những khối u này không phải là một khối u thực sự và cũng không phải là bệnh ung thư. U nướu thai nghén thường không cần điều trị mà sẽ tự biến mất sau khi sinh em bé. Nếu như sau khi sinh bệnh vẫn không chấm dứt thì có thể thực hiện phẫu thuật cắt nướu để tái tạo lại thẩm mỹ cho bệnh nhân.

Phòng chống bệnh răng miệng ở phụ nữ mang thai

anh tin bai

Để không phải đối mặt với các chứng bệnh răng miệng có ảnh hưởng đến thai phụ và thai nhi, mẹ bầu nên thực hiện những điều sau đây:

- Mỗi ngày đánh răng ít nhất 2 lần vào thời điểm sau bữa ăn để giữ vệ sinh răng miệng.

- Trong giai đoạn ốm nghén, sau mỗi lần bị nôn mẹ cần súc miệng lại bằng nước sạch để giảm axit có trong miệng.

- Nếu đánh răng gây buồn nôn cho các bà mẹ mang thai, mẹ có thể đánh nhẹ nhàng sau đó súc miệng lại bằng dung dịch súc miệng hay nước muối loãng.

- Tích cực ăn thực phẩm giàu vitamin C, B12, canxi… và hạn chế ăn đồ ngọt, đồ có ga

Nhận biết được những bệnh răng miệng có ảnh hưởng đến thai phụ sẽ giúp mẹ bầu phần nào trang bị được những kiến thức và chuẩn bị tốt về vấn đề này trước và trong thời kỳ mang thai. Chăm sóc thật tốt vấn đề sức khỏe về răng miệng trong giai đoạn này cũng là cách bảo vệ sức khỏe cho con yêu và chính bản thân mình.

Tuy nhiên, những thông tin cung cấp trên đây chỉ mang tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Để biết chính xác tình trạng bệnh lý, thai phụ cần tới các bệnh viện để được bác sĩ thăm khám trực tiếp, chẩn đoán và tư vấn phác đồ điều trị hợp lý.

 

Tài liệu tham khảo:

https://www.vinmec.com/vi/tin-tuc/thong-tin-suc-khoe/san-phu-khoa-va-ho-tro-sinh-san/suc-khoe-rang-mieng-o-phu-nu-mang-thai/

 

NHS. Phạm Thị Hằng – Khoa Sản