Thông tin mới nhất
Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 9
  • Hôm nay: 50
  • Trong tuần: 7 988
  • Tất cả: 1521285
Bệnh sốt mò (Rickettsia) - Những điều cần biết

Bệnh sốt mò (hay còn gọi là sốt do ấu trùng mò) là bệnh truyền nhiễm cấp tính gây ra bởi Orientia tsutsugamushi (một loại vi khuẩn thuộc họ Rickettsia và lây sang người thông qua ấu trùng mò thuộc họ Trombicula (tên Leptotrombidium). Các ấu trùng mò này thường có ký chủ trung gian là những loài động vật gặm nhấm, chủ yếu là chuột, chim hoặc gia súc, gia cầm.

Biểu hiện của bệnh

Sốt cao kéo dài, có vết loét da do ấu trùng mò đốt, phát ban dạng sẩn. Đặc điểm của vết loét thường là 1 vết hình tròn hoặc bầu dục, đường kính khoảng 5-10 mm, không đau, không ngứa, viền đỏ và nổi gờ trên mặt da. Lúc đầu màu vàng xám, sau đó đóng vảy màu nâu hoặc đen.

anh tin bai

Hình ảnh nốt mò đốt trên bệnh nhân tại khoa Truyền nhiễm - Bệnh viện Sản Nhi Lào Cai

Vị trí thường gặp trên cơ thể

Hay gặp ở các nếp gấp của cơ thể như: tay, cổ, gáy, thân mình, đùi, bẹn, rốn... khoảng tuần thứ 2 kể từ khi mò đốt vết thương sẽ bong vảy để lại vết loét đáy sạch khô, màu đỏ tươi có viền cứng.

Cơ chế nhiễm bệnh

   Từ vết loét, Orientia tsutsugamushi xâm nhập vào hệ bạch huyết gây viêm hạch tại chỗ rồi sưng, viêm và đau hạch toàn thân; đồng thời chúng xâm nhập vào máu, gây viêm nội mạc vi mạch máu toàn thân tổn thương viêm nhiễm các cơ quan.

   Bệnh diễn tiến từ nhẹ đến nặng, có thể gây biến chứng và tử vong.

Một số biến chứng có thể gặp

   - Thần kinh: rối loạn tri giác, viêm màng não, viêm não, tổn thương thần kinh sọ não, viêm thần kinh ngoại biên.

   - Tim mạch: viêm tắt mạch máu, viêm cơ tim, truỵ tim mạch, suy thận, viêm phổi, suy hô hấp.

   - Ngoài ra có thể gây gan, lách, hạch to; hiếm hơn là đông máu nội mạch lan tỏa và hội chứng thực bào máu.

   - Bệnh diễn tiến nặng nhẹ tùy vào các yếu tố như: chủng O. tsutsugamushi gây bệnh, tuổi bệnh nhân (tuổi > 50 tỷ lệ tử vong 45% đến 60% nếu không điều trị). Tỷ lệ tử vong một số nơi như Nhật 31,6%; Đài Loan 10%. Nguyên nhân tử vong thường do trụy tim mạch, viêm cơ tim, xuất huyết, viêm phổi, biến chứng viêm não - màng não. Ở Ấn Độ, 1/3 bệnh nhân nhập viện bị sốt mò nặng, suy đa cơ quan, với tỷ lệ tử vong trung bình 24%.

Các biện pháp chăm sóc người bị bệnh sốt mò

- Bệnh nhân đáp ứng tốt với thuốc điều trị, khả năng hết sốt trong vòng 24-36 giờ. Tuy nhiên người bị bệnh sốt mò thường ăn ít, cơ thể kém hấp thu do đó cần có kế hoạch chăm sóc toàn diện. Cho bệnh nhân ăn đủ dinh dưỡng, thay đổi khẩu phần ăn hàng ngày, không nên kiêng khem quá kỹ vì bệnh nhân có thể bị suy dinh dưỡng, uống nhiều nước.

- Bệnh sốt mò hoàn toàn không lây truyền từ người sang người, do đó người chăm sóc bệnh nhân sẽ không bị lây nhiễm và không bị bệnh sốt mò. 

- Làm hết tình trạng viêm nhiễm, giảm thân nhiệt cho bệnh nhân.

- Hạ nhiệt bằng cách chườm nước ấm hoặc Paracetamol khi nhiệt độ > 38,5 °C.

- Vệ sinh thân thể, đề phòng viêm da: Lau người cho bệnh nhân hàng ngày bằng nước sôi để nguội, sau đó lau khô ngay bằng khăn bông sạch, nếu có viêm da không được tắm rửa cho bệnh nhân bằng nước xà phòng.

- Cho bệnh nhân mặc quần áo rộng, mềm, cắt móng tay cho bệnh nhân tránh quần áo cọ vào da và tránh gãi làm xước da, viêm da.

Phòng bệnh

   - Để phòng tránh bệnh, người lớn và trẻ em hạn chế đi vào vùng bụi rậm, cỏ thấp, vùng đất ẩm, vách núi, hang động. Khi đi vào những khu vực nghi có nhiều ấu trùng mò nên mặc quần áo dài, buộc kín gấu quần, mang tất, ủng. Y văn ghi nhận ở miền Nam Việt Nam, khoảng 50% bệnh nhân bị sốt mò do ấu trùng đốt khi làm việc ở ruộng lúa.

  - Nếu bị các nốt đốt lạ và sốt cao, không rõ nguyên nhân, cần kiểm tra kỹ tất cả bề mặt da trên cơ thể tìm các vết đốt, sau đó cần đưa đến các cơ sở y tế sớm để được các bác sĩ khám bệnh, chẩn đoán và điều trị kịp thời.

 

Nguyễn Thị Xinh Tươi-TN
Footer chưa được cập nhật nội dung hoặc chưa được duyệt !