Mổ lấy thai là phẫu thuật lấy thai nhi, nhau thai, màng ối bằng một vết mổ qua thành bụng và thành tử cung trong những trường hợp thai phụ không sinh được đường dưới âm đạo như: thai to, suy thai phải mổ cấp cứu, ngôi thai bất thường, bà mẹ có khung xương chậu hẹp, méo, bà mẹ có sẹo mổ cũ, bà mẹ có bệnh lý về bánh rau… Sau khi mổ lấy thai, nếu mẹ và bé không được chăm sóc tốt thì sẽ ảnh hưởng đến sức khoẻ của mẹ và bé sau này. Để chăm sóc cho sản phụ sau mổ được tốt hơn thì chúng ta cần phải tư vấn và hướng dẫn cho sản phụ và gia đình những việc cần làm như sau:
Ngày đầu tiên sau mổ:
Hướng dẫn sản phụ sau mổ lấy thai nên vận động sớm để tránh bế sản dịch, tắc ruột và thuyên giảm tắc tĩnh mạch chi dưới.
Sản phụ được truyền dịch, thuốc giảm đau , kháng sinh, được theo dõi mạch, nhiệt độ, huyết áp, huyết ra âm đạo, vệ sinh 4 tiếng/1lần,vệ sinh cá nhân. Hướng dẫn người nhà cho trẻ bú mẹ và biết lợi ích khi trẻ bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu, cho trẻ tiêm phòng văcxin viêm gan B và lao, theo dõi trẻ đi ngoài phân xu phòng ngừa trẻ không có hậu môn. Ngày đầu tiên lau vệ sinh cho trẻ không tắm cho trẻ nhằm ngừa hạ thân nhiệt cho trẻ.
Sản phụ còn đau hướng dẫn sản phụ tự xoay người, co duỗi chân tay, có người hỗ trợ ngồi dậy tại giường, 2 tiếng sau mổ có thể ăn 1 bát cháo loãng, uống nước, theo dõi xì hơi.
Ngày thứ 2 sau mổ:
Sản phụ có thể đi lại nhẹ nhàng có người nhà hỗ trợ , được cán bộ y tế chăm sóc thay băng, dùng thuốc, đo dấu hiệu sinh tồn, kiểm tra sản dịch, khuyên sản phụ ăn cháo từ loãng đến đặc, nên uống nhiều nước hoặc nước trái cây ép, hỏi sản phụ đã trung tiện chưa, nên đi lại để không bế sản dịch.
Trẻ ngày thứ 2 được bác sỹ khoa sơ sinh khám tổng thể, được nữ hộ sinh tắm gội, kiểm tra vệ sinh rốn, đo thính lực tai, lấy máu gót chân.
Ngày thứ 3 sau mổ :
Sản phụ đỡ đau tự đi lại trong phòng và hành lang, ăn cháo đặc hoặc cơm, canh, uống nhiều nước, hoa quả. Sản phụ có thể tự làm vệ sinh cá nhân. Sản phụ tiếp tục dùng kháng sinh, thay băng vết mổ; em bé được tắm bé và vệ sinh rốn.
Ngày thứ 4 sau mổ trở đi:
Sản phụ tự vận động , ăn uống bình thường , tự chăm sóc con và cho trẻ bú. Sản phụ được dùng thuốc hết 5 ngày điều trị, thay băng vết mổ và được cán bộ y tế giải đáp những thắc mắc, lo lắng cho sản phụ .
Tư vấn cho sản phụ khi ra viện:
Sau 7 ngày nằm viện sản phụ được thay băng , cắt chỉ và tư vấn tự chăm sóc, theo dõi các dấu hiệu bất thường của mẹ và bé tại nhà.
Về phía mẹ cần ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, uống đủ nước, dùng thuốc bác sỹ kê đơn, ngủ đủ 8 tiếng / ngày, theo dõi phát hiện đến viện khám kịp thời nếu thấy các dấu hiệu bất thường như: Đau bụng, sốt, bụng chướng, ra huyết âm đạo nhiều hơn lượng kinh thông thường hoặc kéo dài trên 1 tháng; lựa chọn biện pháp tránh thai phù hợp với mình.
Còn về về phía con, đưa con đến viện khám ngay khi thấy trẻ vàng da, ngủ li bì, quấy khóc nhiều, rốn chảy dịch, mùi hôi, cho trẻ tiêm phòng đúng lịch.
Phụ nữ có thai nên đến các cơ sở y tế có chất lượng để được các chuyên gia khám thai định kì, tư vấn những điều cần thiết về quá trình mang thai và chọn lựa cơ sở y tế có chuyên môn để sinh con.