Thông tin mới nhất
Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 0
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Nguyên nhân và cách điều trị, chăm sóc bệnh nhân sau cắt Amidan

Amidan là tổ chức bạch huyết có chứa các tế bào bạch cầu, có nhiệm vụ nhận diện vi khuẩn để tạo ra kháng thể tiêu diệt vi khuẩn khi chúng thâm nhập. Nó cùng với các tổ chức bạch huyết khác ở họng tạo thành vòng bạch huyết Waldayer bao quanh đường hô hấp và đường tiêu hóa.

Các trường hợp được chỉ định phẫu thuật cắt amidan bao gồm:

·                Amidan bị viêm tái phát nhiều lần >5 lần/năm và trong ít nhất 2 năm liên tiếp.

·                Viêm Amidan gây ra các biến chứng.

·                Amidan quá phát gây tắc nghẽn đường thở.

·                Khối u amidan nghi ngờ ác tính cần làm xét nghiệm giải phẫu bệnh.

anh tin bai

Cách chăm sóc và theo dõi sau phẫu thuật cắt Amidan

Vấn đề chảy máu

- Chảy máu sau phẫu thuật không phải là vấn đề hiếm gặp và nó có thể kéo dài đến hai tuần sau đó. Hầu hết các trường hợp chỉ là chảy máu lượng rất ít và thậm chí bạn chỉ có thể phát hiện ra điều này khi nhìn thấy một chút máu trên lưỡi.

- Ngược lại, nếu bạn chảy máu lượng nhiều hay có khạc nhổ, ho hoặc nôn ra máu hoặc chảy máu không ngừng thì cần báo cho nhân viên y tế ngay lập tức.

NÊN:

- Nằm nghiêng sang 1 bên, không gối hoặc gối thấp, liên tục nhè nước bọt ra khăn giấy đến khi nước bọt trong.

- Nhẹ nhàng đánh răng và súc miệng theo chỉ dẫn của bác sĩ khi đã được phép.

KHÔNG NÊN:

-  Tránh ho, khạc mạnh;  la hét lớn.

Vấn đề giảm đau

- Trong vài ngày đầu sau phẫu thuật, đôi khi có thể lên đến 10 ngày, cảm giác đau nhiều, dai dẳng ở cổ họng là điều khó tránh khỏi. Tình trạng này có thể thuyên giảm bớt bằng cách sử dụng thuốc giảm đau thông thường như paracetamol.

- Nếu bạn bị đau khi ăn hoặc khi ngủ, hãy uống thuốc giảm đau trước để thuốc nhanh chóng phát huy tác dụng, giúp bạn dễ chịu hơn.

- Ngoài ra bạn cũng có thể chườm túi đá lạnh vùng cổ, điều này ghi nhận thấy hiệu quả đáng kể. Để thực hiện, bạn nên đặt đá viên nhỏ lấy ra từ tủ lạnh vào một túi nilon kín, quấn khăn thấm nước bên ngoài và nhẹ nhàng đặt túi nước đá lên phía trước cổ họng của mình.

Nên báo ngay cho nhân viên y tế khi có các biểu hiện sau :

- Đau tăng

- Không đáp ứng với thuốc giảm đau

Vấn đề sốt, nhiễm trùng:

- Sau mổ, tình trạng sốt nhẹ, dưới 38 độ C thường gặp và có thể giải quyết với paracetamol. Đồng thời, người bệnh nên được nghỉ ngơi tại giường, hạn chế vận động và chú ý uống đủ nước.

- Tuy nhiên, nếu sốt kéo dài hơn hai ngày hoặc nếu sốt cao hơn, sốt không hạ được, hãy nghi ngờ khả năng bệnh nhân đã bị nhiễm trùng và nên tiến hành khám xét đánh giá lại.

Vấn đề dinh dưỡng sau mổ:

- Sau cắt amidan, cảm giác đau sẽ khiến bạn hạn chế trong việc ăn uống. Tuy nhiên bạn cần phải uống đủ nước. Việc này sẽ thúc đẩy quá trình lành thương, giảm nguy cơ chảy máu và ngăn ngừa mất nước.

- Bên cạnh đó, bạn cần phải tuân thủ chế độ ăn lỏng hoặc mềm trong vài ngày sau phẫu thuật cắt amidan. Ăn súp, bột, cháo xay nhuyễn và uống sữa, nước, chia thành nhiều bữa nhỏ thường xuyên trong ngày.

NÊN:

-  Uống sữa lạnh, màu trắng sau 2 giờ.

-  Ăn cháo xay nhuyễn, súp, trong 2 ngày đầu.

- Ngày thứ 3 đến ngày 7 ăn mềm nguội.

- Ngày thứ 8 có thể ăn cơm mềm.

KHÔNG NÊN:

- Ăn nóng, chua, cay hoặc cứng, có cạnh sắc, chẳng hạn như khoai tây chiên, vì có thể làm tổn thương vùng amidan, kiếng rượu bia, các chất kích thích trong những tuần đầu.

- Không uống nước cam hoặc nước bưởi cũng như các loại nước ép trái cây, vì chất acid trong đó có thể làm tổn thương cổ họng của bạn.

Vấn đề vận động sau mổ

NÊN :

- Sau phẫu thuật cắt amidan, hầu hết bệnh nhân nên được nghỉ ngơi trong phòng một hoặc hai ngày và có thể bắt đầu vận động nhẹ nhàng sau ba hoặc bốn ngày nếu cơ thể hoàn toàn cảm thấy thoải mái.

- Nên vận động, sinh hoạt tại giường trong ngày đầu.

- Luôn có người nhà bên cạnh.

KHÔNG NÊN :

- Mọi hoạt động thể chất mạnh, nặng ngay sau phẫu thuật không được khuyến khích vì có nguy cơ tổn hại đến sự lành vết thương.

- Một số trường hợp cần can thiệp xâm lấn trong khi cắt amidan, mất máu nhiều thì có thể mất hai đến ba tuần để có thể phục hồi hoàn toàn.

- Trong khoảng thời gian này, hạn chế nơi đông người và tránh tiếp xúc những người đang bị cảm, viêm họng hoặc cúm.

Một số vấn đề khác

Báo ngay cho nhân viên y tế càng sớm càng tốt nếu bạn có các dấu hiệu sau:

- Họng cứng, sưng đau và không thuyên giảm với thuốc giảm đau thông thường;

- Chảy máu đỏ tươi từ mũi hoặc miệng hoặc chảy máu đột ngột nặng hơn;

- Cảm thấy mệt mỏi, chóng mặt hoặc có thể ngất xỉu khi ngồi dậy hoặc đi đứng;

- Không thể ăn hay uống được gì qua miệng;

- Có mủ hoặc máu chảy xuống cổ họng;

- Thay đổi giọng nói;

- Tình trạng cứng và sưng đau lan ra vùng mặt, cổ;

- Khó thở và khó nuốt ngày càng tăng dần;

- Sốt cao hay sốt kéo dài.

Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Lào Cai với đội ngũ bác sỹ chuyên khoa Tai – Mũi Họng giàu kinh nghiệm là địa chỉ lựa chọn đáng tin cậy của nhiều bậc phụ huynh trong khám, phát hiện và điều trị kịp thời các bệnh lý tai mũi họng trong đó có viêm amydal.

 

 

Lương Thị Hồng Tươi – Ngoại LCK
Footer chưa được cập nhật nội dung hoặc chưa được duyệt !