Thông tin mới nhất
Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 5
  • Hôm nay: 401
  • Trong tuần: 20 466
  • Tất cả: 1862765
NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT VỀ VẬT LÝ TRỊ LIỆU HÔ HẤP

Bệnh lý hô hấp là một bệnh lý rất phổ biến ở trẻ em và trẻ sơ sinh, đặc biệt xuất hiện nhiều vào thời điểm giao mùa. Thông thường ở trẻ chưa biết khạc đờm hoặc phản xạ ho không hiệu quả, đờm sẽ ứ đọng khiến trẻ gặp khó khăn trong việc hô hấp. Khi đó, vật lý trị liệu hô hấp(VLTLHH) là phương pháp tối ưu  nhằm mục đích nâng đỡ và phục hồi chức năng hô hấp, thông qua việc can thiệp đẩy đờm ra ngoài một cách tự nhiên. Tuy nhiên, việc áp dụng phương pháp này cần tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ và thực hiện đúng kỹ thuật để đảm bảo an toàn cho trẻ.

Vật lý trị liệu hô hấp là gì?

Vật lý trị liệu hô hấp là phương pháp điều trị hỗ trợ bằng cách dùng các phương pháp vật lý (bằng tay của kỹ thuật viên, hoặc bằng dụng cụ hoặc cả 2) giúp làm sạch ứ đọng đường hô hấp ở trẻ, giúp giãn nở phổi tốt hơn, tăng cường sức cơ hô hấp với mục đích cải thiện đường kính ống dẫn khí từ mũi đến phế nang, cải thiện khả năng thông khí, bảo đảm cho sự phát triển đầy đủ của phổi tránh tác động của sự ứ đọng.

VLTLHH dựa vào tính chất vật lý của chất khí để làm thay đổi áp suất trong đường dẫn khí, theo nhịp thở của trẻ để làm long đờm nhớt, thông thoáng đường thở.

Khi nào cần làm vật lý trị liệu hô hấp

Vật lý trị liệu hô hấp áp dụng trong các trường hợp sau:

- Trường hợp ứ đọng đờm nhớt làm tắc nghẽn đường hô hấp, đặc biệt là trẻ nhỏ (do trẻ không biết khạc đờm và phản xạ ho không hiệu quả), những trẻ phải nằm bất động lâu ngày. Một số bệnh lý đường hô hấp như:  Viêm nghẹt mũi, viêm tiểu phế quản, viêm xẹp phổi…

- Trẻ mắc các bệnh mãn tính gây ứ đọng đờm nhớt (bại não, bệnh thần kinh ,cơ, 1 số bệnh hô hấp mãn tính…).

- Xẹp phổi do ứ đọng đờm nhớt.

- Sau phẫu thuật đặc biệt là phẫu thuật lồng ngực.

Phương pháp này giúp đường thở được thông thoáng khiến trẻ thở dễ dàng hơn, giảm khò khè và giảm nôn ói. Đồng thời, phương pháp này giúp giải phóng những đờm nhớt ứ đọng trong khí quản, phế quản, trẻ sẽ dễ chịu hơn và bú mẹ, ăn tốt hơn.

Những tai biến có thể gặp trong vật lý trị liệu hô hấp

Nếu thực hiện VLTLHH  không đúng chỉ định hoặc sai kỹ thuật có thể dẫn đến tai biến cho trẻ. Những tai biến có thể gặp:

+ Suy hô hấp hoặc làm nặng thêm tình trạng suy hô hấp của trẻ.

+ Gãy xương sườn.

+ Nôn ói, hít sặc.

+ Cắn trúng môi lưỡi gây chấn thương hoặc gây xuất huyết trên mặt

Thời gian thực hiện vật lý trị liệu hô hấp

Thời gian thực hiện vật lý trị liêu hô hấp  trong mỗi lần điều trị là khoảng 10-15 phút. Tuy nhiên, tùy thuộc vào tình trạng bệnh của bé mà các bác sĩ sẽ chỉ định số lần thực hiện điều trị.

Ba mẹ nên cho bé nhịn ăn trước khi thực hiện kỹ thuật khoảng hai giờ, nên  khí dung cho trẻ trước khi đến để làm đờm loãng ra, dễ dàng tống đờm ra khỏi cơ thể. Sau khi thực hiện kỹ thuật này, ba mẹ nên ôm ấp vỗ về để bé giảm khóc, giảm khó chịu, có thể cho bé uống nước ấm và 10 phút sau khi thực hiện mới được cho bé bú, ăn.

Các bước thực hiện Vật lý trị liệu hô hấp

Tùy thuộc vào tình trạng bệnh của bé mà bác sĩ sẽ chỉ định số lần thực hiện điều trị cho bé. Thông thường, thời gian thực hiện vật lý trị liệu hô hấp  cho bé là khoảng 10-15 phút mỗi lần với 5 bước:

1. Làm sạch mũi họng : giúp tống đờm nhớt tại vùng mũi và hầu họng ra ngoài

anh tin bai
 

2. Kỹ thuật tăng tốc thì thở ra AFE (Acceleration du Flux Expiratoire): Được thực hiện nhằm tống xuất đờm nhớt còn lại ở phần gần đường dẫn khí như khí quản và phế quản lớn. Kỹ thuật này tạo ra một lực đẩy mạnh luồng không khí trong phổi ra ngoài với vận tốc gần như vận tốc của cơn ho.  

 
anh tin bai

3. Kỹ thuật  gây ho: Khi cảm nhận được sự di động của đờm rãi dưới lòng bàn tay của người điều trị đang đặt trên ngực trẻ, thì áp dụng kỹ thuật kích thích ho để tống đờm rãi ra ngoài. Trong trường hợp trẻ tự khởi phát cơn ho thì không cần kích thích ho.

4. Kỹ thuật ngáng miệng họng (Chặn gốc lưỡi) : Vào thời điểm trẻ ho hoặc khóc, dùng rìa bàn tay, ngón trỏ hoặc ngón cái để chẹn phần dưới của lưỡi không cho trẻ nuốt vào, động tác hướng từ sau ra trước đẩy dịch xuất tiết từ phía dưới lưỡi ra phía môi của trẻ nhằm giúp đẩy đờm từ vùng hầu họng ra khỏi miệng

5. Kỹ thuật hút mũi họng : Kỹ thuật này cho phép hút dịch mũi họng với 1 sonde mềm. Là một thao tác cần thiết đối với trẻ < 6 tuần tuổi duy nhất chỉ biết thở bằng mũi.

Ba mẹ có nên thực hiện vật lý trị liệu hô hấp tại nhà hay không?

Cha mẹ hoàn toàn không nên tự thực hiện kỹ thuật vật lý trị liệu hô hấp  tại nhà. Phương pháp này chỉ nên thực hiện dưới sự chỉ định của bác sĩ và do các kỹ thuật viên được đào tạo chuyên môn sâu. Một số việc cha mẹ có thể làm tại nhà để giúp bé mau khỏi bệnh:

+ Nhỏ mũi bằng nước muối sinh lý cho trẻ 4-5 lần/ngày, đặc biệt trước khi cho trẻ ăn hoặc ngủ để trẻ ngủ ngon hơn và ăn dễ hơn.

+ Chỉ nên dùng khăn giấy sạch sử dụng một lần để hỉ, lau mũi cho trẻ

+ Chia nhỏ các bữa ăn để trẻ dễ tiêu và ăn được nhiều hơn

+ Khi ngủ, cho trẻ nằm nghiêng, kê gối cao hơn thông thường.

+ Hạn chế việc mẹ dùng miệng hút mũi cho trẻ vì trong khoang miệng của mẹ có nhiều vi khuẩn gây bệnh, chỉ nên dùng trong trường hợp cấp cứu.

+ Tuyệt đối không cho trẻ uống các loại thuốc ức chế cơn ho mà không có chỉ định của bác sĩ chuyên khoa vì sẽ khiến đờm đặc quánh lại, độ dính cao và khó tống xuất ra ngoài.

Hiện tại Bệnh viện Sản Nhi Lào Cai đã và đang triển khai kỹ thuật vật lý trị liệu hô hấp và đạt được kết quả tốt, thời gian điều trị ngắn hơn, giúp trẻ nhanh chóng được xuất viện. Các bậc cha mẹ theo dõi con, nếu trẻ có vấn đề gì bất thường hãy tới ngay Bệnh Viện Sản Nhi Lào Cai để được thăm khám và tư vấn một cách tốt nhất.

Liên hệ tư vấn:

Hotline: 0868966028 hoặc nhắn tin qua Fanpage: Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Lào Cai.

 

BSCKI Lương Thị Lệ Quyên - ĐTSS
Footer chưa được cập nhật nội dung hoặc chưa được duyệt !